Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019, nhà sáng lập Got It Trần Việt Hùng, công ty đầu tiên của Việt Nam xây dựng nền tảng chia sẻ kiến thức hướng đến thị trường Mỹ và các nước nói tiếng Anh, đã chỉ ra một số lợi thế, điểm yếu, cơ hội và các mối đe doạ khi xây dựng doanh nghiệp công nghệ, nhất là khi hướng đến thị trường toàn cầu.
Theo ông Hùng, lợi thế của Việt Nam là nguồn nhân lực trẻ với đội ngũ kỹ sư có nhiều tiềm năng nếu được đào tạo tốt, trong khi chi phí lại thấp hơn so với mặt bằng chung của khu vực. “Mạng lưới nhiều người Việt làm trong lĩnh vực công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, nhiều người đóng vai trò chủ chốt ở các tập đoàn hàng đầu như Google, Microsoft, Facebook”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, điểm yếu của chúng ta là chưa có đội ngũ lãnh đạo công nghệ kỳ cựu, có khả năng xây dựng sản phẩm hướng đến thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó đội ngũ quản lý sản phẩm hay đội ngũ thiết kế sản phẩm phù hợp với người dùng ở thị trường nước ngoài cũng hầu như chưa có. Việc có quá nhiều kỹ sư làm gia công phần mềm thay vì làm sản phẩm và sử dụng tiếng Anh chưa thành thạo cũng là những điểm yếu không thể bỏ qua của các nhân sự làm công nghệ ở Việt Nam. “Nếu không giải quyết được vấn đề này, sẽ không bao giờ có cơ hội xây dựng các công ty công nghệ lớn và sẽ có lúc các công ty nước ngoài chiếm sạch thị trường và cánh cửa cơ hội đối với chúng ta sẽ đóng lại.”, ông Hùng khẳng định.
Theo founder Got It việc có quá nhiều kỹ sư làm gia công phần mềm thay vì làm sản phẩm và sử dụng tiếng Anh chưa thành thạo cũng là những điểm yếu không thể bỏ qua của các nhân sự làm công nghệ ở Việt Nam. Ảnh: Xuân Phú |
Mặc dù vậy, cũng theo ông Hùng, điểm đặc biệt của các công ty công nghệ là khả năng tăng trưởng nhanh và có thể vươn tới được nhiều thị trường trong thời gian ngắn. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn khi khu vực ASEAN là một khu vực kinh tế rất năng động với hơn 600 triệu dân, mật độ bao phủ của điện thoại thông minh và Internet rất cao, và bắt đầu có những tập đoàn công nghệ lớn được hình thành như Grab. Chưa kể đến các quỹ đầu tư lớn cũng đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. Mặc dù vậy, nếu chúng ta không tận dụng được thì sẽ gặp những mối đe doạ từ các công ty khởi nghiệp trong khu vực đang phát triển rất nhanh và sẽ chiếm hết thị trường và các công ty Việt Nam không còn cơ hội ngay tại sân nhà.
Ông Hùng cũng đưa một số ý kiến đề xuất để xây dựng doanh nghiệp công nghệ hướng tới thị trường toàn cầu như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các công ty công nghệ kết hợp nguồn lực Việt Nam và bên ngoài như Silicon Valley, thu hút các chuyên gia công nghệ người Việt đang ở nước ngoài cũng như xây dựng các vườn ươm dài hạn, ít nhất là 9 tháng.