Nhiều phong trào thi đua sôi nổi

Thời gian qua, EVN đã phát động và phối hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi với các hình thức phong phú, đa dạng như: “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, “Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu”, “Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện”, “Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn”, “Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử”… trong khối các Tổng công ty Điện lực;  hay các phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu”, “Cải tạo và nâng cấp lưới truyền tải”…

Đặc biệt, phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh trong tập đoàn và các đơn vị, là những điểm sáng mới, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ có ảnh hưởng lớn tới việc lựa chọn công nghệ trong quá trình đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tập đoàn đã đầu tư lưới điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua các dự án vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế WB, ADB, KfW, JICA và từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Theo đó EVN đã cấp điện cho các hộ dân chưa có điện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa của các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.

Đại diện EVN cho biết, công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi được chú trọng, đặc biệt là các khu vực chưa có điện. Bên cạnh nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, EVN đã chủ động thu xếp các nguồn vốn để đầu tư cấp điện cho hơn 19.700 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Nam...

Tháng 7/2018, tập đoàn đã đưa điện lưới đến 2 xã cuối cùng chưa có điện trên cả nước (xã Ch’ơm và Tr’Hy huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). 

{keywords}
 

Động lực hoàn thành các nhiệm vụ

Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam đạt 59.210 MW, trong đó công suất nguồn điện do Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Phát điện sở hữu, chi phối là 29.970 MW (chiếm 50,6% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống). Hoạt động điều hành hệ thống điện đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế.

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm đạt 9,0%/năm. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người của Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 2.250 kWh/người, gấp gần 1,44 lần so với năm 2015.

Đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện cơ bản bám sát tiến độ, hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng; hạ tầng điện lực được củng cố, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu điện cả nước. Về nguồn điện, tập đoàn đã đưa vào vận hành 11 dự án với tổng công suất 6.093 MW, trong đó có nhiều dự án vượt tiến độ; khởi công 5 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.380 MW.

Bên cạnh đó, tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành các dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 240 MWp; hỗ trợ và phối hợp với các nhà đầu tư đưa vào vận hành gần 100 nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất trên 5.000 MW để bổ sung nguồn cấp điện quốc gia.

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Sau 4 năm, giai đoạn 2016-2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 81 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam. 

{keywords}

 

Đại diện EVN chia sẻ, bước vào giai đoạn 2016 - 2020, trước những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính, Tập đoàn đã xây dựng đề án và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, góp phần giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn có lãi, nâng cao năng lực tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ Nhà nước, giá trị nộp Ngân sách tăng qua các năm, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức trước 1 - 2 năm so với kế hoạch 5 năm Chính phủ giao.

Đại diện EVN nhấn mạnh, phát huy những kết quả đã đạt được, với truyền thống 66 năm của ngành Điện cách mạng Việt Nam, tập đoàn tiếp tục đoàn kết, phấn đấu đẩy mạnh các phong trào thi đua trong giai đoạn 2020 - 2025 để xây dựng thành tập đoàn kinh tế mạnh, sản xuất kinh doanh hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới, phát triển có trình độ công nghệ, quản trị hiện đại, chuyên môn hoá cao; đảm bảo cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

H.Nam