Trong đỉnh điểm của vụ bê bối quyền riêng tư khi việc Facebook để lọt dữ liệu người dùng vào tay Cambridge Analytica bị phanh phui hồi tháng 5, mạng xã hội này thông báo người dùng sẽ có thể xóa lịch sử hoạt động trên tài khoản của họ.
Tính năng này đã có một tên gọi rõ ràng: "Clear History". Chính CEO MarkZuckerberg đã công bố Clear History tại sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển.
Tuy nhiên, việc xóa lịch sử hoạt động của người dùng có vẻ như khó thực hiện hơn những gì Facebook đã hứa. 7 tháng kể từ thời điểm công bố, Clear History vẫn chưa xuất hiện hoặc được ấn định thời gian cụ thể.
Tại thời điểm đó, Giám đốc Bảo mật Facebook, Erin Egan cho biết sẽ cần vài tháng để xây dựng công cụ này. Nhưng đến hiện tại, Facebook lại nói rằng Clear History sẽ không xuất hiện trong vài tháng tới.
Việc chậm trễ không phải là điều lạ đối với các dự án phát triển trên lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên với một tính năng nhạy cảm như Clear History cho thấy Facebook đang do dự đối với chính sách kiểm soát quyền riêng tư của người dùng.
Trong cuộc phỏng vấn với Recode gần đây, David Baser, trưởng nhóm bảo mật vừa được lập ra tại Facebook cho rằng tính năng mới sẽ được thử nghiệm trong quý I năm sau.
Theo ông, sự chậm trễ này đến từ hai thách thức Facebook phải đối mặt, liên quan đến cách họ lưu trữ dữ liệu người dùng trên máy chủ.
Một là, dữ liệu không phải lúc nào cũng được lưu trữ theo cách đã thu thập. Ví dụ khi một người dùng Facebook duyệt web, bộ dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân, các trang web đã truy cập, thời gian thu thập dữ liệu. Đôi khi dữ liệu này được phân tách và lưu trữ trong các phần khác nhau của máy chủ Facebook. Theo Baser, để tìm kiếm và xóa tất cả là một thách thức.
Hai là, Facebook hiện lưu trữ dữ liệu duyệt theo thời gian, không phân theo người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc rất khó để xóa dữ liệu duyệt của một cá nhân trong hệ thống.
Facebok phải xây dựng hệ thống lưu trữ mới, phân theo từng người dùng. Trên thực tế điều này không đơn giản nhưng lại là yếu tố cần thiết để người dùng có thể truy cập và xóa dữ liệu của mình.
Facebook bị chỉ trích gay gắt vì đã thu thập dữ liệu người dùng khổng lồ trong thời gian qua, họ cũng không giải thích rõ những nội dung thu thập và lí do cho việc này.
Từ đầu năm 2018, đã dấy lên mối lo ngại về dữ liệu người dùng và quyền riêng tư, cơ quan quản lý cũng nghiêm túc điều tra, CEO Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước nghị viện Mỹ.
Facebook nhiều lần tuyên bố rằng bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng là ưu tiên hàng đầu của họ. Đó là lí do lập ra nhóm của Baser.
Tuy nhiên kể từ thời điểm đó, tiếp tục có nhiều lỗ hổng bảo mật khác bị phát hiện. Vào tháng 9, tin tặc có thể truy cập vào thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng thông qua một lỗ hổng bảo mật. Tuần trước, một lỗi phần mềm khác đã làm lộ ảnh riêng tư của 6,8 triệu người dùng đã được công bố. Facebook phải mất đến 3 tuần để khắc phục và thông báo công khai đến cơ quan quản lý.
Nói về những khó khăn trong quá trình phát triển Clear History, Baser giải thích lý do của tên gọi "Clear Histoy" thay vì "Delete History". Sử dụng tính năng này sẽ giúp tách rời lịch sử duyệt mà Facebook đã thu thập từ tài khoản của người dùng nhưng không xóa những dữ liệu đã được lưu ở máy chủ Facebook. Thay vào đó, nó chỉ xác định lại, nghĩa là dữ liệu vẫn được Facebook lưu trữ nhưng không còn ràng buộc với người dùng đã tạo ra nó.
Tại sao Facebook không ngừng thu thập dữ liệu người dùng? Lý do có thể là một phần lớn hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc vào việc thu thập dữ liệu duyệt web.
Facebook là một công ty quảng cáo, họ cần phải biết lượt truy cập đến các trang để tiến hành tính phí quảng cáo. "Chúng thôi thật sự không thể ngừng thu thập dữ liệu", Baser cho biết. "Nhưng điều chúng ta có thể làm là loại bỏ định danh ra khỏi dữ liệu đó".
Do đó, Clear History có thể giúp người dùng tránh gặp những quảng cáo khó chịu sau khi lướt những trang web có nội dung tương tự. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Facebook người theo dõi người dùng khi họ duyệt web.
Theo Zing