Không chỉ có các trường tư mà ngay cả các trường công lập đã bắt đầu có sự thay đổi khi một số trường cho giáo viên tập huấn về việc học trực tuyến. Ảnh: Internet |
Học trực tuyến, giao dịch trực tuyến… gia tăng vì sợ dịch Corona
Chiều 7/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn hỏa tốc tới các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nCoV. Theo đó, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường.
Trên cơ sở đó, không chỉ có các trường tư mà ngay cả các trường công lập bắt đầu có sự thay đổi khi một số trường cho giáo viên tập huấn về việc học trực tuyến. Tiêu biểu như trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Archimedes, trường THCS Yên Hoà (Hà Nội); Phổ thông liên cấp Olympia, THCS Trưng Vương, THCS Hoàng Diệu, trường Liên cấp Ngôi Sao Hà Nội, Hệ thống giáo dục Newton (Tiểu học và THCS gồm 4 trường), Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Ban Mai, Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy… cho đến các trường Đại học như trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường Đại học Mở Hà Nội…
Bên cạnh đó, một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Dương, Long An… đã có văn bản thông báo, khuyến nghị ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện các thủ tục hành chính nhằm hạn chế di chuyển đến những nơi đông người.
Dịch bệnh virus Corona cũng tạo điều kiện thúc đẩy việc mua bán trực tuyến và giao dịch ngân hàng trực tuyến của người dân. Giám đốc chi nhánh ngân hàng SHB cho biết, lượng khách hàng giao dịch đến các chi nhánh đã giảm đáng kể từ khi dịch bệnh Corona, thay vào đó khách hàng đã sử dụng các sử dụng ngân hàng trực tuyến nhiều hơn. Không chỉ giao dịch ngân hàng, dịch bệnh do virus Corona cũng làm tăng hành vi mua hàng online của người dùng. Trao đổi với ICTnews, ông Huỳnh Phú Hải, chủ chuỗi sửa chữa và bán điện thoại 24H Store, cho biết xu hướng một vài ngày gần đây, một số khách hàng mua điện thoại, tai nghe đã chọn nhận tại nhà thay vì ra cửa hàng.
Một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Dương, Long An… đã có văn bản thông báo, khuyến nghị ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Internet |
Cơ hội để thay đổi thói quen offline của người dùng
Nếu như cách đây khoảng chục năm, các hoạt động như mua hàng, giáo dục, ngân hàng, thanh toán đều hoạt động đa số trên môi trường offline, các dịch vụ online lâu đời như hocmai, ngân lượng, bảo kim, vật giá, chợ điện tử… đều chỉ được coi là tiềm năng nhưng còn lâu mới bùng nổ vì người thói quen người dùng.
Tuy nhiên, với sự phát triển của smartphone, thị trường online trong những năm gần đây đã có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự bùng nổ so với các nước khác trong khu vực như Indonesia. Theo báo cáo “Vietnam IT Landscape 2019” công bố toàn cảnh các doanh nghiệp IT ở Việt Nam do Topdev phát hành, đối với thị trường Fintech, các chuyên gia đến từ Solidiance dự đoán, đến năm 2020, thị trường Fintech Việt Nam sẽ đạt mức 7,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn. Ví dụ, theo một thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty Fintech, Malaysia 196 công ty, Indonesia là 262 công ty, thuộc lĩnh vực này
Còn thị trường EdTech tại Việt Nam, hiện đã đón nhận khoảng đầu tư khoảng 55 triệu USD cho lĩnh vực này nhiều đơn vị nước ngoài đang quan tâm mạnh đến thị trường này ngày càng nhiều hơn. Mặc dù vậy, EdTech vẫn chỉ đang trong giai đoạn sơ khai tại Việt Nam. Với chỉ dưới 5% số dân công sở có sử dụng một trong các dịch vụ giáo dục online, edtech cho thấy vẫn còn một thị trường rộng lớn đang chờ được khai phá.
Còn đối với dịch vụ công trực tuyến, đại diện Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT nhận định, giai đoạn phòng chống dịch do chủng mới của virus Corona gây ra là cơ hội để đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các dịch vụ online.
Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cũng cho rằng, hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ cao có thêm một sức mạnh nữa, đó là không cần tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể làm được các dịch vụ, giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Ông Nguyễn Thế Trung cũng cho biết thêm: “Đây cũng là cơ hội rất tốt để không chỉ ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến đang có, tăng số lượng sử dụng lên mà còn là sáng tạo ra những dịch vụ công trực tuyến để phục vụ cho những nhu cầu rất cụ thể mang tính sống còn”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù các dịch vụ trực tuyến đem lại nhiều lợi ích cho người dùng nhưng tâm lý ngại sử dụng vì lo ngại hacker, sợ lộ thông tin cá nhân, chưa biết cách dùng…. Nhưng với việc học sinh nghỉ học, người dân hạn chế ra những nơi đông người vì sợ lây nhiễm, đây là cơ hội vàng không chỉ dịch vụ công trực tuyến mà ngay cả những dịch vụ khác như thanh toán điện tử, học tập trực tuyến… Từ đó, người dùng sẽ dần thay đổi dần thói quen từ offline sang online, gia tăng số lượng người dùng, thu hút thêm đầu tư, tạo sự bùng nổ trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, một số ứng dụng học trực tuyến như LIKA, VioEdu… đã mở miễn phí hệ thống học tập của mình để người dùng trải nghiệm, hỗ trợ tối đa nhà trường và học sinh trong đợt nghỉ vì dịch bệnh do virus Corona.