Vào tháng 10, một nhà nghiên cứu nội bộ của Facebook (hiện đã đổi tên thành Meta Platforms) chuẩn bị một bài nói chuyện khá chi tiết để trình bày với đồng nghiệp về danh tiếng công ty trước công chúng. Tuy nhiên, trong sự kiện của công ty, bộ phận truyền thông và pháp lý đã quyết định loại bỏ bài nói này vì lo ngại nội dung sẽ bị tiết lộ ra ngoài.
Theo The Verge, đây là ví dụ cho thấy Meta đang dần áp dụng văn hóa bí mật, nhằm tránh để lộ ra ngoài những thông tin bất lợi cho công ty. Những thử nghiệm được áp dụng ở bộ phận Liêm chính doanh nghiệp, là nơi nghiên cứu và đưa ra giải pháp xử lý nhiều vấn đề xã hội, doanh nghiệp của Meta.
Frances Haugen, người tiết lộ nhiều nghiên cứu nội bộ gây chấn động tại Facebook, từng làm việc tại bộ phận Liêm chính doanh nghiệp của công ty này. Ảnh: CBS. |
Bài học từ những "người thổi còi"
Vào tháng 10, Frances Haugen, một cựu quản lý sản phẩm tại Facebook công khai danh tính để xuất hiện trên truyền thông, sau đó là các cơ quan lập pháp tại nhiều quốc gia, và nói về công ty cũ. Những luận điểm của bà Haugen chủ yếu dựa trên các nghiên cứu nội bộ, do Facebook cấp ngân sách về các sản phẩm của công ty.
Những nghiên cứu này đi đến kết luận rằng mạng xã hội Instagram và Facebook có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới người trẻ. Chính kết luận này khiến Meta tiếp tục gặp rắc rối với Quốc hội Mỹ. Khi căng thẳng lên cao, các lãnh đạo của Meta phải lên tiếng và cho rằng các nghiên cứu được đưa ra công chúng đã được chọn lựa để mang hình ảnh xấu, không đầy đủ của công ty.
Trong nội bộ, Meta cũng hành động ngay lập tức. Hội nghị công bố các nghiên cứu nội bộ của công ty này đã phải đánh giá lại các bài trình bày nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lộ tin ra ngoài. Bản thân các lãnh đạo của Meta như Phó chủ tịch phụ Chính sách và Truyền thông Nick Clegg cũng trực tiếp yêu cầu giảm tần suất công bố nghiên cứu nội bộ, và tăng số vòng đánh giá trước khi được gửi đi trong các nhóm kín.
Sau khi lộ diện, bà Haugen liên tục xuất hiện trước những cơ quan lập pháp để nói về sai lầm của công ty cũ. Ảnh: House of Lords. |
Theo The Verge, trong một số trường hợp nhà nghiên cứu còn phải vạch rõ đâu là kết luận dựa vào dữ liệu, và đâu là ý kiến cá nhân từ trước khi thực hiện.
Vào tháng 10, Meta cũng công bố chính sách "chiếc ô liêm chính". Chính sách này cấp quyền cho một số ít nhân viên trong bộ phận Liêm chính doanh nghiệp của Meta được tham gia các nhóm bàn luận của công ty. Tuy nhiên, nhiều người phản hồi rằng điều này sẽ không giúp Meta tránh được những trường hợp "người thổi còi" như Frances Haugen, bởi bà Haugen đã thu thập tài liệu khi đang làm việc tại chính bộ phận kiểm soát.
Văn hóa đã thay đổi
Một trong những giá trị văn hóa doanh nghiệp quan trọng nhất của Meta, được phổ biến với các nhân viên khi họ gia nhập công ty, đó là sự cởi mở.
"Những người có thông tin sẽ đưa ra quyết định tốt hơn, ảnh hưởng tích cực hơn, do vậy chúng tôi luôn cố gắng để đảm bảo mọi người ở Facebook đều có thể truy cập càng nhiều thông tin về công ty càng tốt", Meta viết trên trang web tuyển dụng của mình.
Văn hóa cởi mở này đến từ chính nhà sáng lập Mark Zuckerberg. Tới năm 2016, CEO Facebook vẫn thường xuyên chia sẻ những thông tin khá nhạy cảm của công ty tại những buổi họp toàn nhân viên. Đó là sự khác biệt của công ty này so với nhiều ông lớn khác vốn đề cao tính bí mật như Apple. Tại Facebook, việc nhân viên có thể biết được kế hoạch sản phẩm của một bộ phận khác là chuyện bình thường.
Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ mới của Meta là người lên tiếng cảnh báo về tác dụng ngược của văn hóa mở. Ảnh: Getty. |
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 tới nay, số lượng nhân viên của Facebook (Meta) đã tăng tới 4 lần, hiện đạt hơn 68.000 người. Mạng xã hội nội bộ của công ty, được gọi là Workplace, được ví như một phiên bản gọn hơn của Facebook, và nhiều bài viết có thể lan truyền với tốc độ rất nhanh.
Vào cuối tháng 10, Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta viết một bức thư gửi tới toàn bộ nhân viên. Trong thư, Bosworth cho biết ông đánh giá rất cao và đã quen với văn hóa mở, nhưng nhận thấy văn hóa đó tại Meta đang đi xuống.
"Việc các thông tin nội bộ tình cờ bị khám phá ra không còn mang lại giá trị như trước. Không chỉ là chi phí tăng lên, mà giá trị của nó cũng giảm xuống vì thông tin hữu ích đã bị loãng", Bosworth chia sẻ.
Nhiều nhân viên nhận định bài viết của Bosworth cho thấy Meta đã phát triển quá nhanh, với số nhân viên quá đông để tiếp tục duy trì văn hóa mở. Bộ phận liêm chính của Facebook chính là phép thử đầu tiên để giới hạn sự cởi mở.
Với chính sách "chiếc ô", chỉ một phần nhân viên trong bộ phận này có thể truy cập mọi nhóm làm việc. Những nhân viên không nằm trong danh sách sẽ phải yêu cầu được cấp phép nếu muốn lấy thông tin trong đó.
Nhiều nhân viên cho rằng việc áp dụng văn hóa bí mật có thể gây hại cho Meta. Ảnh: Getty. |
Matt Perault, cựu quản lý chính sách tại Facebook, hiện là giáo sư tại Đại học North Carolina, cho rằng các quy định này đúng ra phải được áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, ông Perault cũng dự đoán việc giới hạn thông tin có thể khiến những nhân viên đưa ra quyết định tệ hơn.
Nhiều nhân viên cũng chia sẻ với The Verge việc không đồng tình với quyết định này. Họ cho rằng việc giới hạn thông tin trong bộ phận quan trọng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những sản phẩm của Meta.
"Cô lập những cuộc thảo luận sẽ càng khiến khoảng cách về sự thấu cảm rộng ra, và có thể gây hại cho người dùng của chúng ta về lâu dài", The Verge trích lời một nhân viên trong bộ phận.
Việc siết chặt thông tin có thể còn khiến tình hình lộ tin nội bộ của Facebook tệ hơn.
"Chuyện này sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới sự hài lòng của nhân viên, và có thể dẫn tới nhiều rò rỉ nội bộ hơn, khi mà nhân viên không có cái nhìn toàn diện về các công việc tại Facebook", một kỹ sư khác nhận định.
(Theo Zingnews)
Meta bị kiện đòi 100 tỷ USD vì “Hồ sơ Facebook”
Tổng chưởng lý bang Ohio (Mỹ), Dave Yost, cho biết vừa đệ đơn kiện Meta, công ty mẹ Facebook, dựa trên các tiết lộ của cựu nhân viên Frances Haugen và tài liệu nội bộ.