Tháng Sáu năm 2017, Mark Zuckerberg chỉnh sửa định hướng của Facebook cho hợp với tình hình thời bấy giờ. Trong chặng đường phát triển tương lai của mạng xã hội lớn nhất thế giới, các Nhóm trên Facebook sẽ là trọng tâm chính. Để minh chứng cho những gì mình hướng tới, Facebook dự định cập nhật thêm một loạt tính năng mới cho các Nhóm, công bố tại Hội nghị Cộng đồng Facebook diễn ra hồi đầu tháng này tại California.
Trên Bloomberg, phóng viên Selina Wang đảo qua Nhóm có tên Subtle Asian Traits, nhận xét về quá trình phát triển của nhóm này để đưa ra nhận định ban đầu về toàn bộ dự án Nhóm của Facebook.
Những nhóm chia sẻ meme - ảnh chế và nhóm cộng đồng đã là điểm sáng của Facebook nhiều tháng trở lại đây, giữa những mảng tối của scandal và lượng người truy cập giảm sút. Subtle Asian Traits, nổi tiếng đến mức khó tin, có nguồn gốc rất thường thấy: một nhóm học sinh trung học Á-Úc, đa số là du học sinh nhập cư, lập nhóm để kiếm tìm chút xả hơi giữa núi bài vở.
Như cô phóng viên Wang cũng có nhận định nữa: các nhóm Facebook như vậy, dù có admin kiểm soát, vẫn có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi tin giả, ngôn ngữ thù địch, hay bất cứ loại rác số nào bạn có thể thấy trên bảng tin News Feed.
Như phóng viên của The Guardian là Ed Pilkington và Jessica Glenza đã có bài điều tra về cách các cá nhân bài trừ vaccine lây lan thông tin giả trên Facebook:
Facebook đang tăng cường chống trả tin giả có thể gây nên "những tổn thương thực tế". Nhưng dù ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, những tuyên truyền chống vaccine vẫn không bị coi là loan tin tức giả.
The Guardian yêu cầu Facebook trả lời về vấn đề này, nhưng công ty không có lời hồi đáp nào.
Nhà nghiên cứu tin giả Renee DiResta đổ lỗi cho thuật toán gợi ý của Facebook, liên tục giới thiệu những người mới làm cha mẹ về các nhóm chống vaccine. "Đây mới là nơi nền tảng Facebook có thể đổi mới. Bỏ những tuyên truyền sai trái khỏi hệ thống gợi ý đi. YouTube đã nhận ra ảnh hưởng xấu của các thuyết âm mưu; Facebook cũng có những thứ xấu đó, nhưng vẫn để điều đó diễn ra", DiResta viết trên Twitter.
Không thể trông chờ vào Facebook thay đổi cơ cấu, không thể trông cậy vào cha mẹ - những người đã đọc quá nhiều tin giả để rồi đưa ra quyết định sai lầm, những thanh niên mới lớn đi tìm lời khuyên… trên mạng. Họ tìm tới một trong những forum lớn nhất thế giới, Reddit.
Trong những sub xin lời khuyên, khó có thể tính số người hỏi về việc tiêm vaccine cho bản thân thế nào thì hợp lý. Họ đều có điểm chung: không được cha mẹ tiêm vaccine khi chào đời và khi đến tuổi, chưa đủ trách nhiệm pháp lý thì không thể tự đi tiêm. Có những người đặt câu hỏi khi chưa đến tuổi vị thành niên, đến lúc đủ tuổi là xách vali lên và đi … tiêm ngay lập tức.
Những bình luận trên Reddit dù chua cay đến mấy nhưng vẫn nói lên sự thật: phải tiêm vaccine, không là bạn sẽ chuốc họa vào thân lúc nào không biết.
Thế mới thấy những nhóm trên mạng Internet vừa là nguồn căn vấn đề, lại vừa là giải pháp giải quyết vô vàn tình huống. Điều quan trọng là bạn, người sử dụng Internet, có đủ tỉnh táo để đặt niềm tin đúng chỗ.
Xu hướng bài vaccine chỉ là một phần trong vấn đề nhức nhối chung mang tên Tin giả. Nhưng chúng ta không thể bị khuất phục trước những nội dung giả mạo lan truyền nhanh như lửa cháy, có những cá nhân, tổ chức có tiếng nói đã dần đứng lên tìm cách chống lại nạn tin giả đang lây lan ngày một rộng:
Tại Đức, công việc chính của thanh tra cảnh sát Andreas Guske là săn lùng tin giả, dập tắt những phát ngôn thù địch ngay từ khi chúng còn trong trứng nước. Đội ngũ của ông Guske không bắt giữ hay phạtành chính những người lan truyền tin tức giả, thay vào đó, họ giáo dục cộng đồng về những mối nguy mà tin giả mang lại.
Họ làm vậy vì thấy Facebook liên tục gợi ý những nội dung bạo lực và cực đoan, bên cạnh đó không có mấy niềm tin Facebook sẽ sớm giải quyết vấn đề. Họ tự nhận phần việc đó về mình.
Chính phủ Ấn Độ gây áp lực lên WhatsApp, yêu cầu chủ sở hữu của WhatsApp – chính là Facebook – cho phép chính phủ can thiệp vào hệ thống tin nhắn đã được mã hóa để kiểm soát nội dung xấu. Ấn Độ không muốn một WhatsApp không bị kiểm soát trở thành sân chơi cho những kẻ đồi bại, một nền tảng lan truyền tin xấu với thiệt hại khủng khiếp.
"Suốt sáu tháng, chúng tôi yêu cầu họ phải có trách nhiệm với nền tảng của mình nhưng họ đã làm được gì?", Gopalakrishnan S., chuyên viên cấp cao thuộc Bộ Thông tin Công nghệ và Thiết bị Điện tử nói. "Cứ thể để cho những kẻ ấu dâm lên nền tảng WhatsApp được bảo mật hoàn toàn, yên tâm rằng chúng không bao giờ bị bắt. Quả thực vô đạo đức".
Nói đi cũng phải nói lại, Facebook cũng có những hành động đáng khen ngợi
Tại Nigeria, WhatsApp mở chiến dịch "Chia sẻ Sự thật, Tránh xa Tin đồn" để giúp giáo dục người dân về ảnh hưởng của tin giả, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra bầu cử. Bên cạnh đó, cuối năm ngoái, Facebook mở thêm chương trình giáo dục an toàn không gian mạng cho học sinh tại Nigeria.
Suốt 12 tuần lễ diễn ra chương trình, họ giúp thanh thiếu niên hiểu được tầm quan trọng của hiểu biết trên không gian mạng, đảm bảo an toàn khi chia sẻ thông tin cũng như các biện pháp bảo mật đơn giản, biết cách kết bạn trên mạng và tự mình xác định bạn xấu cũng như tin giả.
Tình hình không mấy xán lạn, nhưng nỗ lực sửa đổi, chống lại tin giả lan tràn nằm gọn trong tay chúng ta.
Theo GenK