Volam.jpg
Game online còn là một "nghề kinh doanh" của nhiều game thủ. Ảnh minh họa

“Đại gia game” nói gì?

Tại Hội thảo về game online diễn ra tại TP.HCM cuối tháng 2 vừa qua, nổi lên vấn đề “nóng” xoay quanh chuyện công nhận tài sản ảo.

Hẳn nhiều người còn nhớ năm 2008, giới chơi game online và các phương tiện truyền thông cả nước phải “chấn động” khi hay tin đại gia Phạm Trường Sơn, Giám đốc công ty kinh doanh đồ ảo Market4gamer đã mạnh tay chi số tiền 1,8 tỷ đồng mua lại 2 tài khoản game của game thủ Hắc Điểu - một đại gia khác trong làng game Việt. Khi trao đổi với đại gia này anh cho biết: “Với danh tiếng của 2 tài khoản đó, tôi sẵn sàng trả 1,8 tỉ chỉ vì mê ‘hàng khủng’…”. Câu trả lời của Phạm Trường Sơn là câu trả lời chung cho tất cả những người đam mê đồ ảo trong game. Nếu như các chuyên gia đang tranh cãi về việc công nhận hay không công nhận tài sản ảo, thì những game thủ lại không mấy quan tâm đến vấn đề đó.

Anh Nguyễn Thanh Hùng - Bang chủ một bang lớn trong game Võ Lâm Truyền Kỳ 1 ở server Lương Sơn, hiện đang sống tại TP.HCM bộc bạch: “Nhân vật Đường Môn của tôi hiện đang thuộc top 10 cao thủ của server và số tiền tôi đầu tư vào nó đã hơn 700 triệu, từ sắm đồ hoàng kim, “ăn” event, nạp thẻ… Tôi chi nhiều như vậy đơn giản chỉ vì muốn khẳng định vị thế cho nhân vật. Có thể sau này game đóng cửa mình sẽ mất hết, nhưng không quan trọng chuyện đó lắm, giờ cứ chơi đã”.

nguaphienvu2.jpg
Vật phẩm ảo "Ngựa Phiên vũ" trong game Võ Lâm Truyền kỳ I này đang được bán đấu giá với mức giá khởi điểm 29 triệu đồng

Cùng quan điểm với anh Hùng, một game thủ ở server Vu Sơn (game Võ Lâm Truyền Kỳ I) (xin được giấu tên), đang chơi nhân vật Nga My “khủng” của server này cho biết: “Tôi không tiếc khi đã trang bị cho các nhân vật game của mình đến nay gần 2 tỉ đồng. Gần đây tôi có nghe nói chuyện bảo hộ tài sản ảo trong nước nhưng với tôi lại không quan trọng. Nếu game đóng cửa thì chấp nhận mất tất cả. Cái quan trọng là giải trí, nhân vật trong cộng đồng game của mình được nhiều người biết đến là vui rồi”.

Đa số các “đại gia game” đều khẳng định, họ bỏ cả trăm triệu đồng ra mua đồ ảo chỉ phục vụ cho mục đích giải trí là chính, còn chuyện bảo hộ, công nhận những món đồ ảo đó hay không đều không quan trọng. Họ không quan quâm đến việc khi game đang chơi không còn thì những tài sản ảo đó sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, một số game thủ khác lại cho rằng, “tài sản ảo” là chuyện “của đau, con xót” nếu bị chiếm đoạt, vì vậy rất cần có quy định để bảo vệ tài sản của game cho dù nó là ảo.

Cần sớm hoàn thiện quy định về “tài sản ảo”

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ TT &TT, cho biết: Thông tư liên tịch 60/2006 có nhắc đến khái niệm “Tài sản ảo có giá trị trong trò chơi, được khởi tạo do nhà sản xuất và người chơi” nhưng chưa có quy định của pháp luật định nghĩa thế nào là tài sản ảo, những vật phẩm được sản sinh trong game có được coi là tài sản hay không để từ đó xác lập quyền sở hữu, vấn đề pháp lý liên quan về sau.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Vân, Vụ Pháp luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp: Trong trò chơi trực tuyến, người chơi không thể chiếm hữu tài sản ảo theo ý nghĩa pháp lý trong Bộ Luật dân sự, vì phần mềm trò chơi nằm trong máy chủ của công ty quản lý trò chơi (như VinaGame, FPT…). Một khi máy chủ trục trặc, trò chơi không vận hành được thì dù đã bỏ cả trăm triệu đồng đầu tư vào tài sản ảo, người chơi cũng không thể chiếm hữu được nó. Cũng tương tự như vậy, quyền định đoạt tài sản ảo theo nghĩa pháp lý truyền thống, người chơi cũng không có được. Tuổi thọ của trò chơi không phụ thuộc vào người chơi mà ở công ty quản lý trò chơi, công ty phát triển phần mềm trò chơi ở nước ngoài (như KingSoft, Webzen…). Nếu nhà quản lý trò chơi hoặc công ty nước ngoài thấy trò chơi không còn thu lãi nữa, không muốn cung cấp dịch vụ hoặc đơn giản hơn khi người chơi phạm luật chơi, bị admin khóa tài khoản thì người chơi không thể định đoạt được số phận các tài sản ảo của mình.

Xét về quyền chiếm hữu và quyền định đoạt, thì người chơi không có quyền sở hữu tài sản ảo. Tuy nhiên, do người chơi đã bỏ công sức, tiền bạc vào trò chơi nên họ cũng có một quyền tương đối với tài sản ảo. Công sức của người chơi cần phải được ghi nhận nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ có quyền sở hữu tài sản ảo. TS Vân cho rằng, vấn đề tài sản ảo trong game online đang nằm ngoài tầm với của trình độ phát triển của pháp luật VN hiện nay. Nếu dùng những quy định hiện hành e rằng không thấu đáo. Do vậy, cần phải có những văn bản pháp lý dàng riêng cho cộng đồng ảo.

Cũng tại cuộc hội thảo, trao đổi về kinh nghiệm quản lý tài sản ảo tại một số nước, Cục phó Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh chia sẻ: Nhiều quốc gia đã có những quy định rất rõ ràng về tài sản ảo. Có thể kể đến Luật phát triển và Bảo vệ viễn thông của Hàn Quốc có quy định rõ về hành vi ăn cắp tài sản ảo, còn Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu “tài sản ảo” nhằm xây dựng ngành “kinh tế ảo” có sức cạnh tranh cao.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 26 ra ngày 2/3/2009