Tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới tổ chức ngày 27/10, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online.
Đây là sự kiện quy mô lớn của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới, kết nối và tương tác với hàng ngàn đối tác bán hàng Việt Nam để xây dựng một môi trường phát triển năng động, đồng thời trang bị kiến thức kinh doanh và hỗ trợ các thương hiệu Việt khai phá tiềm năng trên thị trường quốc tế.
Dù nền kinh tế toàn cầu hồi phục chưa đồng đều hậu đại dịch Covid-19, Thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với những tín hiệu tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu được dự báo đạt mức 28,4% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2027. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam được dự kiến tăng hơn 20% mỗi năm.
Theo thống kê, gần 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam được bán ra cho khách hàng Amazon trên toàn cầu, mở ra một động lực kinh tế với tiềm năng mạnh mẽ và rõ nét cho doanh nghiệp Việt Nam. Bất chấp những thách thức lớn từ đại dịch Covid và sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon bao gồm: dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân và tiện ích gia đình.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục Trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: “Trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 đến 2025, chúng tôi hướng tới nâng cao năng lực quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử. Trong hành trình hỗ trợ xúc tiến đưa hàng Việt vươn ra thế giới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Amazon để mở đường cho nhiều hơn các doanh nghiệp và sản phẩm từ Việt Nam gia nhập sân chơi toàn cầu”.
Vẫn theo bà Lại Việt Anh, 10 năm gần đây thương mại điện tử Việt Nam đã có tốc độ phát triển tăng nhanh chóng từ 1 tỷ USD lên 13 tỷ USD năm 2021. Thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối quan trọng của các doanh nghiệp. Trong tương quan khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng thứ 3 và nằm trong top 10 quốc gia có tốc đô tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Bà Lại Việt Anh lý giải, sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam đến từ chính sách thúc đẩy của Chính phủ, nhưng không thể không nói đến vai trò của doanh nghiệp. Mức độ thich ứng, độ sẵn sàng và khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn với thương mại điện tử.
“Ngoài kênh phân phối truyền thống thì thương mại điện tử là kênh bắt buộc với các doanh nghiệp. Các nền tảng thương mại điện tử lớn là đối tác chiến lược của Việt Nam. Chúng tôi sẽ góp phần nâng cao thương hiệu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng Việt để làm sao có thể đưa họ lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới giúp họ cạnh tranh với doanh nghiệp toàn cầu”, bà Lại Việt Anh nói.
Tại sự kiện này, bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM chia sẻ: “Sau nhiều năm tham gia tư vấn, cố vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp, tôi nhận thấy, một trong những điểm chung mà các startup Việt có chính là tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và dám đề ra ước mơ lớn. Nhiều ý tưởng sản phẩm và sáng tạo thực sự tiềm năng và sẵn sàng để xuất khẩu phục vụ khách hàng quốc tế. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chứng minh tiềm năng lớn của mình khi nắm bắt cơ hội vươn ra toàn cầu bằng việc học hỏi và nhạy bén thích ứng với những thay đổi nhanh của thị trường”.
Thái Khang