- Nếu các chi phí đầu vào không đúng, chưa hợp lý, hợp lệ, lại do EVN tự quyết định thì sẽ dẫn tới giá thành không thực và nếu vậy, người tiêu dùng sẽ bị thua thiệt.

Công khai vẫn còn nhiều điểm trống

Chia sẻ tại hội thảo về "Cơ sở khoa học tính giá điện" do Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm 16/10, TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam khẳng định, vẫn còn nhiều điểm ở giá thành điện chưa được minh bạch.  Những hoài nghi về giá điện thường được đổ lỗi cho Tập đoàn điện lực Việt Nam còn độc quyền. Nhưng gốc rễ lại xuất phát từ chính việc các cơ quan quản lý vẫn chưa thực sự công khai giá thành với đầy đủ các yếu tố đầu vào của ngành điện.

{keywords}

Ông Lâm dẫn giải, hiện nay, theo Luật Giá và Luật điện lực, giá điện bao gồm 6 loại giá "ăn" theo các khâu như giá phát điện, giá bán buôn, giá truyền tải, giá phân phối bán lẻ, giá dịch vụ phụ trợ và giá vận hành hệ thống điện. Ngoài ra, giá điện đến người tiêu dùng còn phải chịu thêm 2 khoản phí là phí điều độ và phí vận hành thị trường điện.

Trong 6 loại giá trên, ngoài giá tuyền tải thì giá ở các khâu sản xuất kinh doanh điện đều phải tính theo 7-9 yếu tố như khấu hao, nguyên nhiên vật liệu, lương, thưởng, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền, chi phí tài chính như lãi vay, chênh lệch tỷ giá, chi phí phát triển khách hàng...

Tuy nhiên, chỉ có khấu hao và định mức lương là Nhà nước quy định, còn lại, các chi phí đều do EVN với tư các bên sản xuất, bên cung tự quyết định và toàn bộ các chi phí này, người dân không được biết.

Ông nhấn mạnh: "Bộ Công Thương đã có họp báo công bố giá thành, nêu rõ lãi lỗ từng khâu, giá cụ thể từng khâu nhưng điều đó là chưa đủ. Bởi, điều quan trọng nhất ở đây là phải công khai đầu vào để tính toán chi phí."

"Nếu các chi phí đầu vào không đúng, chưa hợp lý, hợp lệ, lại do EVN tự quyết định thì sẽ dẫn tới giá thành không thực và nếu vậy, người tiêu dùng sẽ bị thua thiệt", TS Lâm chia sẻ.

GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam thẳng thắn: "Giá thành điện tuy có công bố nhưng vẫn chưa công khai đủ".

Theo ông, cơ sở hình thành giá điện bao gồm 2 khoản mục cơ bản là chi phí cố định và chi phí vận hành. Trong đó, chi phí cố định, đặc biệt là chi phí xây dựng các công trình điện chiếm tới 80%, tác động lớn tới giá thành thì hiện chưa hề công bố rõ. Bộ Công Thương họp báo công bố giá thành điện thực ra mới chỉ nói phần ngọn.

"Một công trình thuỷ điện như thuỷ điện Sông Đà thì chi phí xây dựng lên tới 75%. Nếu tính khấu hao cả vào giá điện ngay thì sẽ rất cao. Trong khi các nước tính khấu hao thuỷ điện là 100-120 năm thì ở ngành điện, khấu hao nhiều công trình chỉ tính có 30 năm, rất ngắn", GS Hồng nói.

"Ngành điện sẽ phải giải trình rõ chi phí khấu hao này. Nếu thuỷ điện Sơn La mà khấu hao 30 năm vào giá điện thì chắc chắc, giá điện sẽ rất cao", GS Hồng đề nghị.

Nhiều chi phí đẩy giá điện tăng cao

Theo TS Ngô Đức Lâm, với thực trạng ngành điện hiện nay thì có rất nhiều điểm bất hợp lý khiến giá thành điện tăng cao.

{keywords}

Chẳng hạn, trong giá phát điện, một yếu tố ảnh hưởng 70% giá bán lẻ điện, các khoản chi phí tiêu hao nhiên liệu, vận hành sửa chữa, lượng điện tự dùng... đều cao hơn quy định.

Theo quan sát của ông, mức tiêu hao nhiên liệu trong các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam tới 560-700g/kWh trong khi các  nước trên thế giới là 380g/kWh. Những nhà máy mới đưa vào vận hành cũng có mức tiêu hao nhiên liệu cao hơn mức của thế giới, tới 450g/kWh. Điện tự dùng của ngành điện cũng khá lớn, nằm trong dải từ 8,32% - 12,82%. Nguyên nhân là bởi hiệu suất nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đã giảm quá nhanh.

Yếu tố tiền lương, thể hiện năng suất lao động ở ngành điện hiện cũng chưa rõ ràng.

Theo ông Lâm, số lượng người được tính vào giá điện trên 1 kWh là rất lớn. Ngoài số người lao động trực tiếp, các loại lao động gián tiếp rất lớn từ tập đoàn đến các trung tâm phân phối, bán lẻ, truyền tải ... đều được tính vào giá thành và thậm chí, còn có cả số người không trực tiếp như công đoàn, thanh niên, dân quân tự vệ, bảo vệ cũng được tính vào giá thành.

Ông Lâm còn cho biết, một nguyên nhân khác là tổn thất truyền tải trên hệ thống điện cũng còn rất lớn. Ví dụ, năm 2013, Thủ tướng yêu cầu tổn thất là 8% thì năm đó, tổn thất thực tế tăng lên 8,8%, đến năm 2014 là 9%. Trong khi đó, nếu tính tăng thêm 1% tổn thất tức sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh.

Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/1kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, mà nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này.

Đặc biệt, cho đến nay, các khoản phí như phí điều độ, phí vận hành thị trường điện lực vẫn chưa được công bố rõ.

Chính vì  những điểm còn chưa rõ ràng cụ thể như vậy nên TS Lâm đánh giá, 3 phương án thay đổi cơ cấu biểu giá điện vừa được công bố lấy ý kiến vẫn chưa đủ căn cứ khoa học đối với người làm chính sách, còn quá đơn giản. Trước mắt, ông Lâm đề nghị cứ giữ cơ cấu giá điện như hiện nay và nếu thay đổi, các phương án phải do Bộ Công Thương nghiên cứu. EVN phải có chuyên đề nghiên cứu riêng về tính minh bạch các yếu tố đầu vào giá điện.

Phạm Huyền