Cung vượt cầu
Kể từ ngày Bộ TT&TT cấp giấy phép đầu tiên về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho VNPT/VDC (15/9/2009), đến nay, Việt Nam đã có 9 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng gồm: VNPT/VDC, Bkav, FPT, Viettel, CKCA, CA2, SafeCA, SmartSign, NewTel. Trong đó, FPT và VNPT/VDC đang "tranh" vị trí Nhất, Nhì về thị phần với số lượng khách hàng của mỗi doanh nghiệp đều đạt con số khoảng 80.000.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty VDC ước tính cả nước có khoảng 348.000 doanh nghiệp trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng chữ ký số để kê khai thuế qua mạng. Số lượng doanh nghiệp này chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP.HCM và thành phố, thị xã trực thuộc các tỉnh, thành phố.
"Độ phủ của chữ ký số trên tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam rất lớn. Do vậy, thị phần mới cho chữ ký số hiện nay không còn quá nhiều, chủ yếu rơi vào một số ít các doanh nghiệp chưa sử dụng dịch vụ và các doanh nghiệp mới thành lập", ông Trần Thế Hiển, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FSE FPT phân tích.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cũng nhận định: "Số nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam đã quá nhiều so với nhu cầu của thị trường hiện tại. Chúng ta có 9 đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số để cung cấp cho lượng khách hàng là khoảng 500.000 doanh nghiệp khai thuế và hải quan điện tử. Trong số này hầu hết đã sử dụng chữ ký số. Như vậy có thể nói cung đang vượt quá cầu".
Trước hiện trạng này, mới đây, khi một doanh nghiệp đề xuất được cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, Bộ TT&TT đã cân nhắc và tạm thời chưa cấp phép.
Đa dạng dịch vụ có thể dùng chữ ký số
Những giao dịch phổ biến nhất mà các cá nhân, doanh nghiệp thường sử dụng chữ ký số hiện nay là khai thuế qua mạng, khai hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch chứng khoán...
Ngoài chữ ký số dành cho cá nhân, doanh nghiệp, các nhà cung cấp như FPT, VNPT/VDC, Bkav... còn cung cấp dịch vụ chứng thư số cho website SSL để bảo vệ các dữ liệu quan trọng được truyền tải qua mạng Internet, mạng nội bộ hay mạng bên ngoài; sử dụng cho các máy chủ ký tự động các giao dịch điện tử. Hoặc chứng thư số cho phần mềm nhằm bảo vệ phần mềm của nhà sản xuất và bảo vệ người sử dụng khi download phần mềm từ mạng về, tránh khỏi những phần mềm độc hại.
"Sắp tới, Bkav sẽ tham gia cung cấp chữ ký số cho các khách hàng để kê khai bảo hiểm xã hội, hóa đơn điện tử... khi các hệ thống của cơ quan bảo hiểm và cơ quan thuế sẵn sàng tiếp nhận tờ khai, hóa đơn điện tử", ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Hải, thời gian tới, các giao dịch hành chính công trực tuyến và phần mềm quản lý sẽ là những "mảnh đất" rất tiềm năng cho việc ứng dụng chữ ký số.
Trong bối cảnh có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số với chất lượng dịch vụ không đồng đều như hiện nay, các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ chữ ký số cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định lựa chọn nhà cung cấp. Nên ưu tiên lựa chọn những dịch vụ hợp chuẩn, được cơ quan có thẩm quyền công nhận, có chất lượng bảo mật, an toàn thông tin trên môi trường điện tử và đặc biệt là có khả năng hỗ trợ nhanh nhất khi khách hàng cần.
Kỳ II: "Đại gia" chữ ký số ngán ngẩm cạnh tranh không lành mạnh