Từ đầu mùa giải 2019, Công ty CP CLB Bóng Đá Becamex Bình Dương đã nhiều lần thông báo đến người hâm mộ việc họ chỉ sử dụng một fanpage Facebook duy nhất có tên "CLB Bóng Đá Becamex Bình Dương".
Sở dĩ, CLB phải thông báo như vậy là bởi có một fanpage khác có tên "Binh Duong Football Club" với dấu xác nhận từ Facebook (tích xanh) nhưng thật chất không do CLB quản lý.
Khi tìm CLB Becamex Bình Dương, Facebook sẽ cho ra kết quả là một trang giả mạo với dấu xác nhận màu xanh. |
"Nếu bạn nhìn thấy biểu tượng màu xanh lam trên fanpage hoặc trang cá nhân, điều đó có nghĩa Facebook đã xác nhận rằng đây là fanpage hoặc trang cá nhân xác thực cho nhân vật của công chúng, công ty truyền thông hoặc thương hiệu này," Facebook khẳng định những trang có tích xanh đều là thật.
Chính vì vậy, khi người dùng tìm kiếm CLB bóng đá Bình Dương, kết quả đầu tiên sẽ là fanpage giả mạo với dấu xác thực từ Facebook. Nhiều người hâm mộ cho rằng trang có tích xanh mới là của CLB.
Theo Facebook, dấu tích xanh là biểu hiện cho trang "chính chủ". |
Tuy vậy, theo CLB Becamex Bình Dương, fanpage này trước kia do người hâm mộ thành lập từ năm 2013 với hơn 37.000 lượt theo dõi. Sau đó, chủ fanpage đã dùng giấy tờ giả để đăng ký dấu xác thực của Facebook.
“Facebook chủ yếu dựa vào liên kết báo chí, giấy tờ họ không đủ khả năng xác nhận đâu là thật là giả. Trường hợp đánh sập tài khoản bằng giấy báo tử trước đây là một ví dụ”, Hữu Nhật, quản trị viên của nhiều trang Facebook lớn chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Facebook, không phải tất cả những nhân vật của công chúng, người nổi tiếng và thương hiệu trên đều có tích xanh, rất khó để một trang có đủ điều kiện xác thực.
Chính sự "hiếm" và "uy tín" này, Facebook đã tự nhận tích xanh của mình là "quyền lực" trong một thông báo đăng tải trên fanpage.
Tuy tuyên bố nhiều lần tích xanh không mua được nhưng trên thị trường chợ đen, những trang "được" Facebook xác thực bị rao bán tràn lan với giá không hề rẻ.
Như trường hợp fanpage "Binh Duong Football Club", sau khi làm giả bộ giấy tờ và “lên tích” trang này được rao bán ở thị trường chợ đen với giá từ 65 triệu đồng.
"Các trang này được sử dụng cho mục đích bán hàng, đăng tải video chạy quảng cáo Facebook Ads Break, tin giả… Thậm chí, họ có thể đổi sang một tên khác để tăng uy tín nhờ tích xanh", ông Nhật nói thêm.
Trang Facebook giả mạo có lượt theo dõi nhiều hơn trang thật. |
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với streamer TXT. “Trong một lần nhờ người mở nick bị khóa, tôi đã nộp một số giấy tờ cho người này xác minh với Facebook. Sau đó giấy tờ trên được dùng để lên tích cho một fanpage giả mạo tôi. Với cách xác minh cẩu thả và chính sách khóa tài khoản lỏng lẻo, Facebook đang tiếp tay cho tình trạng giả mạo người khác”, TXT nói.
Tương tự Becamex Bình Dương, TXT cũng đã kháng cáo liên tục với Facebook để được giải quyết nhưng không nhận được hồi đáp.