Thông tin trên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề cập tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 được tổ chức ngày 6/1.

Trước đây, EVN đã được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại các văn bản số 460/TTg-KTN ngày 18/3/2010 và 7276/VPCP-KTN ngày 17/10/2011.

Nay, Quốc hội đã đồng ý tái khởi động các dự án điện hạt nhân, do đó EVN đề nghị tiếp tục được giao làm chủ đầu tư các dự án này.

điện hạt nhân
Điện hạt nhân Ninh Thuận được tái khởi động. Ảnh minh hoạ

Về kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của EVN năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, nhờ tăng giá điện vào tháng 10/2024, EVN đã cân đối được tài chính sau 2 năm thua lỗ liên tiếp.

Tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng. Trong đó doanh thu Công ty mẹ - EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2023.

Đề cập đến nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện năm 2025, EVN đề ra mục tiêu tuyệt đối không để thiếu điện, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu và thiếu hụt nước các hồ thủy điện. EVN cũng tính toán, chuẩn bị các kịch bản phục vụ nhu cầu điện cho mức tăng trưởng GDP 8%, thậm chí hai con số. 

"Nếu vậy cung ứng điện phải tăng trưởng phụ tải phải đạt khoảng 15%", ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, EVN sẽ phải đẩy mạnh đầu tư đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng phải đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị của EVN và các đơn vị

"Đây là điều bắt buộc phải làm. Không khí chính trị của cả đất nước đang vào cuộc để tinh gọn bộ máy, không loại trừ EVN. Theo chỉ đạo mới nhất, đến 28/2 EVN phải xây dựng xong đề án này để xem xét thông qua", lãnh đạo EVN cho biết.