Đầy tiềm năng để phát triển
![]() |
Sự kiện Mobile Game Asia 2015 do GMGC tổ chức, đã chính thức mở màn vào ngày 9/7 tại TP.HCM, với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp trong nước và trên thế giới. Đây là sự kiện lớn nhất về game mobile từ trước đến nay tại Việt Nam và nó mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như quốc tế.
Một trong những điểm mạnh của thị trường game mobile ở Việt Nam để các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành hợp tác và đầu tư, đó chính là môi trường đầy tiềm năng để phát triển trong nước.
Trong bài phát biểu của mình trong lễ khai mạc, ông Vương Vũ Thắng, Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành SohaGame, một trong những công ty phát hành game mobile nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay (55 games) cho biết, doanh thu game mobile tại Việt Nam trong năm 2014 lên tới 83 triệu USD, bằng doanh thu của 4 nước trong khu vực cộng lại là Malaysia, Singapore, Phillipines và gấp 1.5 lần Thái Lan.
Lợi thế đầu tiên về việc phát triển game mobile tại Việt nam đó là mặc dù chỉ có 90 triệu dân, nhưng lại có tới 134 triệu thuê bao di động, điều này có thể hiểu là một người dùng trong nước hiện nay sử dụng tới 2 chiếc điện thoại. Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng smartphone lên tới 23 triệu, 80% là dân số trẻ, trong đó độ tuổi từ 16-24 trong năm 2014 chiếm tới 42% và từ 25-34 chiếm tới 32%...
Một điểm đáng chú ý nữa là tốc độ tăng trưởng smartphone của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau mỗi Indonesia, và người dùng di động ở Việt Nam tham gia vào mạng xã hội tăng trưởng ở vị trí số 1 thế giới, trong năm 2014 có tới 41 triệu tài khoản được kích hoạt, trong khi đó ở Ấn Độ chỉ là 39 triệu, Trung Quốc là 26 triệu và Mỹ chi có 4 triệu.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Vương Vũ Thắng, tỉ lệ người dùng điện thoại di động để chơi game trong nước cũng chiếm tới 92%, trong khi đó máy tính bảng chỉ chiếm 8%.
Đồng quan điểm, ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành công ty Appota, cũng khẳng định, thị trường game di động ở Việt Nam rất “nóng”, với nhiều công ty tham gia, người chơi cũng tăng lên nhanh chóng. Với việc số lượng smartphone bán ra không ngừng tăng và game là một trong 5 phương tiện giải trí của người dùng trong nước, Việt Nam là một thị trường tốt để thu lợi nhuận từ game.
Ngoài ra, theo ông Quang, bên cạnh việc phát hành game, Việt Nam cũng có nhiều studio game chất lượng, làm ra được những sản phẩm chất lượng cao phát hành ra cả thị trường quốc tế. Chính vì thế, đây là một môi trường mà các nhà đầu tư nên chú trọng.
Ông Andy Nguyen đến từ Mobile Online Group, ông Lê Giang Anh giám đốc điều hành JOY entertainment hay ông Ngô Văn Luyến, Sáng lập kiêm giám đốc điều hành DivMob cũng đồng quan điểm như trên.
Vẫn còn nhiều thách thức
Thách thức quan trọng được ông Vương Vũ Thắng, Sáng lập kiêm giám đốc điều hành SohaGame và ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành Appota đưa ra, đó chính là việc cơ quan chức năng tại Việt Nam quản lý game online một cách rất chặt chẽ, cho nên các doanh nghiệp muốn đầu tư vào game ở Việt Nam cần phải tìm hiểu rõ.
Chẳng hạn, việc cấp phép phát hành game cũng được kiểm soát một cách kĩ lưỡng, sau 3 năm tại Việt Nam mới có 4 công ty được cấp phép là SohaGame, VNG, VTC và VE, thời gian cấp phép cũng mới được tiến hành từ tháng 6/2015 vừa qua.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không cho phép các công ty nước ngoài phát hành game ở Việt Nam, muốn phát hành phải liên doanh với các công ty trong nước và công ty nước ngoài chỉ được chiếm cổ phần 49%. Hệ thống thanh toán trong nước cũng không được thanh toán cho game của doanh nghiệp nước ngoài. Và việc quảng bá game không phép trên các phương tiện truyền thông cũng không được phép.
Ngoài ra, hai thách thức lớn nữa cũng được ông Trần Vinh Quang đưa ra, đó chính là việc người Việt chủ yếu thanh toán bằng thẻ cào điện thoại là chính, trong khi tỉ lệ thanh toán bằng thẻ tín dụng là rất thấp (dưới 5%), điều này khiến cho việc phát hành game rất khó khăn. Hơn nữa, nguồn nhân lực có trình độ để làm game ở Việt Nam cũng rất thiếu do không có ngành nào ở các trường đại học đào tạo lĩnh vực này…
Riêng ở lĩnh vực phát triển game di động trong nước, ông Lê Giang Anh, cũng đưa ra thêm thách thức là việc 95% game phát hành ở Việt Nam hiện nay đều đến từ Trung Quốc. Các nhà phát hành ít chọn game do studio trong nước phát triển do họ chưa tin tưởng và sợ rủi ro.
Tuy nhiên, những người làm game di động tại Việt Nam đều cho rằng, những khó khăn này sẽ sớm được giải quyết và trong vài năm tới, game di động tại Việt Nam sẽ phát triển một cách nhanh chóng. Nếu như trước đây Việt Nam chậm hơn Trung Quốc ở lĩnh vực game lên tới 2 năm, thì giờ đây theo họ, khoảng cách chỉ còn 1 năm và trong tương lai sẽ được rút xuống còn 6 tháng. Và Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành hợp tác, cũng như tiến hành lựa chọn để đầu tư.