Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH và Thông tin điện tử đã đưa ra đề nghị này với các Sở TT&TT cũng như Thanh tra Bộ tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 1/2015 của Bộ TT&TT chiều 2/1. Theo ông Bảo, lượng game lậu lưu hành trên thị trường vẫn còn rất lớn, dù lực lượng chức năng đã có nhiều đợt kiểm tra, xử phạt nặng trong năm 2014. Do đó, để tạo điều kiện cho các game sắp được cấp phép trở lại, việc "dọn dẹp" game lậu cần được đẩy mạnh trong năm 2015.
Trên thực tế, game lậu được các doanh nghiệp game trong nước nhận định là "nguy cơ số 1" trên thị trường, bởi trong khi họ phải đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển một game mới, hoặc nhập game chính ngạch về để cung cấp thì game lậu thoải mái tiếp cận người chơi, không phải chịu bất cứ ràng buộc hay sự quản lý nào.
"Khoảng 90% các sản phẩm trò chơi trực tuyến không thành công ngay từ khâu sản xuất và 9% không thành công khi bước vào thị trường. Chỉ còn 1% - những trò chơi trực tuyến hay nhất (hoặc may mắn nhất) - có thể sống sót và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư mà thôi", ông Nguyễn Nhật Tuyên, Giám đốc mảng Phát triển game của VNG cho biết.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Minh, Phó Tổng giám đốc VTC Intecom cho rằng, với một thị trường game đang phân tán như ở Việt Nam thì sự xuất hiện của game lậu càng khiến cho tình hình khó khăn hơn. Sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường rất nhiều dù chưa được cấp phép hoặc hoàn toàn phát hành lậu. Qua một thời gian dài, người dùng sẽ không còn quan tâm đến những hoạt động chuyên nghiệp như chăm sóc khách hàng, hạ tầng máy chủ... nữa. Hiển nhiên, về lâu dài thì chính người chơi sẽ chịu thiệt thòi nhất vì game lậu không có bất cứ cam kết hay trách nhiệm nào với họ.
Làm game: Không đơn giản!
Một vấn đề đau đầu mà nhiều doanh nghiệp game cũng đang gặp phải chính là đội ngũ phát triển game.
"Muốn làm game hay thì phải có con người. Về lập trình, về nghệ thuật thì hiện đã có trường đào tạo, nhưng chưa có cở sở nào đào tạo ra game designer, tức những người tạo ra cốt truyện của game. Cái này thì chỉ có thể tự học và tự đào tạo mà thôi", ông Tuyên cho hay. Đó là chưa kể đến việc đào tạo xong, các nhà lập trình game giỏi có thể bị công ty nước ngoài "săn, hốt mất" bất cứ lúc nào, vì mức lương mà họ trả cao gấp đôi, gấp ba trong nước là bình thường.
Nhiều người tưởng rằng cứ học lập trình và CNTT ra thì có thể làm game, vì lập trình game cũng giống như lập trình ứng dụng, quy trình không khác nhau là mấy. Thế nhưng sự khác biệt cơ bản nằm ở tính giải trí. Game là một sản phẩm giải trí. Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông được đánh giá là một sản phẩm thành công về mặt giải trí và ý tưởng nhiều hơn là về mặt kỹ thuật, công nghệ. Đấy là lý do vì sao sau Flappy Bird, có rất nhiều game nhái và ăn theo ra đời nhưng không thể lặp lại thành công của Đông. Đó là vì về mặt kỹ thuật lập trình, game này mô phỏng theo rất dễ, nhưng trải nghiệm chơi và sự mới mẻ đã không còn.
"Sau Flappy Bird, nhiều người mới thay đổi định kiến về nghề làm game. Trước đây, ai cũng nghĩ game là xấu, game gây nghiện. Có nhiều bạn ở Hà Nội về quê không dám nói với họ hàng là mình làm game mà chỉ dám nói là làm lập trình", đại diện VNG chỉ ra thực tế. "Muốn làm game mà sống được, phát triển game thành một ngành công nghiệp như mong muốn của Chính phủ thì sẽ phải đầu tư rất nhiều, từ con người cho đến hệ thống, từ chính sách cho đến cơ chế. Chứ còn làm cho vui, làm không được thì lại quay về làm thuê, gia công cho nước ngoài thì không nói đến làm gì".
Các hãng game lớn sẽ thuận lợi
Ông Tuyên cho rằng, với môi trường kinh doanh game khốc liệt như hiện nay, chỉ có 2 nhóm "sống được" nhờ sản xuất game: đó là các nhà lập trình độc lập (như Nguyễn Hà Đông) chú trọng vào game di động, làm sản phẩm mới liên tục và bán trên các quầy ứng dụng như Apple Store, Google Play, và hai là những doanh nghiệp game lớn, sở hữu nguồn lực lớn, bám trụ được trong một thời gian dài.
Đồng quan điểm, ông Minh nhận định rằng, sau khi Thông tư 24/2014 có hiệu lực và việc cấp phép game được nối trở lại, sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn, làm ăn bài bản với những doanh nghiệp nhỏ, "ăn xổi" sẽ rất rõ rệt. Các quy định chặt chẽ của pháp luật về hệ thống, máy chủ, quản lý khách hàng sẽ tạo ra một sân chơi "bình đẳng hơn" giữa các nhà phát hành game.
"Trước đây, khi chơi game lậu, người dùng có thể tỉnh dậy và thấy máy chủ game đã chết, cùng với toàn bộ điểm của mình cũng mất sạch. Nhưng họ quen dần với việc đó và chuyển ngay sang chơi game khác. Rồi thì game lậu có thể thoải mái quảng cáo qua mạng xã hội mà không phải xin phép, trong khi quy định nêu rõ, phải là game được cấp phép mới được quảng cáo offline.... Những doanh nghiệp như VTC Intercom không tận dụng được lợi thế của mình về nguồn lực, về kinh nghiệm, về quy mô khi game không được cấp phép, game lậu tràn ngập thị trường", ông Minh phân tích. Nhưng với việc Thông tư ban hành, mặt bằng dịch vụ của cả thị trường sẽ phải cải thiện và người dùng sẽ có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp nào có dịch vụ tốt hơn.
Game di động đang được các doanh nghiệp kỳ vọng là điểm đột phá mới trong năm 2015. Ông Tuyên cho biết, tính đến tháng 12/2014, VNG Game Studio đang có 20 sản phẩm cây nhà lá vườn, trong đó có 3 game phát hành ra nước ngoài là Khu Vườn Trên Mây, Zing Play và Dead Target. Trong đó Dead Target được GamesinAsia đánh giá là "best game for Windows Phone". Trong năm 2015, Studio này dự kiến sẽ phát hành 11 sản phẩm.
Về phần mình, ông Minh cho biết trong năm 2014, VTC Intecom đã cung cấp ra thị trường 9 sản phẩm và dự kiến, trong năm 2015 sẽ cung cấp mỗi tháng 1 sản phẩm với nhiều thể loại khác nhau, nhắm đến hai nền tảng iOS và Android.
Trọng Cầm - VietNamNet