Những cách nhìn nhận có phần cảm tính
77% game online ở Việt Nam là bạo lực, Bộ TT&TT để lọt 43 game online bạo lực đang phát hành tại Việt Nam… đó là những phát biểu của rất nhiều người khi lên án về game online trong nước. Tuy nhiên, những kết luận đó đều xuất phát từ một cuộc khảo sát về game trong một bộ phận nhất định, đó là học sinh, sinh viên và xuất phát từ quan điểm game có tính đối kháng là bạo lực của một vài cá nhân.
Có thể nói, những kết luận trên vẫn mang yếu tố cảm tính là chính, bởi ở Việt Nam hoàn toàn chưa có những tiêu chí cụ thể để đánh giá về game bạo lực trong game online dựa trên những cơ sở nghiên cứu khoa học nhất định. Còn nếu áp dụng những tiêu chí đánh giá của các tổ chức uy tín trên thế giới nghiên cứu về game như ESRB (tổ chức phi chính phủ ở Bắc Mỹ) hay CERO (Nhật), PEGI (ở Châu Âu), có thể nói game online ở Việt Nam chỉ có thể loại game bắn súng trực tuyến (MMOFPS) và một game nhập vai trực tuyến (MMORPG) là Độc Bá Giang Hồ được xếp vào mức độ bạo lực dành cho độ tuổi trên 17. Tuy nhiên game MMOFPS giờ chỉ còn duy nhất 1 game ở Việt Nam và Độc Bá Giang Hồ cũng đã được chỉnh sửa rất nhiều khi phát hành phục vụ người chơi, nên mức độ bạo lực không còn nghiêm trọng như người ta gán vào cho nó.
Mặc dù những đánh giá về game online vẫn chưa rõ ràng, thế nhưng có điều đáng buồn là trên một vài tờ báo, đã có những bài viết chủ quan, quy chụp đối với game online. Thậm chí có bài báo còn “phản pháo” cả các công trình nghiên cứu khoa học về game có ích cho xã hội.
Đáng lẽ, với vai trò và nhiệm vụ của báo chí thì các bài viết về vấn đề này cần phải khách quan, hướng cho người đọc phân biệt được lợi và hại của game online trong xã hội; làm thế nào để phát triển và quản lý một cách hài hoà
Chờ đợi sự quản lý cân bằng và hợp lý
Thực tế một số địa phương trong nước hiện nay đang đưa ra các biện pháp quản lý về game online có phần chưa phù hợp. Có địa phương còn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng game online của mình đang phát hành, cắt bỏ những yếu tố mà theo họ nhận định là bạo lực, ngăn chặn game đến với người chơi… khiến cho doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao trong việc kinh doanh, thiệt hại là vô cùng lớn.
Chính vì vậy, cần một sự quản lý cân bằng và hợp lý trong game online để đưa ngành game phát triển hợp lý hơn đó đang là mong mỏi của nhiều người. Theo ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam, chính sách quản lý game phải đạt được sự cân bằng, không nên đưa ra chính sách dựa vào phản ứng của dư luận xã hội mà phải có sự điều phối.
Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch VINASA cũng cho biết, các chính sách quản lý game online hiện tại nên cân bằng giữa nhu cầu thị trường (giải trí), vai trò của ngành công nghiệp và các yếu tố tiêu cực (được báo chí đăng tải rất nhiều). Cần phải có cái nhìn rất sáng suốt, sự học hỏi kinh nghiệm của những nước thành công (vì đây là điều rất mới và chúng ta không có kinh nghiệm) và có sự điều chỉnh, cải tiến liên tục, mới có thể có một cơ chế chính sách tốt cho game online và cho các doanh nghiệp game Việt Nam.
Thực tế, những mong mỏi như trên đã được trả lời bằng quy chế quản lý game online mới đã được Bộ TT&TT trình Chính phủ, thế nhưng bao giờ nó được thông qua và ra mắt thì có lẽ vẫn còn phải chờ.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 131 ra ngày 1/11/2010