- Kiểm tra 8 vé tàu hỏa của người dân đi lại dịp Tết Đinh Dậu 2017, ga Sài Gòn phát hiện những vé này không hợp lệ khi có dấu hiệu sửa tên và số giấy tờ tùy thân…
Sáng 12/12, ông Đỗ Quang Văn - giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, vừa gửi thông tin vé giả qua công an phường 9, quận 3 (TPHCM) xử lý theo đúng thẩm quyền.
Vé tàu giả của một khách hàng mua lại "cò" vừa bị ga Sài Gòn phát hiện |
Ông Văn xác nhận, đã có 4 vé tàu đi tàu TN6 tuyến Sài Gòn - Huế ngày 25/1 và tàu TN2 tuyến Sài Gòn- Hà Nội ngày 24/1 dịp Tết Đinh Dậu 2017 bị phát hiện khi có dấu hiệu sửa tên và số giấy tờ tùy thân.
"Số vé tàu này người dân mua qua “cò” với giá cao hơn đường sắt mở bán. Ngoài ra, những vé này người dân cung cấp không trùng khớp với số chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân. Do đó, Ga Sài Gòn xác định là vé giả nên những trường hợp này không được lên tàu"- ông Văn xác nhận.
Qua đây, giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn khuyến cáo người dân không được tin lời những đối tượng bên ngoài lừa bán vé tàu. Người dân mua vé thông qua “cò” có thể mua phải vé giả, vé đã qua chỉnh sửa. Thậm chí, “cò” còn in vé ra nhiều bản bán cho nhiều người.
Trong thời điểm này, với những hành khách đã mua vé từ những nơi bán vé không chính thức của ngành đường sắt (đặc biệt là những vé tàu đi trong dịp tết) lưu ý kiểm tra lại vé trên website: http://dsvn.vn/#/kiemtrave để tránh mua phải vé giả, vé không đúng tên và số giấy tờ tùy thân.
Khi vé không hợp lệ, người dân nhanh chóng lên ga Sài Gòn thông báo cho Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn.
Trước đó, ga Sài Gòn cho biết, trên mạng đã xuất hiện một số trang web bán vé tàu hỏa với giá đắt gấp 4-5 lần so với giá vé của ngành đường sắt. Các trang web này có tên miền rất giống website của ngành đường sắt.
Việc này đã khiến một số hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài, hiểu nhầm các trang web đó là của ngành đường sắt, làm mất uy tín của ngành, ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và gây thiệt hại về tài chính của khách..
Tuấn Kiệt