Ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc tập đoàn FPT sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Microsoft, Intel và Boeing trong chuyến thăm Mỹ tuần tới. Ảnh: Lê Hạnh 

FPT sẽ có thoả thuận với Microsoft, Intel, Boeing

ICTnews - Ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT tiết lộ những thương vụ trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ.

Chuyến tháp tùng Chủ tịch nước sang Mỹ của ông tuần tới có ý nghĩa như thế nào với FPT, thưa ông?

Mục tiêu rất cụ thể. Thứ nhất, cùng ký kết hợp đồng bản quyền của Chính phủ với Microsoft. Thứ hai là sẽ gặp các lãnh đạo của Tập đoàn Microsoft và hội kiến với Tổng giám đốc Steve Ballmer, công bố việc FPT trở thành đối tác toàn cầu của Microsoft và FPT nằm trong danh sách bảy công ty trên thế giới làm về chuyển đổi (giải pháp và hạ tầng) sang công nghệ của Microsoft cùng với các tập đoàn có tên tuổi trên thế giới như HP, Infosys… Thứ ba, chúng tôi sẽ bàn về khả năng FPT tham gia sản xuất phần mềm với Microsoft tại Việt Nam.

Tôi sẽ gặp gỡ với Tập đoàn Intel tại Portland, nơi phát triển phần mềm nhúng của Intel. FPT xem xét cùng với Intel về khả năng tham dự viết phần mềm nhúng cho các con chip của Intel. Trên thế giới, phần mềm nhúng đã phát triển gấp ba lần phần mềm truyền thống và hiện FPT có hơn 100 kỹ sư viết phần mềm nhúng - đây là lĩnh vực mới với FPT.

Chúng tôi sẽ đến thăm tập đoàn Boeing, là đối tác của FPT hiện nay. Boeing dự kiến sẽ giao cho FPT thực hiện hợp đồng rất lớn.

Làm thế nào để FPT được Microsoft chọn là một trong bảy công ty trên toàn cầu, như ông vừa nói?

Vì FPT đã là một trong những công ty đầu tiên trong khu vực làm trong lĩnh vực chuyển đổi này và rất thành công; đã có kinh nghiệm tốt tại Malaysia, Singapore. FPT chuẩn bị mở thị trường sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Úc. Đây là một hướng phát triển hết sức tiềm năng.

Đối với FPT, triển vọng thị trường Mỹ sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Hiện nay, thị trường Mỹ tăng trưởng nhanh. Nếu triển khai hợp tác với Microsoft thì mức độ thành công rất lớn.

Hiện phần mềm chiếm bao nhiêu % trong tổng doanh thu của FPT?

Doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT năm 2006 là 16,5 triệu USD. Tính cả phần mềm dịch vụ (doanh thu phần mềm của FPT) chiếm 11% tổng doanh thu của FPT, trên 100 triệu USD. Đây là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của FPT, đến 70%.

Trong thời gian tới, FPT đặt mục tiêu doanh thu phần mềm sẽ là bao nhiêu?

FPT sẽ thúc đẩy mạnh chuyển đổi sang lĩnh vực dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của tập đoàn FPT. Từng bộ phận tăng trưởng từ 70%-90%. Tuy nhiên, thương mại, đặc biệt thương mại điện thoại di động tăng trưởng rất nhanh, quy mô 60% nên trong những năm gần đây phần mềm vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn được. Nhưng quá trình dịch chuyển đang diễn ra tích cực.

Những hoạt động sắp tới với các công ty công nghệ Mỹ có ý nghĩa như thế nào với mục tiêu 800 triệu USD phần mềm đến năm 2010 của Việt Nam?

Chắc là FPT sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng tất cả các công ty ở VINASA (Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm) rất quan tâm đến xuất khẩu phần mềm. Trong số 800 triệu, chắc là FPT sẽ chiếm khoảng 15%.

Với thực tế thị trường, doanh nghiệp phần mềm hiện nay, và thời gian không còn nhiều, ông cho rằng mục tiêu 800 triệu USD có thể đạt được?

Đây là một vấn đề như Bộ trưởng (Bộ Bưu chính Viễn thông) Đỗ Trung Tá nói là quyết tâm của lãnh đạo và việc triển khai đồng bộ các biện pháp. Nếu làm được như vậy, con số ấy không phải là lớn.

Tại sao lại như vậy, khi mục tiêu doanh thu đạt được hay không trước hết phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp?

Ở Việt Nam, không thể tách doanh nghiệp khỏi Chính phủ, đường lối, chính sách, chủ trương, khung pháp lý. Ví dụ, triển khai Chính phủ điện tử, triển khai tin học hoá doanh nghiệp nhà nước là một mảng thị trường rất lớn. Song hiện nay triển khai Chính phủ điện tử, (doanh nghiệp phần mềm) không ký được hợp đồng vì chưa có định mức, khung giá phần mềm. Về đào tạo nhân lực, chưa có một đồng nào được đầu tư.

Doanh nghiệp đã rất bươn chải rồi, nhưng phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo của Chính phủ.

Cám ơn ông!

Lê Hạnh

Thực hiện