Tác giả bài viết này, cô Kashmir Hill – một phóng viên kỳ cựu của Phòng Dự án Đặc biệt, nơi điều tra trên tất cả các trang web của Gizmodo. Cô viết về bảo mật riêng tư và công nghệ. - chia sẻ: Rebecca Porter và cô là những người xa lạ, theo như cô biết. Tuy nhiên Facebook nghĩ rằng họ có quen biết nhau.
Những lời gợi ý kết bạn đó vượt khỏi mối quan hệ với bạn cùng lớp hoặc đồng nghiệp. Từ lâu, đã có khá nhiều câu chuyện kỳ quặc về việc này. Nó cũng giống như khi một bác sĩ tâm thần nói với một người rằng các bệnh nhân của họ đang được giới thiệu lẫn nhau, mà nó chẳng liên quan gì đến việc chữa bệnh.
Thứ làm cho những kết quả gợi ý trở nên lộn xộn chính là phạm vi của các nguồn dữ liệu – thông tin định vị, nhật ký hoạt động trên các ứng dụng khác, nhận dạng khuôn mặt trên các tấm hình. Facebook sử dụng chúng để kiểm tra qua lại giữa những người dùng, với hy vọng giữ chân họ chặt hơn. Mọi người thường biết rằng Facebook đang nắm mọi dữ liệu về danh tính của họ và cách họ sử dụng Internet, nhưng mức sâu và độ kiên trì của sự giám sát đó rất khó để hiểu hết. Và Những người Bạn Có thể Biết, viết tắt là NBCB, là một chiếc hộp đen bí ẩn.
Để cố nhìn vào chiếc hộp đen đó – và bộ thu thập dữ liệu không rõ nguồn gốc lẫn rõ nguồn cấp dữ liệu, Kashmir đã bắt đầu tải xuống và lưu lại danh sách những người mà Facebook đề xuất cho mình, để xem ai đã xuất hiện và những manh mối nào có thể xảy ra.
Trung bình một ngày, Facebook có xu hướng giới thiệu khoảng 160 người, một số người lặp lại nhiều lần. Trong suốt mùa hè, nó đã gợi ý cho cô ấy hơn 1.400 người khác nhau. Khoảng 200 người, hay 15% trong số đó là những người cô thật sự biết, nhưng phần còn lại dường như là người lạ.
Và sau đó là Rebecca Porter. tên bà ta xuất hiện sau khoảng một tháng: một phụ nữ lớn tuổi, sống ở Ohio, nơi không có bạn bè nào của cô ở đó. Kashmir không nhận ra bà Porter, nhưng cái họ của bà ấy khá quen thuộc. Ông nội cô, tên Porter, là một người cô chưa bao giờ gặp, cũng là người đã bỏ rơi bố cô khi bố còn nhỏ. Bố cô được nhận nuôi và ông đã không tìm lại người bố đẻ của mình cho đến lúc trưởng thành.
Gia đình bà Porter sống ở Ohio. Sống cách đó một nửa đất nước, Florida, Kashmir biết những người họ hàng đang ở đó nhưng chẳng có lý do gì để họ gặp nhau.
Cách đây vài năm, bố cô ấy đã gặp lại ông nội, cùng với hai người chú và dì, khi họ tìm bố trong chuyến trở về Ohio để dự tang lễ của bà nội. Không ai trong số họ sử dụng Facebook. Cô hỏi bố mình có nhận ra bà Rebecca Porter không nhưng ông không nghĩ thế.
Kashmir đã gửi tin nhắn cho bà ấy giải thích tình hình và hỏi liệu bà ấy có liên quan đến ông nội của cô không.
Bà ấy trả lời "Có".
Cô ấy phát hiện ra Rebecca Porter là bà bác của mình. Bà đã kết hôn với ông bác của cô, vào 35 năm trước, một năm sau khi cô được sinh ra. Facebook biết rõ phả hệ gia đình Kashmir hơn cả chính cô ấy biết.
"Bà đã không biết về cháu," bà nói với cô, qua điện thoại. "Bà không hiểu sao Facebook có thể kết nối chúng ta."
Đó là một cuộc trò chuyện thú vị. "Sau khi chúng tôi kết thúc cuộc điện thoại, tôi ngồi lặng người trong 15 phút." Cô Kashmir chia sẻ." Tôi biết ơn Facebook đã cho tôi cơ hội để nói chuyện với một người họ hàng chưa từng gặp mặt, nhưng thật kinh ngạc và bối rối khi thông suốt toàn bộ."
Làm thế nào Facebook kết nối họ với nhau vẫn là một câu hỏi khó có lời giải đáp. Bố Kashmir đã gặp ông bác một lần, sau đám tang của bà ngoại. Họ trao đổi email, và bố cô đã có số điện thoại của ông ấy. Nhưng cả hai đều không sử dụng Facebook. Kể cả những người thân khác giữa cô ấy và bà Rebecca Porter trong gia đình.
Được biết Facebook mua thông tin từ các công ty môi giới dữ liệu và một người trước đây từng làm việc cho công ty biết rõ công cụ này hoạt động như thế nào. Có thể mối liên hệ gia đình đã được phân biệt theo cách đó. Nhưng khi được hỏi về cách thức đó, người phát ngôn của Facebook cho biết, "Facebook không sử dụng thông tin từ môi giới dữ liệu cho Những người Bạn Có thể Biết."
Vậy Facebook đã sử dụng thông tin gì? Công ty không cho Kashmir biết những gì tạo ra đề xuất này, vì lý do riêng tư. Người phát ngôn của Facebook nói rằng nếu công ty giúp cô ấy tìm ra mối liên hệ giữa cô ấy và bà bác, thì mọi người khác gặp trường hợp tương tự sẽ đều yêu cầu giải thích.
Đó không phải là một lý do thuyết phục. Facebook luôn khiến mọi người tự truyền thông tin về bản thân họ mọi lúc; vậy đâu có hợp lý khi thỉnh thoảng lại có người chia sẻ thông tin đó?
Lý do khả thi hơn là công ty có thể ngại tiết lộ cách hoạt động của những lời gợi ý bởi vì có nhiều đối thủ cạnh tranh của Facebook như LinkedIn và Twitter cũng cung cấp các tính năng tương tự cho người dùng. Trong một buổi phát biểu năm 2010 về NBCB, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Facebook đã giải thích giá trị của nó: "Những người nhiều bạn bè thường sử dụng trang này nhiều hơn". Có một lợi thế cạnh tranh khi làm tốt điều này, nghĩa là Facebook không muốn tiết lộ bất cứ điều gì được đưa vào thuật toán của nó.
Họ giữ kín điều này rất lâu. Trở lại năm 2009, những người dùng nhận được gợi ý kết bạn chính xác đến đáng nghi ngờ rằng Facebook đã dựa vào thông tin liên lạc của họ - dùng để đăng ký tài khoản, mà không biết rằng Facebook sẽ giữ và sử dụng nó.
Mặc dù Facebook đã nói trước về việc sử dụng thông tin liên lạc của họ, nhưng khi được hỏi về vấn đề này trong năm 2009, giám đốc điều hành bảo mật riêng tư, Chris Kelly đã không xác nhận điều gì.
Năm 2009, Kelly nói trên báo Adweek: "Chúng tôi xin được nhắc đi nhắc lại rằng chúng tôi không chia sẻ chi tiết về thuật toán dùng để xác định phần Đề xuất trên trang chủ."
Chính vì vậy nên người dùng có cảm giác rất bực bội, vì họ muốn tường tận mức độ hiểu biết của Facebook về họ và mức độ sâu sắc của mạng xã hội gắn với cuộc sống của họ. Người phát ngôn nói rằng cần hơn 100 tín hiệu đi vào để đưa ra lời khuyên bạn bè chứ không đơn thuần là vài tín hiệu đơn lẻ có thể kích hoạt hoạt động.
Một trăm dấu hiệu! Kashmir đã nói với người phát ngôn rằng có thể nào rõ ràng hơn về cách hoạt động của tính năng này không để những người dùng quan tâm đỡ phải mơ hồ về nó. Họ nói Facebook do muốn bày tỏ ‘sự rõ ràng’ nên gần đây đã bổ sung thêm thông tin vào trang trợ giúp để giải thích cách mà NBCB hoạt động, theo cập nhật từ USA Today.
Trang trợ giúp có một danh sách ngắn gọn sau:
Đề xuất NBCB có thể xuất phát từ các yếu tố như:
▪ Có bạn chung. Đây là lý do phổ biến nhất dẫn tới đề xuất
▪ Tham gia cùng nhóm Facebook hoặc được gắn thẻ trong cùng một ảnh
▪ Mạng của bạn (ví dụ: trường học, trường đại học hoặc cơ quan)
▪ Liên hệ bạn đã tải lên.
Trong email trả lời về danh sách ngắn gọn này, người phát ngôn viết "Chúng tôi đã lựa chọn liệt kê những lý do phổ biến nhất mà ai đó có thể được gợi ý làm thành một phần của NBCB." Và nói với Kashmir rằng có thể xoá lời gợi ý kết bạn đó đi nếu không thích thay vì giải thích về trường hợp của bà bác của cô ấy.
"Thực tế thì không phải ai cũng thích những người mà mục NBCB mang đến, nên họ có thể quản lý chúng bằng cách bấm vào ô X những lời gợi ý họ không quan tâm," người phát ngôn viết trong email. "Đây là cách tốt nhất để cho chúng tôi biết rằng họ không quan tâm kết quả này và những đóng góp đó sẽ giúp cải thiện các đề xuất vào lần sau."
Bây giờ, mỗi khi nhìn vào đề xuất bạn bè, Kashmir không còn cảm thấy lo lắng những cái nick lạ mặt nữa. Kashmir tự hỏi bao nhiêu trong số đó thật sự là người lạ, và bao nhiêu người được kết nối với cô mà cô không biết. Họ không phải là người cô biết, nhưng là người cô ấy nên biết?
Nếu bạn đã từng trải qua tình huống tương tự với NBCB, hoặc nếu bạn đang làm việc trong lĩnh vực này, cô ấy sẵn lòng giúp đỡ bạn.
Theo GenK