- Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chỉ đạo công ty Formosa phải xây hồ sinh học chỉ thị nuôi cá cạnh khu xử lý nước thải. Nước thải sau khi xử lý, nuôi cá sống khỏe mới được phép thải ra môi trường.

Nuôi cá bằng nước thải

Sáng nay, ông Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác vào kiểm tra công tác khắc phục sự cố, hoàn thiện công nghệ môi trường tại công ty Formosa Hà Tĩnh.

{keywords}

Bộ trưởng TN&MT kiểm tra kho lưu giữ chất thải rắn trong Formosa

Bộ trưởng yêu cầu Formosa phải xây dựng hồ sinh học chỉ thị nuôi cá cạnh khu xử lý nước thải, sau khi thả cá trong hệ thống nước thải đó, nếu cá sống khỏe thì mới được phép xả ra môi trường.

Ông đặt câu hỏi với Formosa: Sau khi xây bể cá này, người dân có thể vào tham quan bể cá không? Đại diện FHS trả lời: “Người dân có thể theo đường xưởng để vào tham quan khu nuôi cá này”.

“Yêu cầu phải xây dựng ngay, thiết kế xây dựng hồ chỉ thị sinh học để người dân Việt Nam dễ tiếp cận. Người dân chứng kiến, kiểm soát được chất lượng nước thải khi thải ra môi trường. Đây là hình thức giám sát của dân, là mong muốn của dân” - Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Liên quan nội dung công việc Bộ TN&MT đã chỉ đạo, công ty đã cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Đề nghị công ty dành một quỹ đất để xây hồ này”.

{keywords}

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường: Formosa mới thực hiện 37/53 hạng mục phải khắc phục.

“Hồ sẽ có chức năng ứng phó nước thải khi không đạt chuẩn và sẽ nuôi thủy hải sản để chứng minh nước thải ra đạt chuẩn để người dân yên tâm. Xây dựng 1 hồ nằm sau trạm xử lý nước thải sinh hoạt, 1 hồ nằm sau xử lý nước thải công nghiệp. Nuôi cá, nếu cá sống khỏe trong môi trường nước này mới được phép xả thải ra môi trường", ông Thức nhấn mạnh.

“Không chấp nhận ngành nào hủy hoại môi trường”

PGS Trịnh Văn Tuyên, Viện KH&CN cho hay, kết quả giám sát từ ngày 27/7 của Viện và Bộ TN&MT cho thấy chất lượng nước ngày một tốt dần.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm phía công ty Formosa chưa hoàn thành.

“Bồn chứa 10.000m3 nước thải chưa có hình thức xử lý. Kết quả phân tích trong bồn chứa của tổ kiểm tra rất cao nhưng của công ty lại rất thấp. Đề nghị kiểm tra lại. Tổ giao nước không được tuần hoàn lưu mà dùng nước mới nhưng công ty vẫn cho nước tuần hoàn lưu. Trong biện pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường, nước phải được tuần hoàn mới”- ông Tuyên nói.

Bộ TN&MT cũng đề nghị phía Formosa, trong số 390 tấn bùn thải đã chuyển ra cơ quan điều tra Hà Tĩnh để điều tra, được xem là tang vật vụ án. Trong 390 tấn đất này lấy từ bùn trạm công nghiệp, công ty báo cáo rằng đó là bùn thải thông thường. Đề nghị công ty lấy mẫu và phân tích lại, cứ 2 tuần lấy mẫu một lần.

Về 3 kênh chứa nước mặt, tránh tình trạng nước sản xuất tràn gây nên sự cố. Bể chứa 18.000 m3 trong bể phải đạt tiêu chuẩn tái sử dụng. Hạn chế ô nhiễm về khí, mỗi ngày có 500 tấn khí có cả xyanua và phenol, nên đề nghị Formosa xem xét trạm xứ lý nước thải sinh hóa.

“Rất nhiều khí có hiện tượng chứa chất phenol nhẹ, bay ra không khí làm ô nhiễm môi trường. Mấy năm nữa nếu không xử lý, người dân xung quanh Formosa sẽ bị ảnh hưởng khí gây ô nhiễm”, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết.

{keywords}

Kho lưu giữ tro bay

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Sự cố này là bài học quá đắt giá. Phát triển nhưng phải giữ được môi trường mới bền vững.

“Việt Nam ủng hộ Formosa đi vào hoạt động, tuy nhiên đề nghị địa phương, bộ và ban ngành kiểm soát chặt chẽ các hạng mục trước khi Formosa đi vào hoạt động chính thức. Không thể chấp nhận bất cứ ngành nào hủy hoại môi trường”, ông Hà nói.

Duy Tuấn - Thiện Lương