Vào năm ngoái, Google thông báo sẽ mua lại Fitbit với giá 2,1 tỉ USD và hy vọng hoàn thành thỏa thuận vào năm nay. Nhưng do những lo ngại về lượng thông tin cá nhân mà Google có thể khai thác từ các sản phẩm của người dùng Fitbit, bao gồm nhịp tim, hoạt động thể thao và giờ ngủ mà thương vụ này sẽ phải hoãn lại.

Theo Financial Times, cơ quan quản lí của EU đã gửi 60 trang khảo sát cho các đối thủ của Google và Fitbit nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của thương vụ này tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. EU đang xem xét liệu thương vụ có ảnh hưởng tới các ứng dụng theo dõi sức khỏe trên Google Play và liệu Google có thể sử dụng thông tin của người dùng để hỗ trợ công cụ tìm kiếm và quảng cáo.

{keywords}
EU xem xét thương vụ Google mua Fitbit giá 2,1 tỉ USD

Cơ quan quản lí của EU đã đặt hạn chót tới ngày 20/7 để đưa ra quyết định tiếp theo về thỏa thuận của Google. Cơ quan quản lý có thể chọn đồng ý với thỏa thuận này, hoặc đòi hỏi sự nhượng bộ từ phía Google (ví dụ về vấn đề quản lí thông tin người dùng), hoặc mở một cuộc điều tra 4 tháng để xem xét mọi khía cạnh. Tờ Financial Times cho rằng dựa trên bảng khảo sát cho các đối thủ của hai tập đoàn, một cuộc điều tra mở rộng có thể đang được chuẩn bị tiến hành.

Phía châu Âu có vẻ không phải là bên duy nhất lo ngại về thương vụ này. Vào tháng trước, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng của Úc (ACCC) cũng đã thể hiện sự lo ngại. “Mua lại Fitbit có thể giúp Google xây dựng một cơ sở dữ liệu người dùng toàn diện hơn, từ đó củng cố vị trí của mình và tăng độ cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng,” trích lời chủ tịch của ACCC, ông Rod Sims.

Lo ngại từ phía các cơ quan quản lí cũng tương tự với các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tuần vừa rồi, 20 nhóm người tiêu dùng đến từ Mỹ, châu Âu, Mexico, Canada và Brazil đã gửi đến các nhà quản lí quan ngại về thương vụ này là một thử nghiệm cho việc độc quyền dữ liệu trong tương lai.

"Google có thể lợi dụng những thông tin đáng giá về sức khỏe và địa điểm của Fitbit để củng cố vị trí vốn đã dẫn đầu trên các thị trường điện tử, ví dụ như quảng cáo,” dẫn lời các tổ chức này, theo một báo cáo của CNET. “Google cũng có thể sử dụng dữ liệu của Fitbit để có lợi thế trong việc cạnh tranh ở lĩnh vực sức khỏe điện tử, loại bỏ khả năng cạnh tranh của các đối thủ".

Google đã đưa ra một số nhượng bộ nhằm giảm bớt các mối lo ngại, nói rằng “Các dữ liệu sức khỏe của Fitbit sẽ không được sử dụng cho quảng cáo.” Phản ứng trước những lá thư của các tổ chức người tiêu dùng, Google nói rằng thương vụ này “tập trung vào thiết bị, không phải dữ liệu,”, đồng thời cho rằng thị trường đồng hồ thông minh vốn đã “rất đông” và việc mua lại Fitbit chỉ tăng thêm sự cạnh tranh.

Theo Fortune, lập luận này của Google sẽ ngăn cản khả năng các nhà quản lí chống độc quyền dừng thỏa thuận này, bởi cả Google và Fitbit đều không có đủ thị phần để độc chiếm thị trường này.

Theo dữ liệu của IDC, Fitbit chiếm ít hơn 5% thị trường thiết bị đo thông minh vào năm 2019. Trong khi đó Apple đứng đầu với 32%. Hai tập đoàn lớn khác là Xiaomi và Samsung chiếm lần lượt 12 và 9%; trong đó không hãng nào sử dụng phần mềm của Google cho sản phẩm của mình.

Mặc dù vậy, những lo ngại về thông tin mà Google có thể khai thác vẫn gia tăng, bởi hãng này hiện đang điều hành 90% thị trường quảng cáo trực tuyến. Đây là một lĩnh vực nhạy cảm của Google trong thời điểm hiện tại, bởi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đang trong quá trình hoàn thành điều tra cáo buộc độc quyền quảng cáo của hãng.

Tuấn Vũ (Theo TheVerge)

Google, Apple gỡ ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm lưu hành

Google, Apple gỡ ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm lưu hành

Bộ Công nghệ Ấn Độ tuyên bố các ứng dụng như TikTok, WeChat của Trung Quốc có thể gây tổn hại tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Ấn Độ.