Doanh nghiệp hai nước này đang trực tiếp tham gia tư vấn thiết kế, thi công các công trình đường và ga ngầm tại Hà Nội.

{keywords}
Tài liệu hướng dẫn du lịch của Nhật Bản cho biết có 5 cửa lên từ các ga ngầm đến cổng gần nhất 250m. Hanoidata lập bản đồ Hoàng cung Tokyo và vị trí các nhà ga ngầm, các lối ra. Ký hiệu lấy nhà ga làm tâm, vòng tròn có R = 200m

1. Hoàng cung tại Tokyo. Toàn bộ các nhà ga ngầm nằm bên ngoài khu vườn, quảng trường bao quanh Hoàng cung. Tuyến ngầm gần nhất cũng chạy dưới công viên ngoài Hoàng cung, tuyến có ga Takebashi nằm bên ngoài con hào bao quanh công viên, cách công trình di sản gần nhất hàng trăm mét. Lối ra 1A đến cổng Ote-mon  ngắn nhất cũng 250-350m).

2. Hoàng cung Kyoto là hoàng cung trước khi Hoàng gia chuyển về Tokyo (1868) , nay là bảo tàng. Có 4 ga ngầm, ga Imadegawa gần cổng vào nhất cũng mất 10 phút đi bộ (500-700m). Ga bên kia đường sau tường rào là công viên rộng 700m dài 1.300 mét bao quanh các công trình kiến trúc cổ. Các ga ngầm còn lại cách xa rào hàng trăm mét và các công trình kiến trúc hơn 1.000 m

3. Phủ tướng quân Nijojo Kyoto (nay là bảo tàng Nijo Castle), được xây dựng vào năm 1603. Chỉ có một ga ngầm Nijo duy nhất nằm bên kia đường ô tô. Sau hào nước là tường rào công viên bao quanh các công trình kiến trúc. Các công trình cách nhà ga từ 300m đến hơn 1.000m.

{keywords}
Hoàng cung và Phủ tướng quân Kyoto, vị trí 5 nhà ga và 3 tuyến ngầm. Vòng tròn nhỏ có R = 200m, vòng lớn R =500m. Vị trí ga Imadegawa 
{keywords}
Ga ngầm Nijo duy nhất nằm bên kia đường ô tô bao quanh Nijo Castle
{keywords}
Công trường xây dựng (nguồn: PERRONE) đã phá hủy di sản lịch sử giá trị để rồi xây lên trên những công trình tầm thường.

4. Colosseum Rome (Italy). Theo các NCS Ngô Minh Thắng, Nguyễn Vinh Quang, Đặng Ngọc Anh - Phạm Tú Ngọc/Khoa Kiến trúc và nghiên cứu đô thị, ĐH Bách khoa Milano, Italia (gọi tắt là “nhóm Milano”): Tuyến ngầm đầu tiên của Rome qua ga trung tâm Termini và khu phố cổ. Xây dựng trong thế chiến II, công nghệ khá cũ, nằm ngay dưới mặt đất, xuyên qua khu di chỉ khảo cổ dày đặc và nền móng Colosseum.

Cho dù ngày nay bằng công nghệ hiện đại, đường ngầm sẽ đi rất sâu để tránh va chạm di sản, nhưng tại Hà Nội không làm vậy, nhà ga thực hiện đào mở và không có phương  án/ngân sách  cho thăm dò khảo cổ.

5. Ga Termini, Rome (Italy): “Nhóm Milano” cung cấp thêm một ví dụ phá hủy di sản đô thị, đó là ga ngầm Termini,  Rome  (Italy). Hố đào đã quét sạch toàn bộ di sản đô thị trong phạm vi xây dựng. Ngay cả khi các di sản phát lộ, các nhà ga đã đóng kín cánh cửa, hạn chế tiếp xúc ga ngầm với các di sản đô thị dưới mặt đất.

{keywords}
Xây dựng ga ngầm Termini (Rome) đã phá bỏ các di sản trên và dưới mặt đất. Hố đào Quảng trường Duomo trước Nhà thờ chính Milan (Italy)bị rào kín để che đậy việc hủy hoại di sản theo cách cổ lỗ. Các máy BTM hiện đại có thể nghiền nát di sản thành cát bụi với tốc độ cao.

6. Quảng trường Duomo bên ngoài Nhà thờ chính Milan - Italy: Có muôn vàn lý do để biện minh cho các ứng xử cẩu thả với di sản, như công việc khẩn cấp làm hầm hố, công sự thời chiến, hay nhu cầu lưu thông cấp bách thời bình. Rào kín công trường xây dựng hay khai quật di sản (thậm chí còn phủ bạt kín mít) với lý do bảo vệ môi trường nhưng thực ra là để tùy tiện hủy hoại di sản.

7. Ga San Giovanni (Rome) - Italy: Sau những thất bại, Rome cũng đã thành công khi tích hợp dự án giao thông ngầm với bảo tàng di sản đô thị dưới lòng đất. Mặt cắt dọc ga San Giovanni diễn tả các lớp lịch sử 27 thế kỷ. Có thể thấy nguyên nền móng lâu đài Maschio Angioino tại ga Municipio (Napoli) hay các di vật khảo cổ được sắp đặt trong không gian 3 chiều tại ga San Giovanni (Rome).

{keywords}
Ga ngầm San Giovanni, Rome (Italy) - công trường xây dựng. Giải pháp tích  hợp dự án giao thông ngầm đồng thời hình thành Bảo tàng di sản đô thị dưới lòng đất.

8. Khảo cổ ga Nijojo Kyoto - Nhật Bản: Khi thi công nhà ga ngầm đã phát hiện nhiều di vật lịch sử, Kyoto dừng xúc đất đổ đi vội vàng để khảo cổ thận trọng, từ tốn. Các thành phố khôn ngoan khi hiện đại hóa luôn coi trọng “lưu giữ” (stock), thay vì chỉ chú ý đến sự “lưu thông” (flow).

{keywords}
Hiện trường khảo cổ và các di vật phát hiện tại dự án làm đường và ga ngầm bên cạnh Phủ tướng quân Nijo Castle Kyoto; mặt bằng ga C9 sát Hồ Gươm; cảnh Thăng Long TK18: trích đoạn Cầu Đông giữa phố Đồng Xuân - Hàng Đường của họa sĩ Nguyễn Thế Khang (1922-2001)

9. Ga C9 đặt sát hồ Hoàn Kiếm: Không chỉ bất ổn tại chính khu vực này mà đường ngầm của tuyến còn chui dưới đền Bà Kiệu vào ga. Nó còn xuyên dưới đường phố Hàng Giấy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Đinh Tiên Hoàng.

Trước đây, dự án thoát nước ngầm qua phố Ngõ Gạch đã chạm đến móng của di tích Cầu Đông và phải dịch chuyển hướng tuyến... Liệu tunnel ngầm sẽ chạm vào đâu của Thăng Long ngàn năm tuổi và thời tiền Thăng Long? Liệu có dấu tích nơi thuyền rồng vua Lý cập bến bên đê sông Hồng ngàn năm trước? Nền móng phủ đệ quan dân nhà Trần ở đâu? Dấu tích quân dân Thăng Long tự đốt cháy kinh thành,“ vườn không nhà trống” để rồi trở về chiến thắng giặc Nguyên hung hãn ở chỗ nào? Có còn dấu tích phố phường thời Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn? Có bãi chợ Cầu Đông? Có dòng sông giặt vải nhuộm Đào? Có cầu Gỗ vắt vẻo đôi bờ kênh? Có hay không lịch sử ngàn năm ngưng tụ hay chỉ còn lại đây những đống đất vô hồn?

{keywords}
 Đường ngầm của tuyến còn chui dưới đền Bà Kiệu vào ga C9 cạnh Hồ Gươm.

Người Hà Nội đang khát khao tiến nhanh về tương lai, nhưng chúng ta trân trọng công ơn tổ tiên ta đã mất bao mồ hôi, trí tuệ vun đắp nên mảnh đất này. Hãy tĩnh tâm để suy nghĩ thấu đáo, tính toán đặt ga C9 ở đâu để tiện lưu thông nhưng không phá hủy di sản lịch sử cần lưu giữ.

KTS Trần Huy Ánh
Nguồn ảnh minh họa: “Nhóm Milano” và Hanoidata