4.jpg
Dân số trẻ và khoangr 120 triệu thuê bao di động là điều kiện tốt cho thị trường game động phát triển.

Nhiều thuận lợi

Tại hội thảo về tình hình công nghiệp game Việt Nam và triển vọng phát triển game Việt do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Game và Nội dung số (VGB) tổ chức vào ngày 26/11 tại TPHCM, một trong những chủ đề đáng chú ý được các doanh nghiệp làm và kinh doanh game ở Việt Nam đề cập đến là phát triển game trên điện thoại di động. Đây được xem là một lĩnh vực cần đầu tư, khi công nghiệp game online đang bắt đầu có những bước tiến đáng kể ở thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện cho công ty game nổi tiếng Glass Egg và ông Phùng Việt Hưng, đại diện cho công ty chuyên cung cấp game cho di động nổi tiếng là Gameloft cùng cho rằng, làm game dành cho điện thoại di động có nhiều thuận lợi. Cụ thể, để hoàn thành một game không tốn nhiều nhân lực và chỉ một thời gian ngắn là có thể đưa vào hoạt động, bên cạnh đó chi phí cũng không lớn nên rủi ro là không nhiều.

Một thuận lợi nữa cũng được ông Nguyễn Thanh Hưng, đại diện cho hiệp hội phát triển game Quốc Tế Igda Việt Nam đưa ra là phát triển game trên di động có lợi thế dễ dàng phân phối mà ở đây là phân phối kỹ thuật số (cung cấp cho khách hàng mua được trò chơi của họ, hoặc các sản phẩm khác, mà không cần phải thông qua việc mua CD, DVD… Hình thức này được thực hiện bằng cách tải dữ liệu kỹ thuật thông qua mạng Internet).

Chưa thể phát triển

Thuận lợi là thế, nhưng có thể nói đến nay thị trường game cho di động ở Việt Nam vẫn chưa có định hình rõ ràng và rất ít công ty sản xuất game cho lĩnh vực này, cũng như khai thác nó một cách rộng rãi. Bởi bên cạnh những thuận lợi đó còn quá nhiều thách thức và rào cản cho các doanh nghiệp.

Rào cản đầu tiên mà các doanh nghiệp nhắc đến chính là “bài ca muôn thuở” trong lĩnh vực phát triển CNTT ở VIệt Nam, đó là “nguồn nhân lực”. Các doanh nghiệp làm game cho điện thoại di động đều cho rằng đây là một bài toán nan giải, bởi game là một ngành đòi hỏi sự sáng tạo, nên nguồn nhân lực yêu cầu rất cao mà ở Việt Nam chưa thể đáp ứng được. Khó khăn chung tiếp theo là các chính sách hỗ trợ cho ngành game, từ chính phủ cũng như cơ quan chức năng hầu như là chưa có. Các doanh nghiệp game vẫn phải tự gồng mình để làm hết mọi thứ từ đào tạo đến đầu tư phần mềm bản quyền… và không nhận được một sự khuyến khích nào để có động lực thực hiện các dự án có tầm ảnh hưởng lớn và tạo được đột phá trên thị trường cả.

Bên cạnh đó, một lý do được ông Phùng Thanh Hưng, Công ty Gameloft đưa ra có thể xem là rất đáng buồn, đó chính là tình trạng người dùng Việt Nam vẫn quen “xài chùa” chứ chưa có thói quen trả tiền để có những bản quyền game cho chiếc di động của mình. Cho nên các doanh nghiệp bán game cho điện thoại di động ở trong nước thu được lợi nhuận rất ít. Ngoài ra, giá của 1 game điện thoại di động vẫn còn cao (khoảng 15.000 đồng) cũng khiến người dùng chùn bước, mà mức giá khó có thể hạ thấp vì bên nhà phát triển game nhận được rất ít, chủ yếu tiền chạy vào túi của các nhà mạng là chính.

Chính vì thế cho đến thời điểm hiện nay lĩnh vực game cho điện thoại di động ở thị trường Việt Nam mặc dù có tiềm năng nhưng vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng nhiều, bởi nó vẫn chưa rõ ràng để họ có thể phát triển. Các game cho điện thoại di động được các doanh nghiệp làm ra chủ yếu là cung cấp cho thị trường nước ngoài là chính, nhưng đa số là game cấp thấp và làm theo kiểu gia công từ sản phẩm công ty mẹ ở nước ngoài gửi về, chứ chưa phải là những game nổi tiếng và đòi hỏi trình độ cao.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 143 ra ngày 30/11/2009.