Không phải là hình ảnh người khổng lồ luôn hùng mạnh, FPT trong con mắt cựu CEO Trương Đình Anh có đủ cả thành công lẫn thất bại.
Những kẻ mộng mơ
FPT bắt đầu lập nghiệp từ nhóm 13 người, chủ yếu là các du học sinh tại Liên Xô và Đông Âu về nước. Trong mắt cựu CEO Trương Đình Anh, FPT thời đó là tập hợp của những con người mộng mơ, bắt đầu xây dựng "một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ".
Thời gian lập nghiệp của FPT (khi đó là Công ty công nghệ Thực phẩm FPT) kéo dài từ năm 1988-1995, với mục tiêu sống sót, dù phải làm bất cứ nghề gì để đáp ứng được ước mơ nhỏ nhoi của từng cá nhân người FPT khi ấy là "tồn tại được qua những năm tháng kinh tế khó khăn, nuôi sống được gia đình".
Ít người biết được, trong thời kỳ đầu gian khó, những nhân viên, lãnh đạo đầu tiên của FPT liên kết với nhau chỉ bằng sự cống hiến, thay vì hợp đồng lao động hoặc những cam kết giấy tờ.
"Người FPT từng đi lập dây chuyền sấy thuốc lá ở Thanh Hóa, từng đi sản xuất sữa bột dinh dưỡng HV cùng Công ty Sữa Việt Nam, từng đi buôn xe bãi rác của quân đội Liên Xô...".
Cho đến năm 1997, một phần FPT vẫn còn sống nhờ những nghề "tay trái" vốn chẳng liên quan gì tới một công ty công nghệ, như bán vé máy bay, làm dịch vụ vận tải, bảo vệ môi trường, lắp ống khói... với mục tiêu cao nhất là kiếm tiền cho công ty và nuôi mình, nuôi sống những mộng mơ mà giờ đây đã được khắc lên bia đá ở trụ sở, trở thành tầm nhìn của FPT.
Năm 1992, FPT đổi tên, tuy vẫn giữ những chữ cái viết tắt, nhưng nội hàm giờ đã khác: FPT - Công ty phát triển đầu tư công nghệ. Từ hoạt động theo mô hình con rết, con nhím, rồi đến con vích, FPT đã kinh qua cả cách thức phát triển theo chiều dọc, chiều ngang, rồi trì trệ, mất kiểm soát về chiến lược.
"FPT khi đó như cậu trai mười sáu tuổi mới lớn vì thiếu kinh nghiệm mà làm cho cô bạn gái mang bầu", với việc sản sinh ra nhiều công ty thành viên nhưng không mang theo phần bản chất của FPT. Đó là những bước hụt đau đớn khiến FPT không chỉ bị bòn rút tài chính, mà còn mất người, mất cơ hội, nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Nhưng ở cuối thời kỳ này, FPT cũng cũng đánh dấu thời khắc phát triển quan trọng với việc tham gia vào lĩnh vực Internet. Trung tâm nghiên cứu Internet do Trương Đình Anh đứng đầu khi đó đã tạo ra bước đột phá cho lĩnh vực này ở Việt Nam, và tạo nên cú huých lớn cho thương hiệu của tập đoàn.
Chiến hạm Titanic
Thừa thắng xông lên, giai đoạn từ năm 1998-2000, FPT đặt trọng tâm hoạt động vào xuất khẩu phần mềm. Tập đoàn này mở thêm các chi nhánh ở Ấn Độ, Mỹ... với mục tiêu tập hợp được hàng ngàn lập trình viên, đạt doanh thu xuất khẩu phần mềm 200 triệu USD và đưa giá trị thị trường của công ty lên mức 8 tỷ USD.
Việc vội vã tham gia vào cuộc chơi toàn cầu trong khi lợi nhuận còn quá nhỏ bé, phương thức quản trị yếu khiến FPT nhận nhiều trái đắng hơn hoa hồng. Chi trong vòng 1 năm, FPT buộc phải lần lượt rút khỏi các thị trường quốc tế một cách không kèn không trống sau khi các đơn vị này đã ăn mòn tới vạch cuối lợi nhuận tích lũy sau mười mấy năm kinh doanh của cả tập đoàn
"Tôi từng ví công cuộc xuất khẩu phần mềm những năm 1998 – 2000 như chiến dịch Điện Biên Phủ mà FPT là những người lính viễn chinh Pháp. Và lòng chảo Điện Biên Phủ thì như cối xay thịt người, tướng nào được điều về đây sau một thời gian không "chết" thì cũng thành "dở người", cựu CEO FPT Trương Đình Anh hồi tưởng.
Năm 2000, một trong những công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong mắt người giữ chức vụ CEO FPT Telecom giống như một chiến hạm chỉ có một khoang, tiêu chuẩn chất lượng theo kiểu "một va chạm nhỏ gây thủng vỏ đều có thể dẫn tới thảm kịch Titanic". Lúc này, FPT đứng trước sự lựa chọn: đổi mới hay là chết.
Cuối năm 2000, FPT nhận chứng chỉ ISO 9001, đặt nền móng cho hệ thống quản trị toàn diện FPT. Thời kỳ những năm 2000 cũng là giai đoạn phát triển đột phá của FPT, khi công ty này trở thành nhà cung cấp Internet băng rộng có dung lượng quốc tế lớn nhất Việt Nam, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán (ngày 13/12/2006), nhận được quyền phát hành game online MU tại Việt Nam của nhà phát triển Hàn Quốc.
Năm cuối cùng của giai đoạn 2000 là thời điểm chiến lược "OneFPT" với mục tiêu FPT phải trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu của Việt Nam được giới thiệu chính thức, trước khi đi vào thực hiện từ năm 2011, cũng là năm Trương Đình Anh ngồi vào chiếc ghế CEO FPT, thay cho người cũ là ông Nguyễn Thành Nam.
Tại vị được hơn 1 năm, đến tháng 9/2012, CEO Trương Đình Anh xin từ nhiệm với lý do những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với Hội đồng quản trị FPT không thể giải quyết.
Đây là điểm cuối trong hành trình sát cánh 19 năm của Trương Đình Anh với FPT, nơi đưa ông từ một lập trình viên lên chiếc ghế Tổng giám đốc, giúp chàng sinh viên kinh tế yêu tin học thực hiện được một phần hoài bão thay đổi cuộc sống của nhiều người chỉ với một chiếc máy tính PC.
Theo Trí thức trẻ