Trong vài năm trở lại đây, livestream đang là một trong những chức năng gần như bắt buộc và cũng là thế mạnh nhằm thu hút người dùng của các mạng xã hội. Thông qua chức năng này, người dùng có thể truyền tải trực tiếp video về cuộc sống, công việc cũng như hoạt động vui chơi của bản thân đến với người khác.
Brenton Tarrant đã livestream trên Facebook tại thời điểm thực hiện vụ khủng bố
Về bản chất, đây là một trong những công nghệ nổi bật, nhằm hiện thực hóa sự giao tiếp giữa người với người thông qua môi trường internet. Nhưng theo thời gian, công nghệ này lại bị lợi dụng theo chiều hướng tiêu cực nhằm phát tán các thông tin, hình ảnh độc hại, gây ảnh hướng tiêu cực đến xã hội. Điển hình nhất là vụ khủng bố ở New Zealand mới đây.
Cụ thể, vào ngày 15/3 vừa qua, người đàn ông có tên Brenton Tarrant đã tiến hành một hành động khủng bố khí xả súng cướp đi sinh mạng của 49 người, làm bị thương 20 người tại hai thánh đường Hồi giáo ở trung tâm và ngoại ô Christchurch, New Zealand. Không chỉ gây chấn động bởi con số thương vong, hành động khủng bố này còn được hung thủ phát trực tiếp qua chức năng livestream của Facebook kéo dài tới 17 phút.
Tốc độ lan truyền của cuộc livestream kinh hoàng nói trên còn chóng mặt hơn khi chỉ 2 ngày sau, Facebook đã ra thông báo cho biết mình đã xóa khoảng 1.5 triệu video về cuộc thảm sát. Không chỉ vậy có tới 1.2 triệu video đã bị xóa trước khi được người dùng đăng tải thành công lên mạng xã hội này. Tuy nhiên cần lưu ý, quá trình livestrem của kẻ sát nhân Brenton Tarrant đã được thực hiện một cách trọn vẹn mà không hề có sự can thiệp nào của Facebook.
Đây không phải lần đầu tiên, các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter... bị những kẻ khủng bố lợi dụng để phát tán những cuộc tấn công của mình. Điển hình là vào năm 2013, phiến quân Al-Shabaab đã tiến hành livestream trên Twitter vụ tấn công tại trung tâm mua sắm Westgate (Kenya). Hay vào năm 2015, một kẻ nổ súng ở Bridgewater, Virginia (Mỹ) khi sát hại nạn nhân của mình đã phát sóng trên truyền hình trực tiếp và tải video lên Twitter và Facebook.Thực ra những ẩn họa tiềm tàng trong chức năng livestream đã được cảnh báo từ lâu, thông qua các hành động khoe thân thể để kiếm tiền hay chiếu trực tiếp các nội dung có bản quyền ... nhưng phải đến khi xảy ra vụ việc kinh hoàng như ở New Zealand vừa qua, vấn đề mới được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Nói về vụ khủng bố do Brenton Tarrant gây ra, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid khẳng định: Các mạng xã hội như Google, Facebook cần phải nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực được quảng bá trên các nền tảng của mình. Thủ tướng Anh Theresa May cũng gửi lời cảnh báo tương tự tới các mạng xã hội: Không nên có không gian an toàn cho những kẻ khủng bố để thúc đẩy và chia sẻ quan điểm cực đoan của chúng.
Hậu vụ thảm sát tại New Zealand, Sajid Javid, Bộ trưởng Nội vụ Anh đã đặt ra câu hỏi trách nghiệm của Facebook ở đâu khi không lập tức dừng video trực tiếp mà Brenton Tarrant đã đăng tải cũng như để những nội dung kinh hoàng này vẫn được chia sẻ trong một thời gian dài sau đó ? Thực tế, từ vài năm nay, Facebook hay Google luôn cố gắng đầu tư cả nhân sự lẫn tài chính cho khâu kiểm soát nội dung này nhưng dường như tới hiện tại, mọi thứ vẫn tóm gọn trong 2 từ "bất lực".
Thử thách cùng Momo, một trong những dẫn chứng cho sự bất lực trong khâu kiểm duyệt của Youtube
Cụ thể, tính tới cuối năm 2017, số lượng nhân viên kiểm soát nội dung được người dùng đăng tải của YouTube là 10.000 với Facebook con số này ở mức 7.500 người. Nhưng số nhân sự trên không thấm tháp vào đâu nếu biết trung bình có hơn 500 giờ video được tải lên Youtube mỗi phút và gần 300.000 dòng trạng thái được cập nhật trên Facebook trong quãng thời gian tương tự.
Một nỗ lực khác của các mạng xã hội trên là đưa AI (trí thông minh nhân tạo) vào nhằm kiểm soát các nội dung tiêu cực nhưng sau vài năm triển khai vẫn còn nhiều lỗ hổng tồn tại trong khâu kiểm duyệt. Theo nhiều chuyên gia công nghệ, AI có thể ngăn chặn những nội dung "bẩn" nhưng đó phải là những gì hệ thống được học hỏi. Tuy nhiên, các vụ bạo lực hay khủng bố đều có diễn biến khác nhau vì vậy AI sẽ bỏ qua nhiều trường hợp mà đáng nhẽ phải chặn lại.
Không chỉ vậy, chức năng báo cáo nội dung "bẩn" của Facebook hay Google cũng dường như vô dụng, bởi dù người dùng có phản ánh thì cũng chả lấy gì làm chắc chắn các mạng xã hội sẽ có phản ứng kịp thời. Ví dụ như một số video ghi lại vụ thảm sát tại New Zealand đạt số lượng lượt xem kỷ lục là 18 triệu nhưng vẫn tồn tại trong vòng 20 giờ, chắc chắn sẽ có người báo lên Facebook về nội dung này nhưng nó vẫn có thể tồn tại trong một thời gian dài.
Hay như các video có tính chất tiêu cực ngắm vào trẻ em dạo thời gian gần đây, có thể kể đến gồm Thử thách cùng Momo. Những video dạy trẻ em tự tử dạng này đã tồn tại nhiều tháng trời trước khi bị gỡ khỏi Youtube và thậm chí trong thời gian đó, cá nhân đăng tải còn có thể kiếm tiền thật thông qua số lượng lượt xem.
Theo Kinh Tế Đô Thị