Game.jpg
Kinh doanh game trực tuyến là chiến trường đầy khắc nghiệt, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ.

Đại gia thắng thế

Năm 2005, game online bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam và doanh thu do nó mang lại đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng đây là một ngành công nghiệp “gà đẻ trứng vàng” và kinh doanh game online sẽ trở thành một ngành “hot”, đem lại thành công cho các doanh nghiệp. Suy nghĩ đó càng được củng cố khi Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) đề ra tới năm 2010: đạt doanh số 150 triệu USD từ các loại trò chơi trên máy tính và những thiết bị khác (do trong nước phát triển). Riêng game online trong nước được xác định sẽ: "dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế game nhập khẩu".

Thậm chí, báo cáo mới nhất của ông Lê Hồng Minh, Phó chủ tịch Vinasa tại Hội nghị Game và Nội dung số, do Bộ TT & TT tổ chức vào tháng 2/2009 vừa qua, cũng đưa ra viễn cảnh với số lượng hơn 20 triệu người sử dụng Internet hiện nay và đang có xu hướng tăng lên, thì đến năm 2014 kinh doanh game online sẽ đạt doanh thu tới 1.200 tỷ đồng.

Chính vì viễn cảnh tươi sáng đó nên bên cạnh các doanh nghiệp lớn kinh doanh game thành công như VinaGame, FPT Online, VTC, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ là SaigonTel, QuangMinh.DEC, NCS-Media, CyberWorld, Asiasoft, Trò Chơi Việt, VDC – NET2E, VTCzone... đều bắt đầu nhảy vào kinh doanh  trò chơi trực tuyến với hi vọng thu được lợi nhuận cao. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau các doanh nghiệp này đã nhận ra rằng môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt và doanh thu từ game online không đạt được như họ mơ tưởng. Và trên thực tế họ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Kinh doanh game không thể “buôn thúng bán mẹt”

Những thất bại trong việc kinh doanh game không còn là cá biệt, thậm chí có doanh nghiệp phải từ bỏ luôn hình thức kinh doanh trò chơi trực tuyến này. Tiêu điểm đầu tiên là CyberWorld, đây là doanh nghiệp đã đưa hai trò chơi là Vua Bóng Đá và Ran Online về phục vụ game thủ Việt Nam. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau Vua Bóng Đá phải đóng cửa và không bao giờ được mở cửa lại, còn Ran Online vào tháng 3/2009 cũng có thông báo chính thức ngừng hoạt động. Nguyên nhân chính khiến CyberWorld đóng cửa game của mình chính là họ không thể cạnh tranh được với các công ty khác trên thị trường ở lĩnh vực này, game phát hành ra không thu hút được game thủ.

SaigonTel cũng được xem là một doanh nghiệp có nhiều kỳ vọng trong lĩnh vực kinh doanh game online khi lần lượt Shaiya và Chiến Quốc đã tạo được bất ngờ ở những ngày đầu ra mắt. Nhưng càng về sau, khi hàng loạt game online mới có nội dung và chất lượng hàng đầu được các doanh nghiệp lớn như FPT Online, VinaGame, VTC đưa về phát hành tại Việt Nam thì những game của SaigonTel không còn trụ vững và lượng người tham gia chỉ dừng lại ở con số vài ngàn.

QuangMinh.DEC cũng là một doanh nghiệp rất kỳ vọng game online sẽ đem đến lợi nhuận khổng lồ cho công ty. Chính vì thế khi đưa một game có đồ họa và game play thuộc loại xuất sắc về Việt Nam là “Thế Giới Hoàn Mỹ”, họ đã quảng cáo rất rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Nhưng kết quả nhận được không như vậy, đến thời điểm hiện nay Thế Giới Hoàn Mỹ chỉ tồn tại với một số lượng người chơi nghèo nàn.

Đáng kể như Asiasoft, được xem là một doanh nghiệp có tiềm năng để cạnh tranh với các “đại gia” như VinaGame và VTC cũng đã không thành công trong việc kinh doanh game. Ở thời điểm đầu, Asiasoft ồ ạt đưa hàng loạt game về phát hành tại Việt Nam, có những game “đỉnh” như Cabal, Cỗ Máy Thời Gian... Thế nhưng, chỉ một thời gian sau những game này đã không thu hút được đông đảo người chơi, một số game như Hiệp Khách Giang Hồ và Ghost Online đã phải sớm chia tay game thủ. Nguyên nhân thất bại được chỉ ra là cách quản lý và điều hành game của công ty này chưa thể bằng các nhà phát hành khác.

Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ rất hào hứng với việc kinh doanh game online ở thời gian đầu, có điều chỉ một thời gian sau họ đã sớm nhận ra thất bại. Một số doanh nghiệp mới nhảy vào thị trường sau này như NCS - Media, VTCzone hay Trò Chơi Việt, cũng sớm lâm vào cảnh không mấy khả quan. NCS - Media nghĩ rằng cứ đem game về phát hành là thu lợi nhuận nên đã chọn game không mấy chất lượng là Đại Chiến Xích Bích và nhanh chóng thất bại do chỉ có trên dưới 2.000 người chơi.

VTCzone cũng nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này với Qworld và Tru Tiên, nhưng với những điểm yếu về kỹ thuật cũng như cách quản lý của họ khiến game không được nhiều người quan tâm. Còn Trò Chơi Việt với điểm mạnh webgame sớm phải chịu “lép vế” khi cả VinaGame và VTC đều nhảy vào lĩnh vực này. Sự thành công của Linh Vương do VTC cung cấp và VinaGame với hàng loạt webgame mới tiêu biểu là Gunny Online đã khiến cho Trò Chơi Việt từ vị thế người đi đầu giờ trở thành người về cuối.

Phải khẳng định rằng việc kinh doanh game online không phải là “gà đẻ trứng vàng” như nhiều doanh nghiệp xác định, mà nó là một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Với số lượng lớn các game online trên thị trường trong nước hiện nay và rất nhiều game được các nhà phát hành đưa về trong thời gian tới, thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp game ngày càng “khốc liệt” hơn. Trong cuộc cạnh tranh thì những doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chịu rất nhiều sức ép bởi với doanh nghiệp lớn có nền tảng và vốn thì các game của họ đưa về sẽ chất lượng hơn, người chơi sẽ tập trung vào nhiều hơn. Những doanh nghiệp khác muốn nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này cũng nên cân nhắc kỹ xem vị trí của mình đang ở đâu trong bản đồ game online ở Việt Nam.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện số gộp 51+52+53 ra ngày 29/4/2009.