Ảnh minh họa: Getty Images |
Từ bây giờ, quảng bá nội dung anti vaccine là trái với quy định của Facebook. Vì vậy, những quảng cáo thêu dệt “thông tin sai sự thật về vaccine” bị cấm trên mạng xã hội. Trước đây, có các lựa chọn để xác định đối tượng mục tiêu cho quảng cáo như “tranh cãi về vaccine”, nay đã được gỡ bỏ.
Facebook còn chủ động tìm kiếm các nội dung như vậy. Trong quá khứ, nếu người dùng báo cáo một tin sai sự thật về vaccine cho nhóm kiểm tra sự thật, Facebook sẽ hạn chế phạm vi tiếp cận của bài viết. Tuy nhiên, hiện tại, nền tảng sẽ hạn chế mọi giả thuyết lừa đảo nổi tiếng đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Mỹ xác định trước cả khi nhóm kiểm tra xem xét.
Đây thực sự là thông tin tích cực. Những câu chuyện thêu dệt về vaccine không hề mới và trở thành tâm điểm thời gian gần đây khi dịch sởi bùng phát tại Mỹ. Chỉ riêng tại bang Washington đã có 71 ca mắc bệnh sởi. Điều đó dấy lên lo ngại thông tin sai lệch trên mạng xã hội là một yếu tố khiến cha mẹ không tiêm vaccine cho con.
Trò lừa phổ biến nhất chính là tiêm vaccine dẫn đến tự kỷ dù bị nhiều nghiên cứu lớn và các tổ chức y tế hàng đầu thế giới bác bỏ. Nó không thể ngăn cản những câu chuyện lệch lạc về vaccine được lan truyền rộng rãi trên mạng thông qua Facebook hay YouTube.
Vì sao đến tận tháng 3/2019 Facebook mới bắt đầu mạnh tay với nội dung anti vaccine? Đó chính là quy tắc của Facebook với các thông tin sai lệch. Facebook không muốn quyết định cái nào đúng, cái nào sai. Như một hệ quả, chia sẻ những thứ sai sự thật trên Facebook – hay còn gọi là tin giả mạo (fake news) – thực tế không đi ngược với điều khoản dịch vụ của hãng. Nó thực sự là vấn đề nếu fake news dẫn đến mối nguy hại trong thực tế.
Facebook không phải công ty đầu tiên ra mặt và thay đổi để chống lại nội dung anti vaccine. YouTube đã dừng hiển thị quảng cáo bên cạnh các video anti vaccine từ tháng 2/2019. Pinterest dừng hiển thị kết quả tìm kiếm đối với từ khóa vaccine.