Tối 17/4, Ihor Zhovkva, Phó chánh văn phòng của tổng thống Ukraine thông báo trên truyền hình quốc gia rằng, Kiev đã hoàn tất bảng câu hỏi khảo sát xin gia nhập EU, bước đầu tiên để liên minh quyết định về việc tiếp nhận nước này làm thành viên. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã trao bảng câu hỏi khảo sát cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến công du của bà tới Kiev ngày 8/4, đồng thời cam kết về sự khởi đầu nhanh hơn cho nỗ lực gia nhập EU của Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự vào nước này hồi cuối tháng 2. 

Ông Zhovkva cho biết, EC hiện sẽ cần đưa ra khuyến nghị về việc Ukraine có đáp ứng những tiêu chuẩn về tư cách thành viên EU hay không. Giới chức Ukraine kỳ vọng sẽ đạt được tư cách "nước ứng viên gia nhập" liên minh vào tháng 6 sắp tới, trong cuộc họp thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 24/6.

Tuy nhiên, theo BBC, quá trình để một quốc gia được kết nạp vào EU không thể diễn ra nhanh chóng, bất chấp ý nguyện và hoàn cảnh mang tính khẩn cấp như trường hợp Ukraine hiện nay. Quá trình đó theo thông lệ đòi hỏi các cột mốc cần hoàn tất, có kiểm chứng và nếu cần, các bên sẽ phải tổ chức tái đàm phán về các tiêu chuẩn.

Trang tin ukandeu.uk thống kê, thời gian đàm phán đối với các quốc gia mới gia nhập EU gần đây nhất như Bulgaria và Romania là 7 năm. Trước khi Ukraine nộp đơn, có 6 quốc gia đang cố gắng gia nhập liên minh, trong đó Bosnia & Herzegovina đã bị từ chối vì không đáp ứng được các tiêu chí thành viên. Albania và Bắc Macedonia được chấp nhận đơn đăng ký nhưng đàm phán chưa đạt kết quả. Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro và Serbia lần lượt xúc tiến đàm phán từ năm 2005, 2012 và 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận vào chính thức.

Nếu EU nhanh chóng kết nạp Ukraine, điều đó có thể khiến những quốc gia khác bất bình. 

Hơn thế nữa, nội bộ EU cũng đang chia rẽ về việc có nên xúc tiến thủ tục đặc biệt nhanh để kết nạp Ukraine hay buộc nước này phải trải qua quy trình thủ tục bình thường. Các nước Đông Âu là thành viên liên minh như Ba Lan, CH Séc và những nước vùng Baltic từng thuộc Liên Xô (Lithuania, Estonia và Latvia) muốn EU tăng tốc nhận Ukraine, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử mở rộng của khối. Dẫu vậy, các nước thành viên ở Tây Âu như Đức và Hà Lan phản đối việc này, vì muốn EC thẩm tra kỹ các điều kiện và sự sẵn sàng của Ukraine.

Với dân số 44 triệu người, nếu được kết nạp vào EU, Ukraine sẽ là nước thành viên đông dân nhất ở Đông Âu, hơn cả Ba Lan với 38 triệu dân, trong khi mức thu nhập bình quân của Ukraine chỉ là 3.727 USD/người, thấp hơn rất nhiều so với các nước vùng Baltic và Đông Âu cũ. Theo Bloomberg, GDP của nước này cũng chưa bằng một nửa của quốc gia có GDP thấp nhất EU là Bulgaria.

Trong các nước Đông Âu cũ, những quốc gia vào EU sớm nhất, cùng đợt năm 2004 (gồm Ba Lan, CH Séc, Hungary và Slovenia) đều đã xúc tiến cải tổ kinh tế theo định hướng thị trường trước năm 1991. Kể từ khi bắt đầu đàm phán để gia nhập EU vào năm 1998, những nước này mất tới 4 năm, đến năm 2002 mới hoàn tất thủ tục và còn phải trải qua thêm 2 năm "thử thách" trước khi chính thức được kết nạp.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước đã bác bỏ đề xuất đẩy nhanh thủ tục nhận Ukraine vào EU, đồng thời nhấn mạnh đến việc liên minh duy trì quy trình kết nạp như trước đây. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte không phản đối việc tăng tốc các thủ tục nhận Ukraine vào liên minh, nhưng nói "sẽ mất nhiều tháng, thậm chí có thể nhiều năm để đạt được điều gì đó".

Cây bút bình luận Rachel Treisman của hãng thông tấn NPR đánh giá, EU nhìn chung hoan nghênh Ukraine gia nhập khối, nhưng sẽ không đẩy nhanh quá trình kết nạp nước này, dù các lãnh đạo và người dân liên minh đang dành nhiều sự ủng hộ hơn cho Kiev kể từ khi chiến sự bùng nổ. Thực tế, trước cuộc chiến, ngoài chênh lệch mức sống, ở đất nước này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, kể cả tình trạng tham nhũng bị xếp vào dạng nghiêm trọng nhất châu Âu, bất công xã hội sâu sắc, sự thao túng của các nhà tài phiệt, ... 

Theo giới quan sát, khi cân nhắc việc kết nạp Ukraine, các nước EU cũng sẽ phải xem xét mối quan hệ giữa họ với Nga và giữa Kiev với Moscow. Từ năm 2013, các lãnh đạo Ukraine đã quyết định chuyển hướng ngoại giao về phía Tây và bày tỏ mong muốn được gia nhập các tổ chức quốc tế ngoài phạm vi ảnh hưởng của Nga như EU hay tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp việc Moscow cực lực phản đối và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả hành động bị họ coi là "đe dọa an ninh quốc gia của Nga".

Nhiều nước EU như Đức và Hà Lan hiện lo ngại, nếu EU kết nạp Ukraine trong khi chiến sự với Nga vẫn tiếp diễn, liên minh sẽ trở thành bên xung đột với Nga như quy định trong điều khoản phòng thủ chung của Hiệp ước Lisbon. Đây là điều EU vẫn cố tránh. 

Một số nhà phân tích nhận định, các hứa hẹn về khởi đầu nhanh chóng hơn cho Ukraine trong tiến trình đệ đơn gia nhập EU là hành động "mang tính biểu tượng" nhiều hơn.

Các nước EU ở Tây Âu không muốn liên minh bị lôi kéo vào tham chiến trực tiếp, mà thay vào đó muốn tập trung viện trợ nhân đạo, tài chính và vũ khí để Kiev tự ứng phó với các lực lượng Nga và chấm dứt xung đột để tái thiết và cải tổ đất nước, trước khi liên minh xem xét kết nạp Ukraine. Khi nào cuộc chiến kết thúc tuy vậy vẫn là một câu hỏi lớn.

Tuấn Anh