Chứng khoán thực sự không dễ "ăn"
Tháng 9/2021, Vũ Minh Khánh (26 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được bạn bè rủ đầu tư chứng khoán. Sau khi cân nhắc và nhận thấy có thể kiếm được tiền, Khánh quyết định tham gia thị trường với số vốn ban đầu khoảng hơn 10 triệu đồng.
Khi mới chơi, Khánh chưa có nhiều kiến thức và phải dành thời gian cho công việc nên chỉ đầu tư vào nhóm ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, F0 chứng khoán này cũng mày mò tham gia vào các hội nhóm phím hàng trên mạng xã hội, tham khảo từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân để có thêm nguồn tin.
Thời gian đầu, dù chỉ số thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhưng Khánh lãi rất ít do không nắm bắt được xu hướng thị trường chung nên thường xuyên mua vào bán ra, thành ra "mất hàng ngon mà ăn được có mấy trăm nghìn đồng".
Sau dần rèn được kỷ luật giữ hàng lâu dài thì mọi thứ khả quan hơn, Khánh cũng may mắn khi "trúng" được một mã bất động sản tăng bốc nên có lãi được khoảng 80%. Tuy nhiên, do khối lượng cổ phiếu thấp nên lãi không đáng là bao.
Cùng thời điểm, nhiều nguồn tin nhận định sóng cổ phiếu bất động sản còn nhiều dư địa tăng trưởng, cộng với đà tâm lý của "người chiến thắng", Khánh quyết định rút toàn bộ khoản tiết kiệm sinh lời cao (do gửi người thân) ra để nạp vào tài khoản chứng khoán.
Con số đầu tư lúc này lên tới 63 triệu đồng, tương đương 60% khoản tiền tiết kiệm được trong 2 năm đi làm của Khánh. Số tiền còn lại bạn trẻ phân bổ sang các kênh đầu tư khác từ rủi ro cao như coin đến an toàn như vàng, gửi ngân hàng.
Dù rất ham nhưng Khánh tuyệt đối không vay tiền bố mẹ, người thân, bạn bè để rót thêm vào chứng khoán. "Nguồn tiền đầu tư đều tự bản thân mình làm ra, mình không vay để tránh những rủi ro nhạy cảm như tranh chấp hay mất lòng nhau sau này, nếu có biến cố gì xảy ra", Khánh chia sẻ.
Hiện tại, danh mục của bạn trẻ sinh năm 1997 đầu tư 80% vào cổ phiếu bất động sản và 20% vào cổ phiếu ngân hàng. Lý do Khánh vẫn giữ cổ phiếu ngân hàng không còn là vì tăng trưởng ổn định nữa, mà là chưa có lãi, "chứ cũng muốn thoát hàng lắm rồi".
Còn đối với cổ phiếu bất động sản, do tình cờ ăn theo sóng vào cuối năm 2021 khiến cổ phiếu nhóm ngành này tăng bằng lần nên với số tiền mới nạp thêm, Khánh đều đổ vào cổ đất.
"Mình nghe phân tích trên mạng về tình hình vĩ mô nên cũng tự tin vào xu hướng của ngành bất động sản trong năm nay", Khánh nói.
Càng ở lâu trong thị trường, Khánh phải thừa nhận việc sinh lời từ đầu tư thực tế không dễ, nhất là việc kiểm soát hành vi và tâm lý khi số tiền đầu tư lớn đối với cá nhân.
Khi cổ phiếu có lãi, nếu cảm thấy giá không lên được nữa hoặc để hạn chế rủi ro Khánh sẽ chốt non. F0 này nhận thấy giá mình bán ra luôn chỉ bằng khoảng 80% so với mục tiêu giá ban đầu đề ra.
"Gồng lãi khó hơn gồng lỗ, lúc cổ phiếu lãi to thì mình cứ nơm nớp lo sợ nó sập. Nhiều lúc táy máy suýt nữa thì bán mất hàng", Khánh chia sẻ.
Sau "tuần trăng mật" với cổ phiếu bất động sản, sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc và ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu FLC khiến Khánh đang từ lãi thành lỗ nặng. Có thời điểm, tài khoản của F0 này âm tới 30%. Số tiền mất đi là lớn so với khoản tiết kiệm được và ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chất lượng công việc của Khánh.
Giai đoạn cổ đất liên tục lao dốc mà vẫn còn giữ hàng, Khánh lo lắng mỗi khi thị trường bắt đầu vào phiên để rồi thất vọng. Đầu tư lỗ thì tâm lý sốt ruột, đâm ra muốn "về bờ" càng sớm càng tốt để thoát hàng, đầu tư mã khác. Nhưng lúc bán ra rồi thì mã đó bứt tốc, tăng mạnh, thế là nhà đầu tư chỉ biết nuối tiếc.
F0 này nghĩ giá như biết đầu tư sớm hơn, tiền rót vào thì tùy vào khả năng, có ít đầu tư ít và ngược lại, không ham.
Về việc tìm hiểu để tham gia thị trường chứng khoán, Khánh đánh giá khá dễ dàng, nhưng là với kiến thức cơ bản, còn kiến thức chuyên sâu hay kinh nghiệm đầu tư thì khó hơn. Khó nhất vẫn là luyện tâm lý đầu tư.
"Tìm hiểu cũng chỉ có giới hạn và nhiều hạn chế nếu không trực tiếp mắc sai lầm và thực chiến. Mình sai thì mới biết như thế nào là đúng. Sau mỗi bài học, tôi lại rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh dần", Khánh nói.
Đồng thời, F0 này thẳng thắn thừa nhận đã là đầu tư thì sẽ có FOMO như mã cổ phiếu được FOMO là đang chạy theo sóng, theo trend hay FOMO scam, lùa gà người chơi.
Ví dụ nhiều hội nhóm phím "mã này ngon lắm, xuống tiền đi", nhưng F0 chần chừ không đầu tư. Đến lúc cổ phiếu đó tăng mạnh thì tiếc, dần tạo thói quen nghe theo phím hàng của người khác. Thấy mã nào được phím là mua, nhưng mua rồi thì cuối cùng lại lỗ.
"Bài học nào thì cũng xuất phát từ kỷ luật của bản thân hết. Tìm hiểu dự án, thấy tốt thì đầu tư, đầu tư rồi thì phải tin, đặt target và stop loss rõ ràng để định hướng, đạt rồi thì out, không gồng gánh gì cả", Khánh rút ra bài học đầu tư từ chính bản thân mình.
"Cá mập" dạy cho F0 tỉnh ngộ
Giống như trường hợp của Khánh, sốt ruột vì khoản gửi ngân hàng sinh lãi quá chậm, Hoàng Linh (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) bắt đầu tìm kiếm những giải pháp đầu tư mang tính hiệu quả cao và cho sinh lời cao hơn. Thông qua người thân với những lời rủ rê "ăn gấp 3, gấp 4", Linh bắt đầu dấn thân vào đầu tư chứng khoán.
Thời điểm đầu, Linh bước vào thị trường bằng con số 0 tròn trĩnh và hoàn toàn mua bán dựa trên lời "phím" của một người em họ "khá uy tín và đã được kiểm chứng". Do chưa thực sự tin tưởng vào thị trường, Linh mới chỉ nạp vài triệu đồng và mua vài trăm cổ phiếu của một công ty thủy sản.
Vừa mới chơi, chứng khoán "đãi" Linh số lãi lên tới 57%, gấp chục lần so với tiền gửi ngân hàng một năm. Quá vui sướng, Linh tiếp tục nạp thêm để đầu tư và mua thêm một mã cổ phiếu khác, số tiền lúc này rơi vào khoảng 10-20 triệu đồng. Hai mã liên tục có những phiên chạm trần liên tiếp, điều này khiến Linh ngủ quên trên chiến thắng và bắt đầu mơ mộng.
Chứng khoán khi đó có vẻ như là thứ gì đó quá dễ dàng. "Gồng lãi" luôn là một sự tra tấn với bất cứ nhà đầu tư nào bởi lòng tham của con người luôn là vô đáy. Tuy nhiên, chính sự tham lam này khiến F0 này quyết định không chốt lời và phải trả giá.
Sau khoảng 1 tháng, đội "lái" bắt đầu rút và bán "xả hàng" trên thị trường. Từ mức lãi lớn, con số dần vơi hụt, sắc xanh ít dần và dần chuyển thành sắc đỏ trong tài khoản. Linh hoảng loạn và chán nản, cố gắng kê bán số cổ phiếu của mình càng sớm càng tốt nhưng bất thành và phải nhìn tiền của mình bốc hơi theo từng ngày.
Từ cú sốc đó, Linh cẩn trọng, tỉ mỉ hơn với bất kỳ quyết định khớp lệnh nào của bản thân. Chàng trai sinh năm 1998 này cũng bắt đầu nghiên cứu, phân tích và tìm hiểu thêm về thị trường, tìm hiểu thêm về bản chất, đặc điểm của chứng khoán để tránh khỏi những sai lầm như đã gặp phải.
Tương tự, sau khi thấy bạn bè báo lãi ầm ầm với chứng khoán, Phạm Huy, sinh năm 1998 ở Hà Nội đã rút hết số tiền tiết kiệm để lao vào cuộc chơi xanh, đỏ, tím, vàng. Huy vốn là sinh viên ngành truyền thông nên mọi kiến thức về chứng khoán, cổ phiếu với chàng trai như trang giấy trắng.
"Mình chỉ bỏ tiền vào thôi, còn việc mua cổ phiếu gì, chọn công ty chứng khoán nào đều do bạn mình phím hàng vì mình có biết gì đâu. Đến bây giờ, mã cổ phiếu đầu tiên mình mua, mình còn chẳng nhớ tên là gì, chỉ biết rằng, cổ phiếu đó chỉ giao dịch duy nhất vào ngày thứ 6", Huy nói.
Thời điểm đó, Huy bỏ ra 10 triệu đồng để mua cổ phiếu, sau 2 tháng, tài khoản của chàng trai này đã tăng lên 15 triệu đồng khiến người trong cuộc phấn khích. Không chần chừ, Huy rút thêm 90 triệu trong sổ tiết kiệm để gia nhập đường đua vì tin rằng may mắn sẽ lại đến.
Đúng là may mắn đã mỉm cười với chàng trai này thêm 3 lần khi Huy nhân đôi tài sản với 2 cổ phiếu bất động sản, một cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên đến lần thứ 4, Huy đã phải trả lại tất cả những gì không thuộc về mình và nhận về cái kết cay đắng.
"Cuối năm 2021, mình bắt đầu tất tay nhiều cổ phiếu. Lúc đó ngoài nghe phím hàng, mình còn tự mua. Có thời điểm, tài khoản của mình lãi 40 triệu đồng nhờ một cổ phiếu ngành xây dựng và một cổ phiếu ngành bất động sản", Huy nói.
Tuy nhiên, khi cổ phiếu công ty lên đỉnh, Huy đáng lẽ phải cười nhưng cuối cùng lại khóc vì bị "kẹp hàng". Mức lãi từ 40 triệu đồng nhanh chóng tụt về mốc 3 triệu đồng, thậm chí là âm vốn vì có thời điểm Huy mua thêm lượng lớn cổ phiếu với ở bước giá cao.
"Mình đã chết lâm sàng với một cổ phiếu ngành xây dựng. Lúc đầu, mình mua vào giá 13.000 đồng rồi bán ra 16.000 đồng. Sau đó, mình tiếp tục mua vào ở giá 18.000 đồng và quyết không bán nữa để đợi giá cao hơn. Tuy nhiên, khi ở vùng giá 23.000 đồng/cổ phiếu mình đã bị kẹp hàng và rơi vào tình thế dở khóc dở cười vì lỗ chỏng vó", Huy nhớ lại.
Kể từ đó, chàng trai sinh năm 1998 quyết định đóng tài khoản và đi học thêm kiến thức để không trở thành con "cừu non" bị "luộc" trên thị trường chứng khoán.
F0 cần làm gì để không trở thành "cừu non"
Chia sẻ với Dân trí, anh K.H, trưởng phòng môi giới của một công ty chứng khoán ở Hà Nội, cho biết, sai lầm lớn nhất của các nhà đầu tư mới hay còn gọi là F0 là không trả lời được câu hỏi "Động lực nào khiến cổ phiếu tăng giá, nguyên nhân nào khiến cổ phiếu giảm giá". Thậm chí, những nhà đầu tư lâu năm trên thị trường không trả lời được 2 câu hỏi trên thì cũng giống như F0.
Theo anh H., trước khi gia nhập thị trường chứng khoán, người chơi phải biết chế ngự cảm xúc, tránh a dua và chạy theo đám đông. Nếu làm được việc này, người chơi sẽ làm chủ được cuộc chơi và loại bỏ trường phái "nghe phím, nghe chỉ điểm".
"Các F0 sẽ khôn lên nhiều khi bị cá mập đánh cho tơi tả. Những bài học xương máu sẽ giúp người chơi tỉnh ngộ, kiềm chế cảm xúc khi thấy người khác lãi to quá, thắng nhiều quá mà sốt ruột đầu tư theo mà không có chính kiến, hiểu biết", anh nói.
Thậm chí, anh H. còn thừa nhận trước khi trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, ai cũng từng là F0 và mắc sai lầm. Do đó, việc nghe lại, học lại những kinh nghiệm từ người đi trước chính là cách "giảm đau" hiệu quả.
"Học kinh nghiệm thành công sẽ khó hơn là học kinh nghiệm thất bại từ người khác. Tôi cũng vậy, 20 năm trước, tôi từng là F0, từng đầu tư vào đâu là thất bại ở đó vì tôi không biết chọn cổ phiếu tốt hay thời điểm bán ra và mua vào sai, thậm chí là chọn môi giới sai. Nhưng nếu bạn chọn được người dẫn đường chuẩn thì sẽ đi nhanh hơn", anh chia sẻ.
Do đó, trước khi đầu tư, người chơi cần tìm hiểu về thị trường, công ty, ban lãnh đạo công ty, tiềm năng của ngành thật kỹ. Càng xem kỹ, người đầu tư sẽ loại bỏ thêm được những yếu tố rủi ro.
"Mọi người thường khuyên bỏ trứng vào nhiều giỏ nhưng tôi lại khuyên các bạn F0 nên bỏ trứng vào một vài giỏ. Vì khi bạn chưa vững, kiến thức chưa đủ thì việc phân bổ danh mục không chuẩn là có thể mắc sai lầm. Thay vì dàn trải, bạn chỉ nên ưu tiên 2 - 3 cổ phiếu để có thời gian nghiền ngẫm, quan sát. Khi bạn đã thông thạo thì có thể nâng dần danh mục", anh H. nói.
Đồng thời, anh H. cũng cho rằng, xu hướng đầu tư dài hạn hay lướt sóng đều tốt nếu mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, anh vẫn khuyên người chơi, đặc biệt là các F0 nên đi theo hướng đầu tư dài hạn, chuyên nghiệp vì thị trường chứng khoán là nơi hội tụ đủ các tiểu xảo và chiêu trò.
(Theo Dân trí)
Sau một năm đầu tư chứng khoán, tôi quyết định 'rời cuộc chơi', quay về gửi tiết kiệm ngân hàng
"Khả năng kiếm lời từ chứng khoán rất cao, nhưng có lẽ không dành cho tất cả mọi người, tôi là một trong số đó", một nhà đầu tư F0 ngậm ngùi tâm sự khi chứng kiến phiên giảm sốc vừa qua.