- Mức độ nguy hiểm của H7N9 cao hơn nhiều lần, nhưng tại một quán cháo vịt trong một con hẻm trên đường Nguyễn Kiệm (P.9, Q. Phú Nhuận), tiết canh vịt vẫn được bày bán công khai.
Bán gà thời dịch cúm
Chợ gia cầm sống sôi động nhất Sài Gòn được nhắc tới là chợ Bà Điểm nằm ở cuối đường Phạm Văn Đối (xã Bà Điểm, H. Hóc Môn, TP.HCM). Đây là chợ từ phát có từ nhiều năm nay.
Trước đây, chợ buôn bán rất nhộn nhịp. Hai bên đường, dưới bóng những cây to, hàng gà vịt được bày nối tiếp nhau thành hàng dài.
“Cò” gà dưới gốc cây
|
Trước mặt “cò”, một viên gạch ống gắn đầy lông gà |
Ngày 14/2, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã có yêu cầu nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến.
Cũng từ thời điểm này, chợ gia cầm Bà Điểm trở nên vắng lặng. Những gian hàng gà vịt được thay thế bằng hàng rau quả, hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, để đối phó với cơ quan kiểm tra, tại các gốc cây ven đường, xuất hiện một số phụ nữ ngồi có, đứng có…dõi mắt theo những chiếc xe đang đi trên đường. Có người còn dùng cục gạch ống dựng đứng nhét đầy lông gà làm ám hiệu “có bán gà” tại đây…
“Hiện tượng này chỉ mới xuất hiện mấy ngày nay” – một người dân ở đây cho biết như thế.
Chúng tôi vào chợ, từ gốc cây to, một phụ nữ lao ra, vẫy gọi: “mua gà không anh ?”. Chị ta “chào hàng”: mua gà đi anh, gà này là gà thả vườn mới từ quê lên. “Gà lông 130.000đ/kg nếu muốn làm thì thêm 10.000đ tiền công. Ở đây chúng tôi làm nhanh lắm chờ một chút là có ngay”.
Chúng tôi ngỏ ý muốn xem gà thì được chị cho biết: chỉ khi khách đồng ý về giá, người bán mới đưa đi xem…
Làm gà tại chỗ |
“Dạo này công an dân phòng bắt dữ quá phải giấu đi chứ không thì hết vốn” – chị bán hàng cho biết lý do.
Rảo quanh các cây cầu ven kênh Tham Lương – nơi trước đây là những tụ điểm gà vịt. Tất cả đều vắng hoe. Ở cầu Tham Lương (Q12) không thấy người bán, nhưng “ám hiệu” bán gà là những viên gạch ống gắn lông gà vẫn nằm rải rác ven đường.
Chợ Cầu cũng không còn bóng dáng gia cầm….Duy nhất trên cầu Trường Đai, một hàng gà vịt thản nhiên bày bán.
Công khai bày bán tiết canh vịt
Trên đường Phạm Văn Đối vào hương lộ 80 xuyên qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc là chợ bán gà nằm ngay giao lộ Quách Điêu – Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc A, H. Bình Chánh).
Hàng gà tại chợ tự phát Vĩnh Lộc Điểm bán gà sống trên cầu Trường Đai (Q.12)
|
Đây là chợ tự phát, nằm cách trụ sở UBND xã chỉ vài bước chân.
Tại đây, không có gà sống nhưng hàng gà làm sẵn không qua kiểm dịch bày bán tràn lan. Những con gà vàng ươm nằm gọn trong khay đang chờ khách. Người bán hàng, mắt dáo dác nhìn tứ phía trước khi đon đả mời khách.
Một cô gái ngồi trên xe ghé vào. Người mua, người bán thỏa thuận giá cả. Người bán dùng dao mổ bụng gà, lấy đồ lòng bên trong làm sạch rồi giao cho khách. Tất cả các công đoạn được thực hiện chỉ trong thời gian 5 phút.
Hiện nay trên toàn quốc đã có 13 tỉnh thành có dịch cúm gia cầm trong đó 10 tỉnh đã công bố dịch. Cúm gia cầm lần này không phải là cúm A H5N1 mà là cúm A H7N9.
Khác với H5N1, H7N9 ầm thầm lây lan trong đàn gia cầm, chim di cư mà không để lại các triệu chứng lâm sàng rõ rệt nên chỉ có thể phát hiện khi liên tục lấy mẫu để phân tích, phát hiện vi rút kịp thời.
Mức độ nguy hiểm của H7N9 cao hơn nhiều lần, nhưng tại một quán cháo vịt trong một con hẻm trên đường Nguyễn Kiệm (P.9, Q. Phú Nhuận), tiết canh vịt vẫn được bày bán công khai.
Trên chiếc bàn phía sau quầy bán hàng, một cô gái cầm chiếc tô to đựng đầy huyết tươi, một tay dùng đũa đánh đều các loại phụ gia.
Những đĩa tiết canh ở quán cháo vịt trong con hẻm đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận) |
Khi đã xong cô rót huyết vào đầy 12 chiếc đĩa, chẳng mấy chốc đã đông cứng.
12 đĩa tiết canh được bày trên chiếc bàn rộng, trông rất hấp dẫn thực khách.
Cô chủ quán cho biết, bán hết đợt này sẽ tiếp tục đợt khác, bao nhiêu cũng có…
Cứ thế, cả chủ lẫn khách chẳng hề quan tâm rằng, vào mỗi mùa dịch cúm gia cầm, tiết canh là món ăn nguy hiểm nhất. Nếu trong những đĩa tiết canh đó có H7N9 không biết số phận của người ăn sẽ ra sao ?
Trần Chánh Nghĩa