Các doanh nghiệp trồng, chế biến mắc ca sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trong năm 2016 nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Tây Nguyên thành thủ phủ mắc ca khu vực Đông Nam Á.

Thông tin được ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Trưởng Ban chỉ đạo Nghiệp vụ và Truyền thông mắc ca nhận định sau khi Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được chấp thuận và chính thức thành lập theo Quyết định số 124/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ vừa qua.

{keywords}
Các doanh nghiệp trồng và chế biến mắc ca đang thực hiện hóa mục tiêu đưa Tây Nguyên trở thành thủ phủ mắc ca của Đông Nam Á

Được biết, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập là kết quả của quá trình trên 1 năm chuẩn bị xúc tiến thành lập kể từ sau Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” tổ chức tháng 02/2015 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sau sự kiện này, các doanh nghiệp, chuyên gia đã thành lập và tham gia Ban Trù bị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhằm mục đích hoàn thiện dự thảo Điều lệ Hiệp hội; thực hiện các hồ sơ, thủ tục để xin phép Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tổ chức liên quan thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ chương trình phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng lâm-nông-công nghiệp chiến lược mới tại Việt Nam như tổ chức các đoàn thực tế trong nước và các nước hàng đầu về công nghiệp mắc ca (Úc, Trung Quốc, Nam Phi, Mỹ,…); thuê chuyên gia nước ngoài và trong nước tư vấn lập chiến lược phát triển; tài trợ nghiên cứu về mắc ca; xây dựng quy định sản phẩm cho vay đầu tư phát triển cây mắc ca; tổ chức công tác truyền thông về giá trị và tiềm năng phát triển của loại cây này…

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và định hướng năm 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức đầu tháng 01/2016 tại Kon Tum, các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình phát triển mắc ca Việt Nam và đưa ra 4 nhóm đề xuất chính để tiếp tục phát triển cây mắc ca trong thời gian tới.

Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ thay đổi quy định về hỗ trợ trồng cây mắc ca. Mức hỗ trợ nên quy định thống nhất là cứ trồng 1 ha mắc ca thì được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng để xây dựng vườn trồng, sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn (hỗ trợ cho người nghèo), vì phần lớn đất riêng của hộ dân trồng mắc ca có diện tích dưới 50 ha (quy định hiện hành chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng cho các hộ trồng từ 50 ha trở lên).

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nên ban hành định hướng, còn xác định cụ thể quy hoạch từng địa phương thì do địa phương chịu trách nhiệm và cần đẩy nhanh xây dựng chương trình quốc gia về mắc ca, đưa cây mắc ca chính thức là cây chiến lược của cây trồng Việt Nam.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn.

Thứ tư, chính quyền các tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp cần đưa mắc ca vào đề án tái cơ cấu kinh tế địa phương và xây dựng bản quy hoạch phát triển mắc ca tại địa phương trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, đặc biệt là đất đang trồng cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, đất trồng các cây hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng mắc ca.

B.H