Luật toàn diện đầu tiên trên thế giới để điều chỉnh AI đã được thống nhất trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt sau cuộc đàm phán kéo dài 37 giờ giữa Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU.
Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách bộ luật này, mô tả thỏa thuận là “lịch sử”. Luật sẽ chi phối phương tiện truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm, bao gồm những “gã khổng lồ” như X, TikTok và Google.
Breton cho biết 100 người đã ở trong căn phòng gần ba ngày nhằm ký kết thỏa thuận. Ông nói rằng "đáng để hy sinh vài giờ ngủ" để thực hiện thỏa thuận "lịch sử".
Carme Artigas, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha về AI, người tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, nói Pháp và Đức ủng hộ luật, trong bối cảnh có báo cáo rằng các công ty công nghệ ở những quốc gia đó đang đấu tranh cho một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn nhằm thúc đẩy sự đổi mới giữa các công ty nhỏ.
Thỏa thuận đưa EU vượt lên trên các khu vực khác trong cuộc đua quản lý AI và bảo vệ công chúng trước những rủi ro bao gồm mối đe dọa tiềm tàng đến cuộc sống.
Các quan chức cung cấp rất ít chi tiết về chính xác những gì đưa vào luật cuối cùng. Luật dự kiến có hiệu lực sớm nhất từ năm 2025.
Thỏa thuận chính trị giữa Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU về luật mới để điều chỉnh AI là một trận chiến khó khăn, với các cuộc đụng độ về các mô hình nền tảng được thiết kế cho các mục đích chung hơn là cụ thể.
Ngoài ra, còn có cuộc đàm phán kéo dài về việc cảnh sát, người sử dụng lao động hay nhà bán lẻ dùng công cụ giám sát bằng AI để ghi hình mọi người theo thời gian thực và nhận diện căng thẳng cảm xúc.
Theo ông Breton, Nghị viện châu Âu bảo đảm lệnh cấm sử dụng các công nghệ giám sát và sinh trắc học thời gian thực, bao gồm nhận dạng cảm xúc, nhưng với ba ngoại lệ.
Điều đó đồng nghĩa cảnh sát sẽ chỉ có thể sử dụng các công nghệ xâm lấn trong trường hợp có mối đe dọa bất ngờ về một cuộc tấn công khủng bố, nhu cầu tìm kiếm nạn nhân và truy tố tội phạm nghiêm trọng.
Trong cuộc họp báo nửa đêm ở Brussels, chính trị gia Italia Brando Benefei và Dragoș Tudorache, chính trị gia Rumani – hai nhà lãnh đạo cuộc chiến 4 năm để điều chỉnh AI – cho biết mục tiêu của họ là đưa ra đạo luật nhằm đảm bảo hệ sinh thái AI ở châu Âu phát triển với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, tôn trọng các quyền cơ bản, giá trị con người, xây dựng niềm tin, xây dựng ý thức về cách chúng ta có thể tận dụng tốt nhất cuộc cách mạng AI đang diễn ra trước mắt.
Theo Tudorache, họ không tìm cách phủ nhận các công cụ hành pháp mà cảnh sát cần để chống lại tội phạm, lừa đảo hay bảo đảm an toàn cho công dân. Song, họ muốn và đã đạt được lệnh cấm công nghệ AI xác định hay xác định trước người nào có thể phạm tội.
Nền tảng của thỏa thuận là một hệ thống phân cấp rủi ro, nơi mức quy định cao nhất áp dụng cho những cỗ máy có nguy cơ cao nhất đối với sức khỏe, an toàn và nhân quyền.
Các dịch vụ AI có nhiều nghĩa vụ quan trọng, chẳng hạn tiết lộ dữ liệu dùng để đào tạo máy móc làm bất kỳ điều gì, từ viết báo đến chẩn đoán ung thư.
Tudorache khẳng định EU “là nơi đầu tiên trên thế giới đưa ra quy định thực sự cho AI và cho thế giới kỹ thuật số trong tương lai được thúc đẩy bởi AI, hướng dẫn sự phát triển và tiến hóa của công nghệ này theo hướng lấy con người làm trung tâm”.
Ông từng nói EU quyết tâm không phạm sai lầm trong quá khứ, khi những gã khổng lồ công nghệ như Facebook phát triển thành các tập đoàn trị giá hàng tỷ USD mà không có nghĩa vụ điều chỉnh nội dung trên nền tảng, bao gồm can thiệp vào bầu cử, lạm dụng tình dục trẻ em và ngôn từ kích động thù địch.
Quy định mạnh mẽ và toàn diện từ EU có thể "tạo ra một ví dụ quyền lực cho nhiều chính phủ xem xét quy định", Anu Bradford, Giáo sư Trường Luật Columbia, chuyên gia về EU và quy định kỹ thuật số cho biết. Các quốc gia khác "có thể không sao chép mọi điều khoản nhưng có xu hướng mô phỏng nhiều khía cạnh của nó".
Các công ty AI cũng có thể sẽ phải mở rộng một số nghĩa vụ đó cho các thị trường bên ngoài EU, Bradford nói với AP. "Xét cho cùng, việc đào tạo lại các mô hình riêng biệt cho các thị trường khác nhau là không hiệu quả", bà nói.
(Theo The Guardian)