Thỏa thuận sẽ cho ra đời một công ty liên doanh để phát triển mạng lưới, thiết lập tiêu chuẩn và sẵn sàng tần số cho công nghệ mới. Mục tiêu là tạo ra tầm nhìn toàn cầu về 5G vào cuối năm 2015.
Liên minh lần này có tác động không nhỏ đến EU, vốn tụt hậu trong cuộc đua viễn thông thế giới do chậm triển khai chuẩn 4G. Theo EU, nếu dùng Internet di động 4G, một người có thể tải phim HD dài 1 tiếng trong 6 phút thì với 5G, thời gian này chỉ còn 6 giây.
Các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã cảnh báo tăng trưởng khu vực có thể bị ảnh hưởng nếu tiếp tục đi sau về công nghệ di động. Cuộc đua 5G thực chất đã khai hỏa với sự tham gia của Huawei (Trung Quốc), cam kết đầu tư 600 triệu USD đến năm 2018. Mỹ dù chưa có thông tin gì về chương trình song nhiều trường đại học đang nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của chuẩn kết nối mới.
EU đang nỗ lực giành lại vị thế của người dẫn đầu thế giới về chuẩn di động như đã làm với chuẩn GSM.
Trong khi châu Âu vẫn còn muốn bấu víu vào hào quang quá khứ, Hàn Quốc luôn được đánh giá là người đi tiên phong trong công nghệ viễn thông. Người dân nước này có lẽ cũng “nghiện” smartphone nặng nhất với tỉ lệ tiếp cận di động cao hơn 100%, đồng nghĩa trung bình mỗi người dùng nhiều hơn một thiết bị di động.
Hợp tác cùng nhau mang lại lợi ích cho cả các nhà sản xuất thiết bị di động châu Âu như Ericsson, Nokia Siemens Networks Oy và Alcatel-Lucent cũng như hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc.
Năm 2013, Samsung, công ty thu phần lớn lợi nhuận từ di động, tuyên bố đạt được bước đột phá trong công nghệ 5G khi tìm ra cách để truyền khối lượng lớn dữ liệu qua thiết bị di động, sử dụng tần số cao hơn nhiều so với thông thường mà không gặp phải giới hạn nào cả. Tháng 1 năm nay, chính phủ Hàn Quốc thông báo lộ trình công nghệ 5G với mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên thương mại hóa 5G vào tháng 12/2020.
Điều đó được thực hiện thông qua nỗ lực hợp tác giữa ba nhà mạng SK Telecom, KT, LG Uplus và các nhà sản xuất như Samsung, LG. Chính phủ dự báo cả nước phải đầu tư tổng cộng 1,57 tỷ USD trong 7 năm tới nếu muốn mang lại sự sống cho 5G. Theo kế hoạch, Hàn Quốc đặt mục tiêu thu về 331 nghìn tỷ won doanh thu từ thiết bị di động và thiết bị mạng lưới hỗ trợ công nghệ 5G trong giai đoạn 2020 – 2026.
Về phía EU, tháng 12/2013, Ủy ban Châu Âu cho biết sẽ tài trợ 700 triệu EURO và các đối tác bỏ ra hơn 3 tỷ EURO để hoạt động nghiên cứu 5G diễn ra trơn tru.
Liên minh giữa châu Âu – Hàn Quốc do hai nhóm dẫn dắt: 5G PPP của châu Âu có trụ sở tại Bỉ, gồm các công ty viễn thông, công nghệ như Telefónica, Nokia Oyj và 5G Forum của Hàn Quốc.
Ủy viên Neelie Kroes của EU khẳng định công việc liên quan đến 5G nên bắt đầu “càng sớm càng tốt nếu muốn dẫn đầu một lần nữa. Vào những năm 1990, chúng ta đã ngồi ghế lái, nói về GSM; được quay lại vị trí đó sẽ tốt hơn”.