20 năm hay 200 năm nữa, 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988 sẽ luôn được lịch sử nhắc tên với nỗi day dứt khôn nguôi như một vết thương của Tổ quốc chưa bao giờ lành. Cái tên Gạc Ma cũng khắc họa hình tượng người Việt Nam chiến đấu bảo vệ đất nước không bằng súng, mà bằng ý chí, lòng căm thù, đấu tranh cho lẽ phải.
Đó là những lý do để Tổng LĐLĐVN tiến hành cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế công trình “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma”.
Những người trẻ với hành trình khát vọng
Trong số 24 tác giả, nhóm tác giả có mặt tại vòng sơ khảo giữa tháng 11/2014, quá nửa là các bạn trẻ.
“64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma cũng trạc tuổi tôi bây giờ. Có những người biết chắc đi sẽ không có ngày trở về, sẽ có mất mát, sẽ có hy sinh, biết là gian nguy nhưng các anh vẫn tiến lên.
Đó không phải là mưu sinh, không phải là tôn giáo mà đó là lý tưởng, từ Bạch Đằng Giang đến Gạc Ma, ngàn năm nay vẫn là tinh thần vệ quốc. Bấy lâu nay tôi vẫn tiếp nhận thông tin về Gạc Ma, nhưng đó đơn giản chỉ là tiếp nhận, để thực sự cảm được chỉ khi tôi bắt đầu tham gia cuộc thi này. Cuộc thi nào cũng chỉ có môt phương án được chọn, nhưng kết quả như thế nào, cái chúng tôi được nhất chính là tình yêu đối với đất nước, với Gạc Ma gần gũi, cụ thể hơn bao giờ hết.”- Trần Anh Tuấn, tác giả đến từ Hà Nội- chia sẻ.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và tác phẩm "Hành trình khát vọng". |
Là một trong 5 tác giả trẻ đến từ TP.HCM, các thành viên đến từ trung tâm nghiên cứu kiến trúc - Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM kể lại, trong gần 3 tháng, từ khi tiếp nhận đề tài đến lúc hoàn thành, 6 thành viên của nhóm gần như gác lại các dự án khác. Hai tháng tìm hiểu thông tin, thai nghén, sau khi đi thực địa ở Cam Ranh về, cả nhóm lao vào dự án với những phần việc được phân công cụ thể theo đúng chuyên ngành của mình.
Nói về cảm giác khi lần đầu tham gia một dự án lớn và “lịch sử”, các tác giả trẻ không giấu được sự hồi hộp, lo lắng. Như lời của Ngô Quốc Hùng- thành viên nhóm thiết kế với chủ đề “Hành trình khát vọng”- thì ban đầu, các thành viên trong nhóm nghĩ rằng tuổi đời ít, kinh nghiệm ít là một bất lợi, nhưng càng làm, các bạn lại biến nó thành lợi thế.
“Chúng tôi đại diện cho những người trẻ, chúng tôi biết chúng tôi cần gì, chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều từ những kiến trúc đền đài tưởng niệm bấy lâu, chúng tôi dám nghĩ và dám làm những cái mới. Khi nghĩ đến một chi tiết nào đó, chúng tôi đặt mình vào vị trị của người tham gia, rằng ngoài giá trị lịch sử, chúng tôi có ấn tượng về tính nghệ thuật, thẩm mỹ không? Có là một điểm đến hấp dẫn không?... Một công trình muốn bất tử thì tự nó phải tồn tại được qua thời gian, thu hút mọi người đến tìm hiểu, lưu lại trong tâm trí mỗi người”- Hùng bộc bạch.
“Các tác giả trẻ tham gia cuộc thi như một làn gió mới. Đơn cử như ở phương án “Hành trình khát vọng”, tại khu tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, nhóm thiết kế sử dụng những mảng đặc, rỗng của vật liệu đá, kính và nước… là một điểm mới, là sự sáng tạo và hình như là tôi chưa bặt gặp ở đâu. Mảng đặc với hình ảnh của 3 bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, hình ảnh hai chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh và Trần Văn Phương kiên quyết giữ vững lá cờ Tổ quốc hiện lên một cách sống động, hiên ngang trên nền kính và nước trong suốt…” ông Huỳnh Văn Mười- Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, thành viên ban giám khảo- nhận xét.
“Có lẽ chúng tôi cần sống tốt hơn”
Tháng 7/2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam chính thức phát động cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế công trình “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma”. Đầu tháng 10, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức chuyến khảo sát thực địa xây dựng “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” tại bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) với sự tham gia của 28 kiến trúc sư đến từ TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội.
Tại chuyến khảo sát, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh rằng: Việc triển khai cuộc thi ý tưởng kiến trúc công trình Gạc Ma nhằm tuyển chọn phương án tốt nhất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức, đảm bảo tính khả thi, bền vững và thỏa mãn yêu cầu góp phần giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ và đề cao giá trị thẩm mỹ, trở thành điểm đến tham quan du lịch.
Phối cảnh tổng thể đồ án thiết kế “Hành trình khát vọng” . (Ảnh: Nam Dương) |
Tại buổi triển lãm lấy ý kiến cán bộ, đoàn viên, nhân dân cả nước về 3 phương án vào vòng chung khảo để chọn phương án tốt nhất để triển khai lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật thi công xây dựng công trình, tôi gặp nhiều bạn trẻ, có người bộc bạch rằng, đến xem triển lãm này là cơ hội để anh em biết đến nhiều hơn về Gạc Ma, về “Vòng tròn bất tử”, về những người “thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”. Có lẽ chúng tôi cần sống tốt hơn”- một công nhân sau khi xem triển lãm nói.
“Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng/ Nghe trái tim đập vọng Trường Sa…” lời của ca khúc “Vòng tròn bất tử” gần như được cất lên nhiều lần tại cuộc thi, nhưng không bằng nhịp điệu mà bằng hình ảnh cụ thể, rõ ràng. Không phải ngẫu nhiên hình ảnh con sóng vỗ bờ được nhiều tác giả đưa vào phương án thiết kế của mình. Như lời chia sẻ của một bạn trẻ tham gia cuộc thi thiết kế thì trận hải chiến Gạc Ma năm ấy, 64 chiến sĩ hải quân ta đã mãi mãi dưới lòng biển. “Những con sóng ngày đêm cuộn trào, vỗ bờ như biển cả đưa các anh về với đất liền, về với quê hương. Khi nào sóng còn vỗ bờ thì dân tộc này, đất nước này vẫn còn nhớ các anh!”.
(Theo Lao Động - số Xuân Ất Mùi)