Khi “3 tại chỗ” xuất hiện F0
Báo cáo của Công ty Vissan gửi tới Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong các ngày 12/6, 28/6 và 7/7, qua xét nghiệm Covid-19 với 3.896 mẫu cho nhân viên nhưng không phát hiện số ca F0 nào. Tuy nhiên, đến ngày 17/7, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh thực hiện test 1.683 mẫu thì xuất hiện 19 F0 (tỷ lệ là 1,13%), từ 19 F0 này xuất hiện thêm 77 F1 và 121 F2.
Đến ngày 22/7, khi test nhanh 219 mẫu, Vissan tiếp tục phát hiện 20 F0 (tỷ lệ 9,26%), từ số F0 này sinh ra 272 F1 và 217 F2.
Cuối bảng tổng hợp về tình dịch test Covid-19 của doanh nghiệp, đã phát hiện tổng cộng 43 F0, 357 F1 và 354 F2. Suốt thời gian từ ngày 17/7 đến 22/7 có sự chuyển đổi từ F1 lên F0 và F2 lên F1. Phân tích theo bảng phân bố các F theo từng đơn vị thuộc Công ty Vissan cho thấy, số lượng F0 + F1 + F2 chiếm tới 75% lực lượng lao động.
Vissan tổ chức xét nghiệm cho người lao động |
“Với thực trạng này, các đơn vị sản xuất gần như bị tê liệt hoàn toàn”, Tổng Giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An nêu trong báo cáo, đồng thời lên phương án cho Vissan tạm dừng hoạt động.
Thực tế thực hiện phương án “3 tại chỗ” của các DN trong khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Tiền Giang cũng nguy cơ phát sinh nhiều ổ dịch. Trước diễn biến trên, UBND tỉnh này đã phải ra văn bản về việc tạm dừng hoạt động đối với các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hình thức “3 tại chỗ” kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới.
Các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai cũng đang “đau đầu” khi F0 đang bất ngờ xuất hiện trong công xưởng “3 tại chỗ”.
Các hiệp hội vào cuộc tìm vắc xin
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận định, mô hình “3 tại chỗ” tạm ổn ở thời điểm hiện tại vì tách biệt được lực lượng lao động trong vùng dịch. Tuy nhiên, đối với các DN thực hiện mô hình này sớm (từ khoảng đầu hoặc giữa tháng 6) thì có sự sàng lọc người lao động kỹ càng hơn.
Trong khi đó, một số DN thực hiện 3 tại chỗ gần đây (khoảng đầu và giữa tháng 7) có tình trạng bị xen lẫn F0 vào trong nhà máy. Từ đây, việc sàng lọc rất khó, đặc biệt với qua phương thức sàng lọc nhanh.
Cũng theo ông Phương, dù áp dụng mô hình nào thì bắt buộc phải sớm có chiến lược vắc xin phù hợp. Liên quan tới vấn đề này, 4 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam và HAWA đã có văn bản gửi Chính phủ, các bộ, ngành cho biết đã tìm được nguồn cung ứng vắc xin đồng thời kiến nghị được hỗ trợ về thủ tục để nhanh chóng nhập về, tiêm miễn phí cho người lao động.
Chỗ nghỉ cho công nhân của một doanh nghiệp “3 tại chỗ” |
Khi các Hiệp hội thương lượng nguồn vắc xin, nhà cung cấp hứa tháng 7 sẽ có, nhưng do bị động về khâu thủ tục vì buộc phải hết sức cẩn thận vì vắc xin liên quan đến sức khỏe con người.
“Nếu được, giữa tháng 8 có vắc xin về sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn các kế hoạch liên quan đến khâu hậu cần. Chúng tôi phải thông qua các thủ nhập khẩu của Bộ Y tế, mọi thứ sẽ phức tạp do chưa có cơ chế vắc xin dịch vụ liên quan”, đại diện HAWA chia sẻ.
Cần tiêm sớm cho công nhân
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe, cho rằng, chỉ một lỗ thủng nhỏ có thể làm cho mô hình “3 tại chỗ” tại DN sụp đổ. Nếu áp dụng các mô hình mang tính máy móc thì có thể sẽ làm khổ các DN sau này khi giải quyết hậu quả.
“Khi cả trăm ca F0 xuất hiện trong công xưởng thì DN nào chịu được, lại tạo thêm gánh nặng dập dịch của địa phương, của cả nước”, ông Hòe nhấn mạnh.
Theo Tổng thư ký VASEP, dịch bệnh Covid-19 không thể chấm dứt trong vòng 1 tuần hay 1 tháng mà kéo dài. Muốn hoạt động xuất khẩu không bị đứt gãy cũng như thị phần xuất khẩu ở các nước không bị mất do gián đoạn sản xuất thì phải có biện pháp và chương trình phòng dịch cụ thể. Muốn làm được những việc đó cần sớm tiêm vắc xin cho đội ngũ công nhân.
Hiệp hội, ngành hàng kiến nghị cần đẩy nhanh việc tiêm vắc xin |
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - Dương Nghĩa Quốc khẳng định, DN “3 tại chỗ” nếu phát hiện F0 thì còn mệt hơn là đã tạm dừng hoạt động. Việc cấp bách nhất là Chính phủ ưu tiên tiêm cho công nhân hoặc các DN tìm được nguồn cung vắc xin, tự bỏ chi phí để tiêm cho lực lượng lao động của mình.
Hiện, số lượng các DN có thể thực hiện được “3 tại chỗ” của Hiệp hội Cá tra chỉ khoảng 1/5, do đặc thù các nhà xưởng của lĩnh vực thủy sản là các nhà lạnh, công nhân không thể lưu trú trong điều kiện nhiệt độ thấp nên không nhiều đơn vị đảm bảo được yêu cầu, phải tạm dừng hoạt động.
Phó Chủ tịch HAWA Nguyễn Chánh Phương thông tin, kiến nghị của 4 hiệp hội tới Chính phủ về vấn đề tự lực vắc xin vẫn đang chờ phản hồi. Tuy nhiên, xét trên bình diện lâu dài để sớm ổn định hoạt động và duy trì trạng thái của nền kinh tế, tiêm vắc xin không thể là câu chuyện riêng, gói gọn trong phạm vi của bất kỳ một địa phương nào.
Công tác quản trị về dân cư, người lao động và tiêm chủng ở thời điểm hiện tại cần có sự thay đổi để thích ứng với tình hình đại dịch bởi số lượng người lao động đang phải tạm thời dịch chuyển rất nhiều.
“Chúng ta nên chuẩn bị trước cơ sở hạ tầng cho việc tiêm vắc xin diện rộng, ngoài các hệ thống quốc dân của địa phương, các bệnh viện, sắp tới cần huy động thêm các hệ thống dịch vụ y tế tư nhân vào cuộc để tăng cường, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng”, đại diện HAWA nêu ý kiến.
Quảng Định
Có thể xử lý hình sự khi lao động tự ý rời khỏi doanh nghiệp
Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, ông Lê Văn Danh, vừa có văn bản về việc xử lý lao động rời khỏi doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”.