EVFTA tạo thuận lợi cho đầu tư từ EU vào Việt Nam
Theo lộ trình thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu từ EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Mức thuế tiếp tục giảm, đặc biệt giảm mạnh từ sau năm thứ 3 trở đi. Từ năm 2022 đến năm 2027, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt sẽ giảm từ 10,2% xuống còn khoảng 1%.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: EVFTA có một Chương liên quan đến ưu đãi đầu tư, liên quan đến xúc tiến đầu tư hai bên tạo thuận lợi cho đầu tư từ EU vào Việt Nam. Tuy nhiên đầu tư từ EU vào Việt Nam vẫn chỉ là tiềm năng.
"Tại sao tôi nói như vậy?", ông Toàn giải thích, "Bởi vì chúng ta nhìn vào EU thấy có rất nhiều các nước lớn đầu tư ra nước ngoài, ví dụ như Đức bình quân đầu tư ra nước ngoài một năm khoảng 60 tỷ USD, Pháp khoảng 30 tỷ USD. Thế nhưng chúng ta nếu nhìn vào số lượng của vốn đăng ký và vốn thực hiện của các nước EU vào Việt Nam hiện nay thì lại thấy Hà Lan đang đứng đầu, Hà Lan chiếm khoảng gần nửa số vốn đầu tư vào Việt Nam mà Hà Lan là nước rất bé. Trong khi đó họ đầu tư vào Việt Nam rất nhiều và phải chăng những doanh nghiệp Hà Lan phù hợp hơn với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Còn những doanh nghiệp như Pháp, Đức, Thụy Điển có vẻ như môi trường đầu tư của Việt Nam chưa phù hợp với họ?
Nhưng gần đây, ông Toàn cũng thấy nổi lên sự thay đổi. Ví dụ như Đức, những năm trước họ đầu tư vào Việt Nam khoảng hơn 100 triệu USD, quá ít so với 60 tỷ USD họ đầu tư ra thế giới. Nhưng có một điểm sáng là 9 tháng năm 2023 thì Đức đã đầu tư vào Việt Nam hơn 200 triệu USD. Cuối năm ngoái cũng có một dự án rất lớn của Đan Mạch đầu tư vào Bình Dương với hơn 1 tỷ USD.
"Đấy là những điểm sáng mà chúng ta cần phát huy", ông Toàn chia sẻ, "Vấn đề còn lại quả bóng trong chân chúng ta, chúng ta chuẩn bị như thế nào để đón tiếp họ, chuẩn bị môi trường đầu tư thế nào, chuẩn bị về doanh nghiệp như thế nào, chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào…".
Cần hiểu về doanh nghiệp châu Âu
Ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC chia sẻ: Chúng ta đều biết rằng EU là một thị trường vốn và công nghệ, nhưng EU khác với các nhà đầu tư ở các nước khác, tức là họ nghiên cứu rất kỹ một vấn đề thì họ mới quyết định đầu tư. Họ nghiên cứu đường vào và nghiên cứu xem làm gì có hiệu quả, đầu ra như thế nào.
"Còn các nước ở Đông Nam Á lo đầu vào trước đã xong rồi hoạt động và mới lo đầu ra. Đấy là một đặc điểm mà chúng ta làm kinh tế chúng ta phải hiểu cách suy nghĩ của những nhà đầu tư của các nước khác nhau", ông Tự nói.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group nhận định: Hiệp định thương mại tự do với châu Âu tạo ra rất nhiều cú hích. Chúng ta đánh giá các doanh nghiệp của châu Âu sẽ đầu tư Việt Nam nhưng không hẳn là như vậy. Chúng ta phải đánh giá cả những doanh nghiệp ngoài châu Âu.
"Khi có hiệp định này thì các doanh nghiệp ngoài châu Âu đầu tư vào Việt Nam tận dụng thuế để xuất khẩu sản phẩm từ Việt Nam sang châu Âu. Hơn nữa, có rất nhiều các nhà máy cà phê được mở ra không phải chỉ có DN châu Âu đầu tư mà là các doanh nghiệp ở các khu vực khác như Mỹ hay châu Á đầu tư vào Việt Nam...", ông Thông liệt kê.
Theo quan sát của ông Thông, trong vòng ba năm qua có một số DN đã đến Việt Nam mở các nhà máy. Đó cũng là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh rất nhiều trong cùng một mặt hàng như vậy.
"Tuy nhiên phải nói rằng rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đã nhập hàng qua chế biến từ Việt Nam để xuất sang châu Âu, bởi vì họ tận dụng lợi thế về giảm thuế từ mức 30% xuống 5%. Đây là một mức thuế rất tuyệt vời đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ở châu Âu", ông Thông đánh giá.