|
FPT IS là doanh nghiệp thứ năm nhảy vào thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam. Ảnh: Đức Hiệp |
Theo nội dung giấy phép, FPT IS được cung cấp 3 loại chứng thư số, bao gồm: Chứng thư số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân (giúp người dùng chứng thực trong các giao dịch điện tử như Internet banking, chứng khoán trực tuyến, khai báo thuế, hải quan trực tuyến…); chứng thư số SSL (để chứng thực cho website) và chứng thư số Code Signing (sử dụng cho các nhà sản xuất phần mềm để chứng thực và đảm bảo tính toàn vẹn của sản phẩm).
Giải pháp FPT-CA được các chuyên gia của FPT IS thiết kế dựa trên mô hình hệ thống PKI (Public Key Infrastructure - Hạ tầng khoá công khai) có tính khả mở cao, có khả năng cấp phát và xử lý hàng triệu chứng thư số đang được áp dụng cho các hệ thống CA lớn trên thế giới như các hệ thống của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng Pháp, hệ thống e-Passport đang được chính phủ của nhiều nước Châu Âu ứng dụng… Hệ thống PKI đảm bảo 4 khả năng bảo mật cao như xác thực, mã hoá dữ liệu, toàn vẹn dữ liệu và chống từ chối.
Theo ông Dương Dũng Triều, TGĐ công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT, trước mắt khách hàng trọng tâm được FPT IS hướng đến là những đối tượng chiến lược thuộc khối tài chính, ngân hàng, chính phủ… Tiếp theo FPT IS cũng sẽ nghiên cứu để cung cấp cho thị trường đại chúng, mảng thị trường tiềm năng trong tương lai.
Như vậy, FPT IS đã trở thành đơn vị thứ năm nhảy vào thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số, sau VNPT, Nacencom, Bkis và Viettel. Đáng chú ý, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong nước sử dụng phần mềm mã nguồn mở thì FPT IS lại dùng phần mềm thương mại chuẩn, đồng thời ngay tại thời điểm được cấp phép, giải pháp FPT-CA đã được xây dựng hoàn thiện và sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
“Lợi thế cạnh tranh của FPT IS trong thị trường này chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt công nghệ, nghiên cứu thị trường, và cùng kinh nghiệm 15 năm phát triển các ứng dụng CNTT tại Việt Nam với tư cách là tổng thầu của nhiều dự án lớn thuộc khối tài chính công, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông, chính phủ…. Bên cạnh đó, cũng như các giải pháp FPT IS đã từng cung cấp trước đây, FPT-CA đảm bảo những yêu cầu về tính ổn định, bảo mật với giá thành cạnh tranh và dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp”, ông Dương Dũng Triều nhấn mạnh.
Tại buổi lễ cấp phép, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đề nghị FPT cần nhanh chóng đầu tư và hoàn thiện phương án kỹ thuật, nhanh chóng triển khai các dịch vụ được cấp phép; chủ động tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước để tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về chữ ký số cho các đơn vị, người dân, góp phần đẩy mạnh giao dịch điện tử trong nước.
Thứ trưởng cũng đề nghị FPT cần chủ động và sớm đề xuất hợp tác cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số khác ở Việt Nam để tiến tới thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
FPT IS là thành viên của tập đoàn FPT hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với 8 công ty thành viên, hơn 2200 kỹ sư chuyên sâu trong các lĩnh vực phát triển phần mềm ứng dụng, dịch vụ ERP, dịch vụ CNTT, tích hợp hệ thống, gia công quy trình doanh nghiệp và dịch vụ điện tử trong các ngành như tài chính, ngân hàng, viễn thông, chính phủ, an ninh quốc phòng, quản lý doanh nghiệp, giáo dục, y tế… Hiện FPT IS đang triển khai một số dự án lớn như Ứng dụng CNTT quản lý thuế thu nhập cá nhân (PIT), dự án ERP lớn nhất Việt Nam cho Petrolimex, dự án Hệ thống thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS)...