Ba phát súng về game bản quyền Việt của các nhà phát hành game lớn trong nước đưa ra đều muốn khẳng định vị thế của mình, hứa hẹn sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới.
"Thế chân vạc" trong năm 2010
Việc ông Lương Công Hiếu, Tổng Giám đốc của FPT Online bất ngờ tuyên bố sẽ tung game online bản quyền Việt đầu tiên của nhà phát hành này vào hè năm 2010, một game casual đối tượng chủ yếu là thiếu nhi, khiến cho cuộc cạnh tranh giành vị thế về sản xuất game trong nước trở thành một thế chân vạc. Trong đó VNG, VTC và FPT Online mỗi nhà phát hành sẽ nắm giữ một thể loại game khác nhau nhằm khẳng định sức mạnh của mình.
Công ty VNG (trước đây là VinaGame) đã trở thành người khởi xướng đầu tiên cho việc sản xuất game trong nước và sản phẩm đầu tay của họ là Thuận Thiên Kiếm sẽ chính thức ra mắt (open beta) game thủ trong năm 2010. Một game thuộc thể loại MMORPG, mà theo phân tích của nhiều người, nó được VNG đưa ra nhằm khẳng định vị trí “vua” của mình ở thể loại game này trên thị trường.
Còn VTC cũng dự kiến sẽ cho ra mắt dự án game bản quyền Việt của mình trong quý I của năm 2010 và cũng không hiểu vô tình hay cố ý khi game này thuộc thể loại MMOFPS, thể loại mà VTC đang chiếm lĩnh ngôi đầu ở Việt Nam trong thời gian dài vừa qua.
Trở lại với FPT Online, có vẻ như việc chọn game bản quyền Việt do mình sản xuất đầu tiên thuộc thể loại casual cũng có dụng ý trong đó. Một thể loại không mới nhưng khác hoàn toàn so với hai nhà phát hành được xem là đối trọng của mình, nhằm khẳng định rằng họ cũng muốn làm một ông vua của làng game Việt, ở thể loại casual do trong nước sản xuất.
Niềm tin vào tương lai game Việt
Sẽ là sớm khi nói rằng ngành công nghiệp game online Việt Nam đang có những bước phát triển thần kỳ với những sản phẩm game bản quyền Việt nói trên trong năm 2010. Đồng thời cũng rất sớm khi nói tương lai ngành game online ở Việt Nam sẽ sánh được với các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc… Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng công nghiệp này đang dần tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước.
Điều đó thể hiện rõ khi ngành game chiếm tới 70% doanh thu của công nghiệp nội dung số trong nước (số liệu Vinasa đưa ra trong năm 2008 và dự đoán năm 2009). Đồng thời sự xuất hiện của các game online do Việt Nam sản xuất, nó đã xóa đi được các thành kiến của nhiều chuyên gia cho rằng “Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp game đúng nghĩa” khi chỉ biết tiêu thụ chứ chưa biết sản xuất.
Nhưng, để chỗ đứng của ngành game được khẳng định vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước. Thực tế, có thể nhận thấy rằng trong số gần 20 nhà phát hành game trong nước thì mới chỉ có 3 nhà phát hành lớn là khẳng định mình sản xuất được game online trong nước. Bên cạnh đó những khó khăn về nguồn nhân lực và vốn cũng đang trở thành một rào cản rất lớn cho ngành này. Ở Trung Quốc có hẳn các chuyên ngành về game trong trường Đại học hay Cao đẳng, nhưng ở Việt Nam để kiếm được một nhân lực về chuyên ngành này trở thành một bài toán đố. Trung tâm đào tạo lập trình NIIT cũng đã từng mở các khóa đào tạo về lập trình game, có điều với mức học phí quá cao và mới chỉ hướng đến game nhỏ, game trên mobile.
Còn về “vốn” thì vẫn luôn là một bài toán khó cho các doanh nghiệp game online trong nước. Một phép toán đơn giản là không một doanh nghiệp nhỏ nào dám liều mạng bỏ ra một đống tiền lớn, để nuôi một đội ngũ ngồi làm game suốt 2 năm (thời gian trung bình để phát triển một game online) mà không thu lại được đồng vốn nào. Cho nên ở Việt Nam vẫn chỉ có các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng số lượng lại chưa hết những đầu ngón tay trên một bàn tay.
Bên cạnh đó những rào cản về chính sách, cách nhìn nhận về xã hội đối với game vẫn còn rất lớn. Chính vì thế tương lai của game online ở Việt Nam mà cụ thể là game bản quyền Việt vẫn còn rất nhiều khó khăn, mặc dù đã có những “ánh sáng và niềm tin” bắt đầu le lói ở phía trước mà cụ thể là ngay trong năm 2010 này.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 23 ra ngày 22/2/2010.