Asia Pacific Gateway - APG là tuyến cáp quang biển quốc tế mới, được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. Có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom, APG được nhận định sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
Tuy nhiên, như ICTnews đã thông tin, vào lúc 6h30 sáng ngày 27/2/2018, tuyến cáp quang biển APG đã gặp sự cố lần thứ 2 trong năm nay, tại vị trí cách Hong Kong 125 km làm ảnh hưởng đến dung lượng kết nối Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong. Lần đầu tiên trong năm 2018 tuyến cáp biển APG bị gián đoạn liên lạc là ngày 6/1, trong lần đối tác quốc tế phải thực hiện di dời cáp phục vụ việc mở rộng sân bay Changi-Singapore. Trước đó, trong năm ngoái, tuyến cáp biển APG cũng đã có 2 lần gặp sự cố lần lượt vào các ngày 20/6 và 23/12/2017.
Trong thông tin chia sẻ với ICTnews chiều nay, ngày 13/3/2018, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam có tham gia đầu tư, khai thác tuyến cáp APG cho biết, kế hoạch sửa chữa, bảo trì tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã được đối tác quốc tế thông báo.
Theo đó, đối tác quốc tế dự kiến thời gian sửa chữa sự cố đứt cáp ngày 27/2/2018 trên cáp nhánh S6 và bảo trì nhánh S1.7 của tuyến cáp quang biển APG sẽ bắt đầu từ 19h ngày 22/3/2018 và dự kiến hoàn thành vào 5h ngày 10/4/2018. Như vậy, người dùng và các ISP tại Việt Nam sẽ phải đợi thêm gần 1 tháng nữa, dung lượng kênh truyền trên tuyến cáp biển APG mới được khôi phục hoàn toàn.
Có tổng chiều dài khoảng 10.400 km, APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tb/s và con số này mang lại tốc độ Internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần nếu so với AAG. APG là tuyến cáp biển sử dụng công nghệ mới nhất 40Gbps/1 bước sóng (có khả năng chuyển lên công nghệ 100Gbps/1 bước sóng) giúp kết nối trực tiếp các nước châu Á - Thái Bình Dương đến các nền kinh tế lớn: Mỹ, Úc, Ấn Độ, châu Phi với dung lượng lớn từ đó đáp ứng sự tăng trưởng theo cấp số nhân nhu cầu băng rộng khu vực châu Á. Dự án APG đã thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)…