Theo quy định an toàn mới được Liên minh châu Âu (EU) thông qua, tất cả những mẫu phương tiện mới sẽ phải trang bị hệ thống “hỗ trợ tốc độ thông minh”.

{keywords}
Phương tiện di chuyển trên đường cao tốc ở Munich, Đức. Ảnh: EPA

Quy định của EU không yêu cầu cụ thể công nghệ được sử dụng cho hệ thống này. Tài xế vẫn có thể vô hiệu hóa tạm thời hệ thống.

Hiện nay, một vài nhà sản xuất đã phát triển công nghệ sử dụng định vị GPS và camera để xác định giới hạn tốc độ tùy vào đoạn đường và đảm bảo rằng các phương tiện tuân theo giới hạn này.

CNN dẫn một tuyên bố gần đây của Ủy viên Hội đồng Châu Âu Elżbieta Bieńkowska cho biết, mỗi năm ở châu Âu có 25.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, với phần lớn các vụ do lỗi của con người.

“Khi những tính năng an toàn mới, ưu việt trở thành bắt buộc, chúng ta có thể sẽ tạo ra thay đổi mạnh mẽ giống như như khi triển khai dây đai an toàn”, bà Bieńkowska tuyên bố.

Quy định mới cũng bắt buộc các phương tiện phải có hệ thống ghi lại dữ liệu va chạm và camera lùi. Ngoài các ý kiến tán dương vì nâng cao an toàn, trong dư luận cũng có những lo ngại về khả năng tài xế sẽ trở nên phụ thuộc và ít tập trung vào điều kiện đường sá hơn.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Châu Âu cũng quan ngại về công nghệ này. Năm ngoái, hiệp hội từng cảnh báo về những “vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng đang gây trở ngại cho việc ứng dụng rộng rãi công nghệ hạn chế tốc độ.”

Cảnh báo này cho rằng các biển báo giao thông ở châu Âu không thuộc cùng một tiêu chuẩn, gây khó khăn cho việc nhận biết giới hạn tốc độ. Các bản đồ điện tử còn thiếu dữ liệu về giới hạn tốc độ ở nhiều tuyến đường, và dữ liệu thì không phải lúc nào cũng được cập nhật.

“Đó là lí do tại sao hệ thống hỗ trợ tốc độ thông minh nên được đưa vào các phương tiện một cách từ từ để cho phép chúng ta có đủ thời gian nâng cấp cơ sở hạ tầng”, trích khuyến cáo của hiệp hội hồi tháng 12/2018.

Hệ thống hỗ trợ tốc độ thông minh không tự động phanh xe khi phương tiện đang di chuyển quá tốc độ. Thay vào đó, chúng giới hạn năng lượng của động cơ để giữ cho phương tiện đi dưới giới hạn tốc độ, trừ khi nó bị tài xế vô hiệu hóa.

Tuy nhiên, một vài nhà sản xuất ôtô ở Châu Âu lại nhìn thấy những lợi thế từ việc giới hạn tốc độ. Đầu tháng này, Volvo thông báo sẽ không cho phép phương tiện của họ đi quá 180 km/h.  

Hãng này cũng cho biết đang xem xét các công nghệ buộc các phương tiện phải tuân thủ giới hạn tốc độ một cách nghiêm khắc hơn khi đi gần trường học và bệnh viện.

“Chúng tôi muốn mở ra một cuộc đối thoại về việc liệu các hãng xe hơi có quyền hay thậm chí là nghĩa vụ phải cài đặt vào phương tiện các công nghệ có thể làm thay đổi hành vi của người lái xe hay không”, giám đốc điều hành của Volvo, ông Håkan Samuelsson nói

Quy định mới của EU hiện cần các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn. 

Jen Nguyen