Facebook sẽ phải chi trả hàng triệu Bảng tiền thuế ở Anh sau khi phê chuẩn các thay đổi cơ bản đối với cấu trúc hoạt động doanh nghiệp của họ ở châu Âu.
Facebook đã phê chuẩn những thay đổi về cấu trúc doanh nghiệp ở châu Âu. Ảnh: PA |
Bắt đầu từ tháng 4, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã thay đổi chính sách của mình để lợi nhuận thu được từ các nhà quảng cáo lớn nhất, hiển thị nội dung trên Facebook sẽ chuyển qua Anh, thay vì Ireland. Thay đổi này dự kiến sẽ mang tới nguồn thu thuế lớn hơn ở Anh và thực hiện một phần kế hoạch của Facebook nhằm xoa dịu các chỉ trích về việc trốn thuế.
Facebook nói, động thái trên đã được lên kế hoạch cách đây một thời gian. Bất kỳ khi nào chi nhánh Facebook Anh bắt tay với các nhà quảng cáo trực tiếp "gia tăng giá trị" cho công việc kinh doanh, cố vấn cho các công ty và lên kế hoạch cho các mẫu quảng cáo, họ sẽ lập hóa đơn thông qua Anh. Trong số các khách hàng quảng cáo lớn nhất của Facebook ở Anh hiện có cả Tesco và Sainsbury’s cũng như đại gia quảng cáo và marketing WPP.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ hơn sử dụng các công cụ mua quảng cáo trực tuyến của Facebook sẽ vẫn được lập hóa đơn qua Facebook Ireland, nơi vẫn giữ vai trò tổng hành dinh quốc tế, xử lý mọi giao thương của công ty ở bên ngoài Bắc Mỹ.
Trong một báo cáo đệ trình lên Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ ngày 28/1/2016, Facebook nêu rằng "phần lớn các nhà marketing của chúng tôi sử dụng nền tảng tự quảng cáo của chúng tôi để khởi tạo các tài khoản, xúc tiến và quản lý các chiến dịch quảng cáo của họ". Song, công ty cũng có hơn 35 văn phòng đại diện kinh doanh trên khắp thế giới, kể cả ở Anh, dù vẫn hợp tác với các hãng cung cấp dịch vụ quảng cáo truyền thống.
Sự thay đổi chính sách dự kiến sẽ dẫn tới việc Facebook Anh có tổng doanh thu cao hơn đáng kể và do đó sẽ phải chi trả mức thuế doanh nghiệp lớn hơn, đạt mức 20%. Việc áp dụng mức thuế cao hơn với Facebook sẽ bắt đầu từ năm tới.
Hạ nghị sĩ Meg Hillier, chủ tịch Ủy ban tài chính công của Anh, giải thích: "Ủy ban tài chính công từ lâu đã chỉ ra rằng, các công ty đa quốc gia không phải là các đối tượng bị động của những quy định thuế quốc tế. Họ chọn cách thức cấu trúc các vấn đề thuế của mình và phải biết rõ các trách nhiệm đi kèm những lựa chọn đó. Trong một số trường hợp, nó bao gồm cả việc sử dụng các cấu trúc thuế phức tạp, đặc biệt được tạo ra nhằm giảm thiểu mức thuế phải đóng của họ".
Anh chỉ chiếm không đầy 10% trong tổng doanh thu toàn cầu của Facebook, nhưng công ty Mỹ tái khẳng định, các hoạt động của mình tại đảo quốc sương mù, với hơn 850 nhân viên, vẫn là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của cả doanh nghiệp. Facebook đang xây dựng một trụ sở mới ở London, trong khi Anh cũng góp phần xúc tiến một vài trong số những dự án tham vọng nhất của công ty này, kể cả việc phát triển máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời.
Sơ đồ mô phỏng sự thay đổi cấu trúc đóng thuế doanh nghiệp của Facebook Anh từ trước tháng 4/2016 (trên) và hiện nay (dưới). Ảnh: Guardian |
Phát ngôn viên của Bộ Tài chính Anh tuyên bố: "Thủ tướng (Anh) đã ban hành thuế lợi nhuận chuyển đổi đầu tiên trên thế giới để đảm bảo các công ty đa quốc gia thay đổi hành vi của họ, thay vì cố tình tuồn lợi nhuận ra ngoài nước Anh. Chúng ta có thể chứng kiến nó đã bắt đầu phát huy ảnh hưởng".
Facebook cũng quả quyết: "Về những thay đổi đối với luật thuế ở Anh, chúng tôi cảm thấy thay đổi này sẽ mang tới sự minh bạch cho các hoạt động của Facebook ở Anh. Cấu trúc mới dễ hiểu hơn và rõ ràng thừa nhận giá trị mà các tổ chức ở Anh của chúng tôi đóng góp cho hoạt động kinh doanh của công ty thông qua đội ngũ kinh doanh giàu kinh nghiệm và ngày càng phát triển tại đất nước này".
Tuy nhiên, John McDonnell, lãnh đạo đảng đối lập trong Hạ viện Anh, cho rằng thay đổi trên chỉ đồng nghĩa "ít hoặc không có thay đổi lớn thực sự nào vào thời điểm hiện tại". Nghị sĩ Công đảng Anh Baroness Kramer cũng kêu gọi "việc xem xét lại các nguyên tắc cơ bản của hệ thống thuế doanh nghiệp đã mất uy tín". Ông McDonnell nhấn mạnh, chính phủ cần phải thức tỉnh trước quy mô của bê bối trốn thuế doanh nghiệp ở Anh.
Riêng với trường hợp Facebook, công ty này đã đối mặt với với vô số chỉ trích sau khi bị phanh phui chỉ đóng 4.327 Bảng (khoảng 6.229,6 USD) tiền thuế doanh nghiệp ở Anh vào năm 2014, bất chấp đội ngũ nhân viên của họ tại Anh thu nhập trung bình 210.000 Bảng (302.337 USD) trong cùng kỳ, đồng thời nhận hơn 35 triệu Bảng (50,4 triệu USD) trong một dự án chia lợi tức cổ phần và khiến Facebook Anh tổn thất 28,5 triệu Bảng (khoảng 41 triệu USD).
Facebook đã không tiết lộ tổng doanh thu quảng cáo của họ, vốn sẽ lập hóa đơn qua Anh. Margaret Hodge, cựu Chủ tịch Ủy ban Tài chính công của Anh, cho hay, một cuộc điều tra vào các dàn xếp kinh doanh - quảng cáo tương tự của Google từng phát hiện, chỉ 1% các quảng cáo của tập đoàn này được bán offline, nhưng chúng chiếm tới gần 60% tổng doanh thu của họ tại Anh.
Cũng như công ty đồng hương Mỹ Facebool, Google cũng bị chỉ trích về các dàn xếp thuế. Tập đoàn này đã nhất trí trả 130 triệu Bảng (gần 187,2 triệu USD) tiền hoàn thuế cho Anh vào tháng 1, nhưng con số này bao gồm cả 1/4 tổng số thuế liên quan đến dự án các lựa chọn cổ phần công ty của Google.
Facebook và các công ty khác đang đối mặt với búa rìu dư luận vì những nghi vấn vi phạm luật bảo vệ dữ liệu ở khắp châu Âu, mà gần đây nhất là ở Đức, nơi Cơ quan cạnh tranh liên bang (German Bundeskartellamt - Federal Cartel Office – FCO) tiến hành một cuộc điều tra về các nghi vấn lạm dụng cổ phần thị trường và luật riêng tư quốc gia.
Tuấn Anh (theo Guardian)