Nhà nhà nước và cơ may được hưởng
Có một chỗ để ở hay dùng từ đẹp đẽ hơn là có nhà để ở luôn là ao ước cháy bỏng của biết bao người.
Cả Hà Nội hiện có 1.216 biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 có 222 biệt thự, nhóm 2 - 356 biệt thự, nhóm 3: 638 biệt thự. Các biệt thự này được quản lý theo quy chế sử dụng biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954.
Mới đây, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn. Đồng thời, các đơn vị chức năng lập kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác; lập hồ sơ quản lý biệt thự cũ; khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự cũ để trình UBND TP.
Khó khăn với nhà quản lý
Nói thực lòng, chưa đến 100 ngôi biệt thự cũ được chỉnh trang không phải là nhiều nhưng các nhà quản lý hiện nay của Hà Nội vẫn gặp khó khăn. Đó chính là do sau nhiều chục năm buông lỏng và lúng túng về kinh phí cùng cung cách thay đổi liên tục trong chủ trương nhà nước quản lý, cho thuê rồi hoá giá rồi lại dừng hoá giá...
Khi hoà bình lập lại năm 1954 tại miền Bắc, Hà Nội có một làn sóng người từ vùng tự do và kháng chiến trở về sau 9 năm chiến đấu chống thực dân Pháp. Họ sống tại các biệt thự khi chúng bị bỏ trống vì có người di cư sang nước ngoài hoặc vào Nam sinh sống.
Thực tế là, sau 1954, không hẳn các biệt thự nói trên đều được phân chia cho các quan chức cấp cao sử dụng. Một số người khi rời khỏi cương vị công tác cũng đồng thời rời khỏi biệt thự (kiểu nhà công vụ). Nhiều người cấp thấp hơn lại may mắn ở lại do nhà nằm ở những tuyến phố được mua thanh lý. Chính sách nhà ở này trong thời gian dài có nhiều bất cập rất khó giải thích và thiếu nhất quán. Ngược lại, với cán bộ rất bình thường, khi đã vào ở rồi thì lại không hề phải chuyển đi nơi khác.
Theo quy định về phân nhà, khoảng những năm 1960-1970, khi quỹ biệt thự dần ít đi, nhà nước cũng tự điều chỉnh bằng cách cắt bớt diện tích. Theo đó, cỡ bộ trưởng cũng chỉ được phân nhà rộng 150m2. Đến những năm 1980, cấp hàm bộ trưởng chỉ còn 100m2, thứ trưởng 75m2. Nếu cả 2 vợ chồng cùng là cán bộ cao cấp cũng không phải được đủ cả hai tiêu chuẩn gộp vào mà phải giảm bớt 1/3 diện tích của vị nào có cấp hàm thấp hơn.
Một thứ trưởng Y tế mà tôi biết như tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồi Xuân, khi được bổ nhiệm và từ Hải Phòng chuyển lên Hà Nội, do Bộ hết nhà công vụ nên cũng chỉ được cấp và trả tiền thuê hàng tháng một căn hộ tập thể cao tầng như người khác, tổng diện tích sau khi ghép lại là 56m2 (do không có căn lớn nên phải gom 2 căn thành 1 tại tập thể Giảng Võ).
Năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng nhưng chỉ được thêm 1 căn 36m2 tại tập thể Trung Tự. Tổng cộng ông chỉ được phân 92m2 nhà tập thể.
Còn có những tấm gương về chuyện trả nhà biệt thự công vụ chuyển sang ở chung cư mà có lẽ không nhiều người biết.
Đó là cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (người từng được Bác Hồ gọi là Anh Cả Đỏ vì đức tính liêm khiết ), hay nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Vũ Oanh... Các ông sau khi nghỉ hưu đều tự nguyện trả nhà biệt thự để về sống tại các chung cư dù khi đó nhà nước chưa yêu cầu trả nhà.
Tôi kể một vài câu chuyện để thấy, nếu Thủ đô có đến gấp 10 số biệt thự như bây giờ mà không phân phối chặt chẽ, đồng bộ và công tư rõ ràng thì cũng không tài nào đủ khi mà đất nước ta, cứ 5 năm một lần có một lớp lãnh đạo mới hình thành.
Hóa giá sát giá thị trường, bảo tồn nguyên gốc
Đầu năm nay, Hà Nội thông báo tạm dừng việc bán 600 biệt thự cũ. Đây là thông tin được nhiều người quan tâm. Việc bán 600 biệt thự thực tế được thực hiện theo nghị quyết 18/2008 của HĐND TP, quyết định 4734/QĐ-UBND 2009 của UBND TP được Chính phủ cho phép.
Đến thời điểm hiện nay, tôi cho rằng chủ trương hoá giá vẫn đúng. Chỉ có vào tay tư nhân bỏ tiền mua và chịu ràng buộc những điều khoản phải có trách nhiệm duy tu, bảo tồn thì sẽ giữ gìn bền lâu nét kiến trúc cổ xưa giá trị. Nếu không thì nhà nước lấy tiền đâu để làm chuyện này và không lẽ cứ bù lỗ mãi mãi công tác chỉnh trang, bảo tồn kiến trúc cổ. Vấn đề quan trọng là giá cả ra sao khi quyết định hoá giá, cần theo sát giá thị trường để tránh chuyện thất thu.
Người đang ở mà không đủ tiền mua hoá giá thì cũng được đền bù tương đối thoả đáng. Chúng ta không máy móc, cứng nhắc theo giá đền bù hiện hành...
Việc thu tiền cho thuê nhà trước đây và ngay cả hiện nay, mức thuê mặt tiền của các phố cổ có thể buôn bán thuận lợi thì chúng ta cũng tính giá khác tạm gọi là phù hợp. Trong khi mức thuê biệt thự vẫn còn là "giá thu chỉ cho có" thì không đủ bù chi cho sửa chữa nhỏ, thậm chí chỉ là quét vôi bên ngoài toà biệt thự.
Nhìn chung, chính sách nhà ở không chỉ với dân đô thị mà cả với cán bộ cấp cao cũng luôn thay đổi, thiếu đi sự nhất quán suốt nhiều thập kỷ qua. Vì thế nên nảy sinh nhiều thắc mắc mà chúng ta không thể giải thích được. Trong khi đó, quỹ đất thì đâu phải còn mãi!
Nhiều nhà biệt thự mà tôi biết, cách đây vài chục năm, Hà Nội cũng cho từng bộ, ngành thuê theo lối cơ quan đó đứng ra thuê nhà công vụ rồi tự điều chuyển trong nội bộ các thứ trưởng, bộ trưởng (và tương đương) của bộ, ngành đó. Mãi sau này Nhà nước mới có quy định cho cá nhân thuê trực tiếp với thành phố.
Có lẽ cũng từ những khó khăn về kinh tế và không có khả năng lấy tiền thuê nhà mà đủ chi phí sửa chữa nhỏ nên chúng ta mới có chủ trương cho hoá giá. Đây là chủ trương có lý nhưng chưa được công bằng về mức giá thanh lý.
Một thành phố như Hà Nội, trong con mắt của du khách quốc tế, vừa là nơi có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, lại mang phong cách kiến trúc phương Tây được Pháp kiến thiết hơn một thế kỷ không phải dễ mà có.
Việc bảo tồn các kiến trúc cũ là rất cần thiết và phải làm sớm, càng sớm càng an toàn, không để đến nước tự đổ sập như từng xảy ra tại 107 Trần Hưng Đạo. Muốn vậy, việc hoá giá theo sát giá thị trường với những cam kết có trách nhiệm bảo tồn nguyên gốc cũng chính là giải pháp cần thiết. Từ đó giúp cho các biệt thự giữ lại vẻ đẹp lâu bền hơn cái cách cho thuê "giá bèo" như hiện nay. Đây mới là vấn đề cốt lõi, có thể giải quyết căn cơ, hài hoà lợi ích giữa nhà nước và người dân.
Có một chỗ để ở hay dùng từ đẹp đẽ hơn là có nhà để ở luôn là ao ước cháy bỏng của biết bao người.