Popeyes công bố đã ngừng quảng cáo trên YouTube sau khi bị cảnh báo hình ảnh xuất hiện trong các clip xấu độc. |
Liên quan đến việc các nhãn hàng, thương hiệu của Việt Nam có xuất hiện hình ảnh quảng cáo trong các clip có nội dung phản động trên YouTube mà Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đưa ra cảnh báo vào ngày 10/6/2019, hôm nay nguồn tin từ Cục PTTH&TTĐT cho biết, đến thời điểm hiện nay, Cục PTTH&TTĐT đã nhận được giải trình của 15 công ty, bao gồm: Samsung Vina, FPT shop, Yamaha, Công ty CP Dược phẩm Thái Minh, Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI, Grab, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, Cty TNHH máy móc Đại Chính Quang, Công ty CP Truyền thông xu hướng số, Shopee, Công ty Clever Ads, Công ty Watsons Việt Nam, Công ty Adsota, Công ty Đức Nhân (nhà hàng Hoa Quỳnh), Gà rán Popeyes (Cty TNHH Dịch vụ thực phẩm và giải khát Việt Nam).
“Toàn bộ 15 công ty này đều xác nhận sau khi nhận được thông tin từ Cục PTTH&TTĐT đã ngay lập tức dừng quảng cáo trên YouTube và yêu cầu YouTube rà soát không để tình trạng hiển thị các quảng cáo trên các clip phản động tái diễn”, nguồn tin từ Cục PTTH&TTĐT cho hay.
Ngày hôm nay, Cục PTTH&TTĐT tiếp tục công bố danh sách 40 nhãn hàng xuất hiện quảng cáo trong các clip phản động, chống phá nhà nước mà Cục mới phát hiện trong thời gian gần đây. Cục PTTH&TTĐT đã gửi công văn đến cho các nhãn hàng, thương hiệu này và yêu cầu dừng ngay quảng cáo trong các clip phản động chống phá nhà nước, hạn trả lời công văn Cục là ngày 27/6/2019.
Đáng chú ý, trong danh sách 40 nhãn hàng mà Cục PTTH&TTĐT mới phát hiện vẫn đang quảng cáo trong các clip phản động có những tên tuổi lớn như: Tập đoàn FLC, Thaco PC, Trường đại học Quốc tế Sài gòn, Trường đại học Thương mại, Đại học quốc gia Hà Nội.
Cụ thể, theo danh sách mà Cục PTTH&TTĐT cung cấp, các nhãn hàng thương hiệu có hình ảnh quảng cáo trong các clip có nội dung phản động bao gồm: Công ty CP công nghệ Nhân Sinh, Công ty CP Phân phối và hỗ trợ dự án Thời Đại Mới, Phòng khám Nguyễn Khoa, Thời trang MayBi, trang tin Ngày đầu tiên (ngaydautien.vn), Văn phòng đại diện WELDCOM, Trang sức Phong thủy Gia An, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Bình Minh, Công ty CP Lữ Hành Việt – Du lịch Việt Nam, Công ty CP Bất động sản Thế kỷ mới, Maxhair - Công ty TNHH thực phẩm chức năng Lohha, Công ty TNHH MTV phân phối ô tô du lịch Chu Lai Trường Hải (Thaco PC), Tập đoàn KTG, NTT Data Việt Nam, Công ty CP thực phẩm đông lạnh KIDO (kem Merino), Công ty CP công nghệ MPOS Việt Nam, NOVAON AutoAds - Nền tảng quản lý quảng cáo lớn nhất Đông Nam Á - Đối tác Cao cấp của Google tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam-Vietravel, Tập đoàn FLC, Khoa quốc tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Nha khoa Lạc Việt, Trường Đại học Thương mại – Khoa Đào tạo quốc tế, Công ty cổ phần Ống thép Việt - Đức VG PIPE…
Từ đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại và gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã gửi công văn cảnh báo tới các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức làm việc với các doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo, đại diện của Google yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng nêu trên. Vì vậy, sau tháng 3/2017 tình trạng gán quảng cáo trên các clip phản động đã tạm thời được khắc phục.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua theo dõi, rà soát thông tin trên mạng xã hội YouTube, Cục PTTH & TTĐT nhận thấy tình trạng này đã và đang tái diễn trở lại. Quảng cáo của các công ty đã bị gán vào các video có nội dung vi phạm pháp luật trên YouTube.