Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên độc đáo đã đem lại cho địa phương nhiều sản vật đặc sản chất lượng chỉ nơi này mới có, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Bên cạnh đó, Cà Mau còn giữ được nhiều diện tích rừng đước, rừng tràm nguyên sinh. Đây cũng chính là niềm đam mê của du khách khi đến với Đất Mũi, là tiềm năng mà tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư cùng khai thác.

che bien tom.jpg
Kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau đạt hơn 1,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, tỉnh luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư. Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 600.000 tấn. Riêng sản lượng tôm đạt trên 250.000 tấn, chiếm khoảng 22% của cả nước.

Sản phẩm tôm Cà Mau cũng tự hào đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Ngày nay, con tôm đã thật sự trở thành sản phẩm không thể tách rời với đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân địa phương này.

“Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa. Đây là dịp tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống. Đồng thời cũng tôn vinh những người đã có công góp phần đưa sản phẩm tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới…”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, cả nước có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng ĐBSCL đã có trên 1.300 sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó giúp người nông dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

W-ptt-le-minh-khai-1.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại buổi lễ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được từ các sản phẩm OCOP nêu trên là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. 

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.