Cố vấn kỹ thuật số Marten Kaevats của Estonia. Ảnh: Internet |
Được công nhận rộng rãi là một trong những quốc gia đi đầu về chính phủ điện tử, Estonia đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin công cộng mang lại thuận tiện, bảo mật và trao đổi dữ liệu. Làm thế nào Estonia, đất nước mới chỉ độc lập năm 1991, làm được kỳ tích này? Cố vấn kỹ thuật số Marten Kaevats đã chia sẻ về hành trình tiến tới “chính phủ vô hình” của Estonia.
Chưa đầy 4 năm trước, Marten Kaevats không thể tưởng tượng ông sẽ làm việc trong khu vực công. Ngày nay, ông là Cố vấn kỹ thuật số quốc gia của Estonia. Theo ông, khu vực công thậm chí còn cởi mở với các ý tưởng mới hơn cả doanh nghiệp.
Là một chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI), Kaevat là nhân vật quan trọng của một trong các chính phủ hiện đại bậc nhất thế giới. Hướng đi rõ ràng của Estonia là trở thành “chính phủ vô hình”. Ông tin rằng mọi thứ mà công dân muốn từ chính phủ đều có nhận một cách tự động mà không cần phải đến văn phòng hay nộp đơn và Estonia sẽ làm được trong vòng 5 đến 8 năm.
Chẳng hạn, chỉ vài phút sau khi một đứa trẻ ra đời, cha mẹ sẽ nhận được email thông báo về phúc lợi của mình, đưa ra lựa chọn về trường mầm non. Email tự động tương tự sẽ gửi đến sau khi mỗi sự kiện quan trọng của mọi người như mất việc, nghỉ hưu, người thân qua đời. Thuật toán sẽ dùng tới mọi thông tin cần thiết để làm được điều này và các cơ quan sẽ tự động liên hệ với công dân để thông báo: “Tiền của anh đây”.
Những viên gạch nền
Một trong những nguyên tắc quan trọng của Estonia là cấm cơ quan chức năng hỏi công dân dữ liệu mà nhà nước đã có. Tức là, họ phải lấy dữ liệu đó từ đồng nghiệp trong tổ chức chính phủ và nếu cần thiết phải xin phép công dân.
Sở dĩ có thể làm được điều này dựa trên hai hệ thống điện tử nòng cốt: chứng minh thư kỹ thuật số, thứ mọi người có thể dùng để ký hợp đồng, truy cập dịch vụ công, xem hồ sơ y tế, nộp thuế, bầu cử và X-road, bộ giao thức bảo mật – liên lạc cho phép truyền dữ liệu nhanh chóng, an toàn giữa nhiều cơ sở dữ liệu và hệ thống kỹ thuật số.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Estonia không chỉ tiết kiệm chi phí quản lý, vận chuyển mà còn cung cấp khả năng bảo mật vô cùng cao.
Chia sẻ an toàn
Theo Kaevats, cơ chế phân tán mạnh hơn nhiều cơ chế tập trung. Hacker phải phá vỡ 300 máy chủ trong một phần nghìn giây để xâm nhập hệ thống. Estonia cũng cần bảo mật: năm 2007, nước này bị tấn công DDoS nhưng chỉ bị thiệt hại trên bề nổi và tin tặc không thể xâm nhập vào phần nhân hệ thống.
Nhận thức được nguy cơ từ tấn công mạng, Estonia phát triển “đại sứ quán dữ liệu” đầu tiên trên thế giới tại Luxembourg: là nơi lưu trữ dữ liệu đặt tại nước ngoài, được bảo vệ và miễn trừ dành cho đại sứ quán theo luật pháp quốc tế. Bản sao điện tử của hệ thống thông tin quan trọng – đáng chú ý là 10 cơ sở dữ liệu ưu tiên, bao gồm hệ thống thông tin ngân khố; danh sách dân cư, đất đai, kinh doanh, bảo hiểm; cơ sở dữ liệu định danh – đều được lưu trữ an toàn tại đây, đảm bảo mọi thứ được vận hành dù xảy ra bất kỳ chuyện gì.
Bắt đầu từ số 0
Từng là một phần của Liên bang Xô Viết giúp Estonia có nhân lực công nghệ, kỹ sư tài năng vào những năm 1960. Dù sở hữu cơ sở hạ tầng công nghiệp lỗi thời, họ vẫn còn nguồn nhân lực dồi dào thông qua các học viện như Viện Điều khiển học, ra đời năm 1960.
Estonia được đền đáp khi Cyberetica, công ty tư nhân xuất thân từ học viện được thành lập năm 1997. Cyberetica phát triển X-road và hệ thống chứng minh thư điện tử. Người dân Estonia cũng đam mê công nghệ tương tự chính phủ của họ: tỉ lệ dùng chứng minh thư điện tử đạt gần 100%, khoảng 30% số phiếu được bầu qua mạng. Quốc gia đặt mục tiêu 60% hộ gia đình dùng Internet siêu nhanh vào năm 2020.
Khi trở thành quốc gia độc lập năm 1991, họ có cơ hội tái thiết hệ thống và hạ tầng từ số 0. Từ năm 2012, Estonia vận hành mô hình “lai” – trung tâm đặt ra tiêu chuẩn, giao thức và kỳ vọng quốc gia còn mỗi cơ quan lại xây dựng hệ thống xoay quanh nó để đáp ứng nhu cầu của họ.
Xây dựng dịch vụ công đổi mới
Ông Kaevats cho rằng thành công trong dịch vụ số không nằm ở công nghệ mà quan trọng hơn cả là “tư duy và xây dựng văn hóa lòng tin”. Điều đó không thể đạt được chỉ sau một đêm. Công chức phải thay đổi hình ảnh cứng nhắc lỗi thời và tự xem mình là “người khuyến khích”.
Công chức phải áp dụng cách tiếp cận khác khi cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, họ nên thay đổi cung cách mua sắm công nghệ: mua hệ thống IT quy mô lớn để đảm bảo ngân sách thường niên eo hẹp, khi mọi thứ sẵn sàng, hệ thống hoành tráng ấy lại trở nên lỗi thời. Quan chức nên nhìn vào kinh nghiệm của khu vực tư nhân trong “thiết kế xoay quanh người dùng”, tái xây dựng dịch vụ từ số 0 thay vì đưa từng công nghệ một vào hệ thống cũ kỹ. “Dùng file PDF không tạo ra chính phủ điện tử”, chuyên gia nhận xét.
Thu hút dân chuyên nghiệp để đáp ứng cách tiếp cận mới không hề đơn giản. Chính phủ Estonia cũng gặp khó khăn để chiêu mộ nhân tài trong bối cảnh công ty tư nhân chào mời mức lương cao hơn nhiều. Dù chưa có câu trả lời cho vấn đề này, xây dựng uy tín là một giải pháp.
Làn sóng công nghệ mới
Estonia đang tìm kiếm một bộ công nghệ mới, hiển nhiên nhất chính là AI. Nhằm đảm bảo AI được công chúng đón nhận và giữ vững trật tự trị an, chính phủ đang xây dựng bộ luật AI để định nghĩa các thuật toán trong các tranh chấp pháp lý. Chẳng hạn, ai là người chịu trách nhiệm kh xe tự lái gây ra tai nạn.
Quản lý AI đặc biệt khó khăn. Sau tất cả, năng lực của chúng liên tục thay đổi. Tuy nhiên, vì chúng là công nghệ vô cùng quyền lực, nhà nước phải tạo ra khung pháp lý.
Trong lúc này, một số nước khác – nhiều nước lớn hơn hẳn Estonia – lại bắt đầu ứng dụng công nghệ và cách tiếp cận của Estonia. Phần Lan đã dùng X-Road, cho phép chuyển dữ liệu an toàn giữa các quốc gia. Năm 2017, Phần Lan và Estonia thành lập Viện Giải pháp tương tác Nordic (NIIS) với sứ mệnh phát triển các giải pháp chính phủ điện tử. Iceland gia nhập viện này tháng 9/2018 và NIIS cũng công bố mã nguồn X-Road trên GitHub.
Các hạt giống khác mà Estonia gieo trồng đã cho quả tại các vùng đất khác. Năm 2016, Nhật Bản ra mắt MyNumber, chương trình định danh điện tử lấy cảm hứng từ Estonia, cung cấp khả năng truy cập dịch vụ công trực tuyến. Startup Planetway xây dựng trung tâm phát triển tại Estonia, dùng công nghệ địa phương để mở nền tảng trao đổi dữ liệu cho doanh nghiệp.