Nguyên mẫu trông chẳng khác gì một miếng kính bình thường, với kích thước cỡ tầm 4 inch vuông và có hai mặt trong suốt. Nó được đóng kỹ lưỡng không kém gì báu vật: bọc giấy nến, nằm gọn trên một cái khay, được đặt trong một cái hộp nhựa, có cả túi khí chống sốc và cuối cùng là niêm phong dưới một cái hộp các tông, mẫu vật này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm thuộc quyền sở hữu của Huawei Technologies Co. ở San Diego.
Thế nhưng khi nó được gửi trả lại hồi tháng 8 năm ngoái, trễ với lịch hẹn nhiều tháng và bị hư hỏng nặng, Adam Khan – cha đẻ của phát minh này, biết có điều gì đó không ổn? Chẳng lẽ gã khổng lồ Trung Quốc này đang cố gắng ăn cắp công nghệ của anh?
Mảnh kính kia chính là nguyên mẫu của Akhan Semiconductor Inc., và nhà sản xuất này cho biết đây sẽ là vật liệu để chế tạo ra được một màn hình điện thoại cực kỳ cứng cáp, đến mức gần như không thể bị phá huỷ được.
Để làm được điều này, Khan đã tìm ra cách phủ một lớp kim cương nhân tạo cực mỏng lên bề mặt của tấm kính. Anh hy vọng rằng mình có thể thuyết phục các hãng smartphone sử dụng công nghệ của mình, từ đó phát triển ra một thế hệ thiết bị điện tử với độ bền cực cao. Akhan khẳng định rằng Miraj Diamond Glass – tên chính thức của sản phẩm này, có khả năng chịu lực cao hơn 6 lần và chống xước tốt hơn 10 lần so với Gorilla Glass – loại kính cường lực được coi là chuẩn mực trên điện thoại, giúp Corning Inc. bỏ túi tới hơn 3 tỷ USD mỗi năm. "Nó nhẹ hơn, mỏng hơn và cứng cáp hơn nhiều," Khan nói về đứa con tinh thần của mình. Anh hứa hẹn rằng Miraj sẽ là nhân tố quan trọng để đạt tới một tầm cao mới trong việc thiết kế smartphone.
Ai là nhà phát minh mà chẳng sợ việc bị đạo nhái, và Khan cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Mặc dù vậy, anh còn cảm thấy bất ngờ hơn nữa khi Huawei – một khách hàng tiềm năng của Akhan, lại bắt đầu thực hiện những hành vi mờ ám sau khi nhận được mẫu vật của mình. Khan còn ngạc nhiên hơn nữa khi FBI chiêu mộ anh và COO của Akhan – ông Carl Shurboff, để tham gia điều tra Huawei. Họ yêu cầu hai người này di chuyển đến Las Vegas và tổ chức một cuộc gặp mặt với đại diện của Huawei tại sự kiện Consumer Electronics Show diễn ra hồi tháng trước. Shurboff sẽ phải đeo thiết bị giám sát và ghi âm lại cuộc trò chuyện với sự theo dõi của một phóng viên của tờ Bloomberg Businessweek từ xa.
Cuộc điều tra chưa từng được công bố này không liên quan gì đến bản cáo trạng về Huawei của Đại bồi thẩm đoàn. Vào ngày 28/1, Công tố viên Liên bang của Brooklyn đã cáo buộc công ty này và Giám đốc Tài chính là bà Mạnh Vãn Chu với nhiều tội danh lừa đảo và âm mưu lừa đảo.
Trong một vụ việc khác, Công tố viên Liên bang của Seattle đã cáo buộc Huawei với tội danh đánh cắp bí mật thương mại và cản trở người thi hành công vụ, cho rằng một trong những nhân viên của họ đã ăn trộm linh kiện của con robot Tappy ở chi nhánh của T-Mobile US Inc. tại thành phố Bellevue, bang Washington. "Những cáo buộc này cho thấy sự bất chấp của Huawei đối với luật pháp nước ta cũng như tiêu chuẩn hành vi doanh nghiệp trên toàn thế giới," Christopher Wray – Giám đốc FBI, nói trong thông báo cáo chí của bản cáo trạng ngày 28/1. "Đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về việc nhân nhượng với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cản trở công lý hay phá hoại sự bình ổn và kinh tế của đất nước."Huawei đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc về mình.
Nếu cuộc điều tra mới đem lại kết quả khả quan thì nó, cùng với hai bản cáo trạng trên, sẽ thúc đẩy các nỗ lực của chính quyền tổng thống Trump trong việc cấm cửa hoàn toàn Huawei khỏi thị trường thiết bị viễn thông 5G tại Mỹ và các quốc gia đồng minh. Mỹ nhận định rằng Huawei sẽ đe doạ an ninh quốc gia của đất nước này vì họ có thể tích hợp cửa hậu (backdoor) vào phần cứng và phần mềm của dịch vụ 5G mà không hề bị phát hiện, ngấm ngầm giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi "nhất cử nhất động" của Mỹ và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mạng. Huawei thì cho rằng đây là một động thái chính trị nhằm hãm hại công ty Trung Quốc này. Cũng có không ít người chỉ ra rằng vụ việc liên quan đến T-Mobile đã được giải quyết ổn thoả ở toà án dân sự từ cách đây hơn nửa thập kỷ rồi. "Nếu tính về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ thì mới chỉ có vụ Tappy mà thôi. Như vậy là chưa đủ để coi họ là hiểm hoạ quốc gia được," Adam Segal, chuyên gia an ninh mạng của Hội đồng Cố vấn Ngoại giao nói với tờ Washington Post.
Ngày mà tuyên bố của Giám đốc Cục Điều tra Liên bang được công khai cũng là lúc chính phủ cho lục soát phòng thí nghiệm của Huawei tại San Diego – nơi Akhan đã gửi tấm kính đến. Cuộc khám xét của FBI được giữ bí mật, nhưng Khan và Shurboff thì đã biết từ trước, bởi họ đã được phổ biến về tiến độ điều tra thông qua luật sư của Akhan – Renato Mariotti, cựu Công tố viên Liêng bang nổi tiếng hiện đang làm việc cho công ty luật Thompson Coburn LLP. Mục tiêu của họ là làm sao để các đại diện của Huawei thừa nhận, trên băng ghi âm, rằng họ đã phá vỡ hợp đồng với Akhan và từ đó dẫn với việc vi phạm luật Quản lý Xuất khẩu của Mỹ. Huawei vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc. Câu chuyện dưới đây được viết lại dựa trên các tài liệu – bao gồm cả email và tin nhắn qua lại giữa Huawei, Akham và FBI, cũng như báo cáo kết quả của chiến dịch "giăng lưới" diễn ra tại Las Vegas và nhiều bài phỏng vấn của Khan và Shurboff.
Khan đã bắt đầu nghiên cứu về kính kim cương từ những ngày còn đang đi học đại học. Khi đang còn là một cậu sinh viên 19 tuổi theo học chuyên ngành vật lý và kỹ sư điện tại đại học Illinois ở Chicago, Khan đã bắt đầu tìm tòi về kim cương nano. Sau khi tốt nghiệm, anh tiếp tục thực hiện các thử nghiệm liên quan đến nó tại viện Stanford Nanofabrication Facility và bắt tay hợp tác với các nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm quốc gia Argonne, trực thuộc bộ Năng lượng Mỹ để phát triển và đăng ký sáng chế phương thức phủ những viên kim cương cực nhỏ lên kính.
Năm 2014, anh này cũng đã đăng ký bằng sáng chế liên quan đến kim cương mà mình tạo ra từ thời ở Argonne. Đến năm sau, Khan cảm thấy rằng mình đã "đủ lông đủ cánh" để quảng bá công nghệ kia. Anh bắt đầu hẹn những cuộc phỏng vấn với các bên xuất bản ấn phẩm thương mại, tuyển dụng Shurboff – người đã làm việc cho Motorola Inc. suốt 25 năm ở nhiều vị trí khác nhau. Thời cơ đã chín muồi rồi, Khan nghĩ, đã đến lúc tung nó ra thị trường.
Trong thế giới smartphone, sở hữu màn hình siêu bền là một lợi thế rất lớn, nó lợi hại chẳng kém vì một con chip mạnh hay một camera có khả năng chụp hình ấn tượng. Điều này đã bắt nguồn từ cách đây hơn chục năm, khi mà Steve Jobs lựa chọn Corning làm hãng cung cấp màn hình cho chiếc iPhone đầu tiên. Những reviewer thời ấy đã trầm trồ và hết lời khen ngợi khi thiết bị này có thể nằm trong túi quần với chùm chìa khoá cùng đống xu lẻ mà màn hình khổng lồ (so với thời ấy thôi) của nó vẫn chẳng có một vết xước. Để cạnh tranh được với Corning, Akhan cần phải chứng minh cho các ông lớn đứng đầu làng di động – bao gồm Apple, Samsung và Huawei, rằng kính phủ kim cương của họ còn cứng cáp hơn cả Gorilla Glass. Năm 2016, Shurboff đã phân phát một vài nguyên mẫu lấy từ xưởng sản xuất của Arkhan tại Gurnee, ngoại ô Chicago. Ông gửi một cái cho Samsung, cái còn lại đã đến tay Huawei.
Kể cả trước khi cuộc chiến tranh thương mại dưới thời tổng thống Trump nảy ra, cũng như lúc bản cáo trạng kia chưa được công bố, Huawei đã từng phải hứng chịu rất nhiều gạch đá. Hồi năm 2002, Cisco Systems Inc. đã báo buộc công ty này về hành vi ăn cắp mã nguồn router của họ. Motorola cũng từng đâm đơn kiện ông lớn Thâm Quyến hồi năm 2010 vì đã "cải đạo" thành công những nhân viên Trung Quốc của họ thành gián điệp cho Huawei. Năm 2012, Uỷ ban Tình báo Hoa Kỳ công bố rằng họ chính thức coi Huawei là mối nguy hại đến an ninh quốc gia và yêu cầu chính phủ cũng như các doanh nghiệp lập tức ngừng ngay các hoạt động mua bán thiết bị của hãng này. Huawei đã chối bỏ mọi cáo buộc, vụ việc về Cisco và Motorola được giải quyết ổn thoả bằng những khoản tiền đền bù.
Adam Khan - CEO kiêm nhà sáng lập của Akhan Semiconductor
Chính vì vậy, chẳng có gì làm lạ khi Akhan Semiconductor Inc. nhận được một email từ phía Huawei vào ngày 8/8/2016. Người gửi là Angel Han, kỹ sư của Huawei tại San Diego. Trong bức thư gửi ngày 7/11/2016, Han nói rằng Huawei "đang tích cực tìm kiếm công nghệ mới để đem lên những sản phẩm sáng tạo trong ngành công nghiệp đồ tiêu dùng điện tử ngày càng phát triển. Việc các bên đối tác có khả năng thích nghi và giữ đúng lời hứa cũng rất quan trọng với chúng tôi."
Khi các phóng viên gọi điện đến số điện thoại của người đã trao đổi tin nhắn với Akhan, người phụ nữ nghe máy tự nhận là Angel Han, nhưng cô này phủ nhận mọi mối quan hệ với Khan và Shurboff. Sau đó, khi nhận được các bằng chứng cụ thể về quá trình liên lạc giữa hai bên, cô nói rằng "Tôi không nhớ gì hết," rồi dập máy.
Vào thời điểm tháng 2/2017, hai công ty này đã ký kết hợp đồng. Akhan sẽ vận chuyển 2 nguyên mẫu Miraj đến chi nhánh của Huawei ở San Diego. Theo thư diễn tả ý định (Letter of intent) có chữ ký của cả hai bên, Huawei hứa hẹn rằng họ sẽ trả lại mẫu vật trong vòng 60 ngày và hạn chế thực hiện thí nghiệm không gây hư lại lên sản phẩm (Điều khoản này là để tránh trường hợp bên đối tác thực hiện Kỹ nghệ Đảo ngược với tài sản trí tuệ.) Shurboff cũng đã ghi trong tài liệu gửi đến Han rằng Huawei phải tuân thủ luật xuất khẩu của Mỹ, bao gồm Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (viết tắt là ITAR) – được đề ra để kiểm soát việc xuất nhập khẩu vật liệu với ứng dụng quân sự. Lớp phủ kim cương cũng nằm trong danh sách này vì nó có thể sử dụng trong vũ khí laser.
Khan và Shurboff ra quyết định sớm rằng Akhan sẽ chỉ cấp quyền sử dụng kính Miraj thế hệ đầu tiên cho một nhà sản xuất smartphone, với hy vọng sự độc quyền sẽ là đòn bẩy để giúp start up của họ đi lên. Huawei, theo lời Khan, cũng tỏ ra rất hứng thú với kính kim cương, và đến ngày 26/3/2018, Akhan đã gửi phiên bản mới đến cho Han. "Chúng tôi đã cảm thấy rất lạc quan," trích lời Khan. "Được một trong ba hãng điện thoại lớn nhất thế giới chống lưng, ít nhất là trên giấy tờ, quả thực rất hấp dẫn."
Tuy nhiên, những dấu hiệu đầu tiên của sự bất trắc xảy đến 2 tháng sau đó, vào tháng 5, khi Huawei đã lỡ hạn chót phải trả lại nguyên mẫu. Shurboff tiết lộ rằng những email của ông gửi đến Han yêu cầu họ gửi lại gói hàng đã bị phớt lờ hoàn toàn. Tháng sau, Han cho biết rằng Huawei đã thực hiện những thí nghiệm "tiêu chuẩn" trên mẫu vật và đính kèm một bức ảnh cho thấy miếng kính đã bị xước một vết rất lớn ở trên bề mặt. Cuối cùng, bưu kiện của Huawei đã được đưa đến Gurnee vào ngày 2/8.
Shurboff
Shurboff vẫn nhớ như y lúc ông mở hộp. Bề ngoài trông nó chẳng khác gì lúc Akhan gửi nó đi vài tháng trước. Bên trong cái hộp các tông là các bao bì bảo vệ thông thường thôi – túi khí, giấy nến, ... Thế nhưng, ông cảm nhận thấy có gì đó không ổn khi nhấc cái hộp nhựa ra. Nó kêu loảng xoảng. Tấm kính Miraj vốn không thể bị xước không những xước rất to, mà nó còn bị vỡ làm đôi, trong đó có 3 mảnh "không cánh mà bay".
Shurboff biết rằng không có chuyện nguyên mẫu đã bị hư hại trong quá trình vận chuyển – nếu vậy tất cả các mảnh đều phải nằm trong này chứ. Thay vào đó, ông tin rằng Huawei đã cố gắng cắt miếng kính ra để đo đạc độ dày của tấm phim kim cương nhằm tìm ra cách mà Akhan đã tạo ra nó.
"Con tim tôi quặn lại," ông nói. "Tôi nghĩ rằng, "Chết tiệt, công ty tỷ đô này đang muốn học lỏm công nghệ của mình rồi. Giờ phải làm sao?""
Người đầu tiên mà Shurboff gọi chính là Khan. Sau đó, ông liền liên hệ với Cục Điều tra liên bang. Bên FBI đã tiếp cận các công ty công nghệ Mỹ để truy lùng những vụ đánh cắp tài sản trí tuệ liên quan đến Trung Quốc. Tám tháng trước đó, tháng 1/2018, một đặc vụ FBI ở Chicago đã phải tìm đến trụ sở của Akhan ở Gurnee để làm việc. Theo lời Shurboff, nhân viên của Cục tiết lộ cho ông rằng mục đích của họ là tuyên truyền cho các doanh nghiệp ở Mỹ biết thêm về tội phạm mạng và lỗ hổng anh ninh, đồng thời muốn khuyến khích họ hãy bước ra ánh sáng và tố giác những hành động khả nghi. Cụ thể, FBI muốn có thêm thông tin về những vụ các công ty Trung Quốc muốn chiếm đoạt công nghệ của Mỹ.
Hai tuần sau khi nhận được mảnh kính vỡ từ Huawei, Shurboff liền lái xe xuống văn phòng của FBI ở Chicago – nơi họ đang tổ chức một buổi hội thảo dành cho giám đốc của các công ty nội địa về tình báo công nghiệp. Shurboff vẫn còn nhớ một nữ đặc vụ đã thuyết trình về vụ việc Huawei được cho là đã ăn trộm bí mật thương mại của T-Mobile hồi năm 2012. Giữa giờ nghỉ giải lao, ông đã tiếp cận đặc vụ này và kể cho cô nghe về chuyện của Akhan. Ông cũng đề cập tới việc lớp phủ kim cương là một vật liệu nằm trong Quy định ITAR với ứng dụng quân sự và đặt ra nghi vấn rằng nguyên mẫu có thể đã rơi vào tay nhầm người. Ngoài công dụng làm màn hình điện thoại, Akhan cũng đã áp dụng công nghệ kim cương của mình cho lĩnh vực bán dẫn và quân sự.
Đối với không ít người, câu chuyện của Shurboff nghe có vẻ xa vời, nhưng FBI thì không nghĩ vậy. "Ngay lập tức, họ tỏ ra rất quan tâm tới vấn đề này và muốn biết thêm," ông nói. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Sau đó, những người điều hành Akhan đã thường xuyên liên lạc với các quan chức của Cục Điều tra Liên bang cũng như Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Người tiếp nhận những cuộc gọi chính là David Kessler – trợ lý Luật sư của Mỹ tại Brooklyn, người mà sau này đã đứng ra kiện CFO của Huawei.
Hai đặc vụ FBI đã đến Gurnee để lấy nguyên mẫu bị hư hại và đưa nó đến Trung tâm Nghiên cứu của họ ở Quantico, Virginia. Khi có kết quả, chuyên gia giám định kim cương đã gọi điện và báo cho Khan và Shurboff. Nhà ngọc học này đưa ra kết luận rằng Huawei đã bắn tia laser 100 kW vào tấm kính, đủ mạnh để sử dụng làm vũ khí.
Xuyên suốt năm 2018, các đặc vụ FBI đã yêu cầu Khan và Shurboff giao nộp những email, bản photo của những thoả thuận không tiết lộ thông tin, thư diễn tả ý định, giấy tờ vận chuyển và thậm chí là cả chiếc hộp mà Huawei dùng để gửi lại mẫu vật hồi mùa hè năm. Ngoài ra, họ cũng giao cho hai người này một nhiệm vụ: Liên lạc lại với kỹ sư Angel Han của Huawei.
Vào ngày 12/10, với sự theo dõi của bên FBI, Shurboff và Khan gọi điện cho Han, chất vấn cô này về việc kính kim cương của mình bị hư hỏng nặng. Chuyện gì đã xảy ra với nó? Tại sao lại có mảnh kính bị mất? Han nói rằng cô không biết bởi nguyên mẫu được đem đến phòng thí nghiệm ở Trung Quốc và gửi lại cho Akhan từ đó. Đây rất có thể là một trường hợp vi phạm đạo luật ITAR, thế nhưng có vẻ như Han không nhận ra điều này, và cô cũng chẳng mấy quan tâm. Và thay vì phá vỡ hợp đồng, Han nói rằng Huawei muốn tiếp tục đàm phán về việc trở thành khách hàng đầu tiên của Akhan và đề nghị được gặp mặt trực tiếp trong vài tuần tới, tại sự kiện Consumer Electronics Show ở Las Vegas. Cô còn đề xuất cấp trên của mình ở Quảng Đông đi cùng để tiện nói chuyện làm ăn. Cả Khan và Shurboff đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Lúc này thì không biết ai đang "chơi" ai nữa rồi.
Các đại diện của Akhan đến Las Vegas vào thứ 3, ngày 8/1 và check in tại khách sạn Mandalay Bay. Họ sẽ xếp lịch gặp Han và đồng nghiệp của cô vào lúc 3 giờ chiều hôm ấy. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Huawei sẽ sa lưới. Nữ đặc vụ FBI của Chicago – người chỉ đạo chiến dịch, giải thích với Khan và Shurboff qua tin nhắn về kế hoạch: Cục đã đặt được một phòng ở Trung tâm Hội nghị Las Vegas, cũng chính là nơi tổ chức sự kiện CES. Căn phòng này sẽ được gắn thiết bị nghe trộm để FBI có thể theo dõi được cuộc trò chuyện ở nơi khác trong toà nhà. Shurboff sẽ mang theo các giấy tờ để Han nghĩ rằng Akhan đã thuê nó.
Khoảng giữa trưa ngày 9/1, một đặc vụ gặp trực tiếp hai giám đốc của Akhan và đưa cho Shurboff 3 máy ghi âm mới để mang theo người dự phòng. Shurboff nhắn tin cho Han: "Chúng tôi đã chuẩn bị một phòng hội thảo ngay gần Sảnh trung tâm nếu các vị muốn gặp ở đó." Ông cũng nhấn mạnh rằng nó cũng rất gần gian hàng của Huawei ở CES. Nhưng đến 2 giờ chiều, Han trả lời bằng tin nhắn rằng cô đang ở sòng bài của khách sạn Venetian và phải ít nhất một tiếng nữa mới đến được. Vấn đề là ở chỗ, FBI chỉ được phép sử dụng căn phòng này trong một thời gian nhất định. Shurboff nói với Han rằng cứ ở Venetian, ông và Khan sẽ gặp cô tại đó.
Họ đến nơi ngay trước lúc 3 giờ và gửi cho Han địa điểm của mình – ở tầng 2 của khác sạn Venetian, phòng ngay cạnh thang máy và có "view" nhìn ra nhà máy bia Sin City Brewing. Khan ăn mặc đơn giản với một chiếc áo peacoat tối màu, sơ mi đen, quần xám và giày thể thao. Shurboff thì mang phong thái doanh nhân hơn: Áo sơ mi xanh biển nhạt, áo khoác thể thao màu xám, quần đen cùng đôi giày da mới coóng. Phải đến 3 giờ 20 thì Han mới xuất hiện. Đi cùng cô là một người phụ nữ tự giới thiệu là Jennifer Lo – quản lý cao cấp phụ trách về các chuỗi cung ứng của Huawei ở Santa Clara, Calif. (Giám đốc ở Quảng Đông không đến dự được vì công ty đang hạn chế việc cho quan chức di chuyển đến Mỹ). Cả bốn người cùng ngồi xuống trò chuyện tại quán Prime Burger, còn các phóng viên của Businessweek đứng cách xa hơn 30 mét để theo dõi. Lẽ ra Khan và Shurboff phải thực hiện chiến dịch "giăng lưới" ở căn phòng an toàn và yên tĩnh của FBI ở CES. Vẫn còn ú ớ trong việc thực hiện nhiệm vụ gián điệp, thế mà giờ đây họ phải tỏ ra hết sức bình tĩnh, ghi lại đoạn đối thoại với đại diện Huawei ở một nhà hàng đông đúc, ồn ào.
Hôm nay vừa phát minh ra sáng chế có thể thay đổi cả làng smartphone, vài ngày sau đã đến Las Vegas để làm nhiệm vụ tình báo
Mục tiêu của cuộc đối thoại là họ phải làm Lo tiết lộ thêm về vụ việc xoay quanh nguyên mẫu của Akhan cũng như lý do tại sao Huawei lại hứng thú với công nghệ kính phủ kim cương này. Vị quản lý này đặt ra những câu hỏi về khả năng sản xuất của nhà máy Akhan ở Gurnee. Bà cũng nói rằng mình biết việc mẫu kính được gửi về Trung Quốc, nhưng cũng nhấn mạnh là Huawei đã kiểm tra mọi việc và họ không vị phạm Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế. Đã có lúc, không khí rất căng thẳng. Bỗng nhiên Lo khiến Khan và Shurboff hết sức hoảng hốt khi bà hỏi rằng có phải chính phủ Mỹ đang giám sát cuộc gặp này không. Còn về việc Miraj bị hư hại, Lo, cũng giống như Han, nói rằng mình không biết gì. Bà chỉ ở đây để đảm bảo rằng Huawei vẫn có cơ hội để trở thành hãng đầu tiên mang kính kim cương lên smartphone mà thôi. Nếu Akhan rút lui, bà nói rằng rất có thể mình sẽ mất việc. (Khi các phóng viên gọi điện cho Lo theo số trên danh thiếp của bà, bà đã xác nhận danh tính của mình và nói rằng đã đến CES để "gặp mặt với một số nhà cung ứng." Khi được hỏi về nguyên mẫu không còn nguyên vẹn và chuyện nó đã được đem về Trung Quốc, bà nói rằng "Tôi không liên quan đến việc này nên không thể đưa ra bình luận.")
Vài ngày sau, Khan nhận được tin không vui. Trong cuộc gặp gỡ tại Prime Burger, Shurboff vô tình "chạm mặt" đại diện của một khách hàng tiềm năng khác quan tâm đến Miraj. Do đang làm việc với FBI nên ông đành chấp nhận từ chối họ để quay trở về bàn và tiếp tục cuộc thảo luận với Huawei. Điều này đã khiến vị khách hàng kia lo sợ rằng Akhan đang muốn tạo sự cạnh tranh giữa các bên để tăng giá bán. Khan không muốn vuột mất một nhà đầu tư có triển vọng. Trước đó, anh đã yêu cầu tờ Businessweek giữ kín thông tin về chiến dịch cho đến khi chính phủ công bố bản cáo trạng của Huawei hoặc bắt giữ quan chức cấp cao của họ. Thế nhưng, nóng lòng muốn giải trình với đối tác tiềm năng và làm rõ hiểu nhầm, anh liền thay đổi ý định và quyết định công khai câu chuyện của Akhan cũng như tuyên bố về việc họ hợp tác với FBI. "Akhan rất nghiêm túc trong việc xử lý những vụ việc sử dụng bất hợp pháp công nghệ của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức trách để giải quyết vấn đề này."
FBI đột nhập vào phòng thí nghiệm của Huawei ở San Diego vào sáng ngày 28/1. Tối hôm ấy, hai đặc vụ và Trợ lý Luật sư Kessler đã gọi điện cho Khan và Shurboff. Các đặc vụ nói qua về mục tiêu của lệnh khám xét và yêu cầu Khan cũng như Shurboff cắt đứt liên lạc với Huawei.
Khan và Shurboff không biết câu chuyện rồi sẽ đi về đâu. Có thể chính phủ sẽ đưa ra kết luận rằng họ không có đủ chứng cứ để kết tội Huawei. Cũng có thể bên nguyên sẽ suy nghĩ lại rằng những gì xảy ra với Akhan chưa đủ nghiêm trọng để đâm đơn kiện. Nếu vậy, câu hỏi đặt ra về việc Mỹ giăng bẫy Huawei: Liệu chiến dịch này được thực hiện dựa trên những bằng chứng rõ ràng và xác đáng, hay nỗ lực tuyệt vọng mong muốn "bắt quả tang" công ty Trung Quốc này đang chơi xấu?
Mặt khác, nếu chính phủ đưa ra phán quyết rằng Akhan đã bị tấn công, rằng một doanh nghiệp tỷ đô của Trung Quốc đã thực sự nhắm vào một công ty cỡ nhỏ chẳng có doanh thu mà cũng chưa có khách hàng (tính ở thời điểm hiện tại) ở Chicago, thì đây sẽ là minh chứng rõ ràng nhất về sự liều lĩnh và táo bạo của Huawei khi sẵn sàng làm tất cả mọi việc để đánh cắp bí mật doanh nghiệp Mỹ. "Tôi nghĩ rằng họ đang săn lùng những công nghệ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Họ không quan tấm đến việc chủ sở hữu của nó là công ty lớn hay nhỏ, có danh tiếng hay không. Họ chỉ muốn có được nó bằng được thì thôi," Khan nói.
Theo Bloomberg