Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 với một số chỉ tiêu tài chính tích cực.

Cụ thể, tổng giải ngân cho vay trong quý đạt gần 24.500 tỷ đồng, tăng gần 38% so với với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giải ngân sản phẩm cốt lõi tăng mạnh đạt 17.000 tỷ đồng, riêng tháng 12 chỉ tiêu này đạt 6.400 tỷ đồng - cao nhất trong 11 tháng liên tiếp đưa giá trị giải ngân năm 2021 đạt 67.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với 2020.

Thu nhập ròng cuối cùng (ENR) cuối quý 4 đạt 75.400 tỷ đồng, tăng 20,8% so với thời điểm cuối quý 3 và tăng 14,2% so với đầu năm 2021. Theo đó, doanh thu trong quý ghi nhận kết quả khả quan với tốc độ tăng trưởng 10,5%.

Trong khi đó chi phí hoạt động (OPEX) lại xu hướng giảm dần. Nếu như chỉ tiêu này trong năm 2019 là 5.690 tỷ đồng thì đã giảm xuống còn 5.040 tỷ đồng vào 2020 và đạt 4.670 tỷ đồng trong 2021. Nguyên nhân là công ty đã tập trung số hóa, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh các chỉ tiêu về doanh thu và chi phí, FE CREDIT luôn đạt hệ số an toàn vốn (CAR) lở mức cao trên 15,5% trong nhiều năm liên tiếp, riêng năm 2021 đạt 17,8%.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 4/2021, ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE CREDIT cho biết, đại dịch Covid -19 là một thách thức chưa từng có tiền lệ đối với nền kinh tế Thế giới cũng như Việt Nam nói chung và ngành tài chính tiêu dùng nói riêng. Đặc biệt, trong quý 3 đây thực sự là thời gian khó khăn chưa từng có đối với FE CREDIT. Tuy nhiên từ tháng 10 trở đi, khi lệnh hạn chế được nới lỏng cùng chiến lược thích ứng linh hoạt thì tình hình hoạt động kinh doanh của công ty đã hồi phục nhanh chóng.

“Điều này minh chứng được sức mạnh nội tại giúp chúng tôi vượt qua và lấy được đà tăng trưởng như hiện tại. FE CREDIT đã nỗ lực dịch chuyển khách hàng dựa nền tảng số hóa đồng thời duy trì lượng khách hàng hiện hữu. Qua đó cũng thể hiện được năng lực cạnh tranh của chúng tôi so với các công ty tài chính khác. Hiện tại dư địa tín dụng của FE CREDIT lớn hơn nhiều so với con số thể hiện trên bảng cân đối kế toán (tương đương 75.000 tỷ đồng). Các chỉ tiêu cơ bản như doanh số, hiệu quả tín dụng cũng được cải thiện cho thấy một tương lai rất tươi sáng và trong 6 tháng tới sẽ được thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh”, đại diện FE CREDIT chia sẻ.

Về chiến lược kinh doanh, đại diện FE CREDIT cho biết với những điểm mạnh vốn có cùng nền tảng kinh doanh toàn diện sẽ tiếp tục tái khẳng định niềm tin vào việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh 5 năm đã chuẩn bị trước đó.

{keywords}
 

Riêng năm 2022, công ty tiếp tục tăng cường tập trung vào những khách hàng tốt  và cung cấp khoản vay cho họ thông qua ngân hàng số Übank… FE CREDIT cũng sẽ đưa ra các chiến dịch có tính cá nhân hóa cao để đưa khách hàng vào hệ sinh thái của SmartPay và Übank.

Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng cường kênh bán hàng trực tiếp để tiếp cận người lao động của các doanh nghiệp đã đăng ký và doanh nghiệp phi chính thức để tạo cơ sở cho vay theo lương.

Bên cạnh đó, công ty cũng tập trung vào việc ra mắt các sản phẩm mới cho những người làm trong từng lĩnh vực cụ thể, mở rộng phân khúc khách hàng như vay tiêu dùng hưu trí, gói vay dành riêng cho cán bộ ngành y, nghành giáo dục và tăng quy mô khách hàng tiềm năng thông qua việc hợp tác với đối tác lớn như Zalo, Viettel và các nền tảng viễn thông khác

Đặc biệt với sự tham gia của đối tác tài chính hàng đầu thế giới - SMBC, FE CREDIT kỳ vọng sẽ thu hút được một lượng lớn khách hàng mới thông qua mạng lưới sẵn có của SMBC như người lao động làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Công ty cũng có cơ hội huy động được nguồn vốn rẻ, tiếp thu và thừa hưởng những sáng kiến về công nghệ từ đối tác.

Xuân Thạch