Chiều 1/11, Sở Y tế TP Cần Thơ công bố, trong ngày thành phố ghi nhận 434 ca F0; tăng đến 152 ca so với ngày 31/10.
Đây là con số F0 cao kỷ lục mà TP Cần Thơ ghi nhận trong 1 ngày, cao nhất từ khi chuyển về trạng thái bình thường mới.
Trong 434 ca F0 nói trên, có 270 trường hợp phát hiện trong khu cách ly; 20 trường hợp qua sàng lọc tại cơ sở y tế; 82 trong khu phong tỏa; 62 trường hợp phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà; số còn lại là người về từ vùng dịch. Các quận Ô Môn, Ninh Kiều, Thốt Nốt là địa phương có ca F0 cao trong ngày 1/11.
Khu phong tỏa ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ |
Còn theo thống kê trong 5 ngày qua (từ 28/10 đến 1/11), TP Cần Thơ ghi nhận 1.196 ca F0. Đến nay, TP Cần Thơ đã ghi nhận tổng cộng 8.083 ca F0; trong đó 6.194 người đã được điều trị khỏi.
Với việc TP Cần Thơ “lập đỉnh” 434 ca F0 trong một ngày khiến người dân thành phố bất ngờ.
“Thật sự quá bất ngờ với số lượng F0 được phát hiện trong một ngày nhiều như vậy. Chỉ mong mọi người có ý thức thực hiện nghiêm quy định 5K, hạn chế tụ tập đông người”, chị Hồng Nhung (đang cư ngụ tại quận Ninh Kiều) chia sẻ.
Sự chủ quan, lơ là của người dân
Hôm 18/10, UBND TP Cần Thơ ban hành văn bản "tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tương đương cấp độ 1".
Theo đó, TP Cần Thơ cho mở cửa lại nhiều dịch vụ, kinh doanh như quán ăn, cà phê… được phục vụ tại chỗ. Các chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra vào thành phố cũng được dừng hoạt động, thay vào đó là điểm hỗ trợ khai báo y tế.
Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, khi chuyển qua trạng thái bình thường mới, thành phố với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế của vùng ĐBSCL nên tiếp nhận lượng lớn người dân các tỉnh, thành khác đến công tác, học tập, khám chữa bệnh...
Qua thống kê, từ ngày 1/10 đến ngày 26/10, TP Cần Thơ ghi nhận 25.169 người từ địa phương khác vào thành phố. Qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện 399 F0, trong đó có 123 trường hợp từ vùng dịch về tái dương tính; do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trên địa bàn là rất lớn.
Nhiều người ra quán ngồi nhậu ở TP Cần Thơ |
Bên cạnh đó, TP Cần Thơ còn phát hiện nhiều ổ dịch ở như tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương; ở phường Cái Khế, An Cư, An Nghiệp (quận Ninh Kiều).
Đặc biệt là ổ dịch xuất hiện trong công ty ở khu công nghiệp Trà Nóc 2 và khu công nghiệp Thốt Nốt.
Ngoài ra, theo đánh giá của ngành y tế TP Cần Thơ, hiện nay đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan của người dân trên địa bàn... Sau khi xuất hiện nhiều ca F0, chính quyền TP Cần Thơ đã quyết định nâng cấp độ dịch từ vùng 1 lên vùng 2.
Tại cuộc họp trực tuyến Sở Chỉ huy với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, các quận, huyện, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn tập trung phòng, chống dịch nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa.
Bởi những ngày gần đây đã xuất hiện biểu hiện hơi lơ là, chủ quan từ phía người dân, cán bộ trong công tác phòng chống dịch; công tác kiểm tra giám sát của các tổ chức, địa phương thiếu chặt chẽ.
Tầm soát Covid-19 tại cộng đồng trong tình hình mới
Để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, UBND TP Cần Thơ cũng ban hành kế hoạch tầm soát nCoV tại cộng đồng phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trong tình hình mới.
Theo đó, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên (gộp 2) hoặc PCR (gộp 10) đối với 100% trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác, khứu giác, khó thở… tại cộng đồng. Nếu có kết quả dương tính thì xử lý như ổ dịch nhỏ.
Ngoài ra, UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu thường xuyên kiểm tra, xác minh thông tin khai báo y tế của người dân trên địa bàn tại phần mềm tokhaiyte.vn để xét nghiệm kịp thời các trường hợp khai báo y tế về triệu chứng liên quan đến dịch Covid-19.
TP Cần Thơ thực hiện tầm soát Covid-19 tại cộng đồng phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn |
Đồng thời xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các địa điểm có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mới, bến xe, siêu thị, các ổ dịch cũ, khu dân cư có điều kiện sống chật hẹp, môi trường dễ phát sinh dịch… và các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ như tài xế, người chạy xe ôm, bán hàng rong, vé số, shipper…
Về xét nghiệm tầm soát tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất, cơ quan, công sở, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo chuyển đến cơ sở y tế xét nghiệm 100% trường hợp có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng…
Ngoài ra, các đơn vị phải tự tổ chức xét nghiệm định kỳ cho người lao động theo công văn hướng dẫn ngày 30/9 của Bộ Y tế.
UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Công an thành phố đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Sở Y tế thực hiện công tác truy vết kịp thời ca bệnh.
“Công an TP và chính quyền địa phương khu vực phong tỏa cần tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, xử phạt trường hợp vi phạm, xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức người dân, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” tại các khu phong tỏa”, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo.
Hoài Thanh