Estonia. Ảnh: Getty Images

Estonia nằm ở Bắc Âu và nổi tiếng nhờ hệ thống chính phủ điện tử ấn tượng. Nước này nằm trong nhóm các nước có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EDGI) của Liên Hợp Quốc. Công dân và viên chức được sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến thông qua các ID bảo mật, bao gồm thanh toán, hồ sơ y tế, bỏ phiếu trên mạng.

Estonia bắt đầu xây dựng chính phủ điện tử từ giữa những năm 1990, không lâu sau khi tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô Viết. Một trong các sáng kiến táo bạo, gây chú ý là chương trình E-residency, cho phép bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể đăng ký nhận dạng số an toàn do chính phủ cấp và truy cập vào toàn bộ các dịch vụ công của Estonia.

Ngày nay, 99% dịch vụ công có trên Internet 24/7, 30% người Estonia dùng i-Voting. Cải cách hành chính giúp tiết kiệm 800 năm làm việc. Thành công của Estonia trên con đường chính phủ điện tử chính là “quả ngọt” cho những gì họ đặt ra cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, theo Arthur Mickoloeit, chuyên gia phân tích cao cấp của Gartner chuyên về chính phủ điện tử.

Ông đánh giá Estonia đã đặt nền tảng đúng đắn ngay từ đầu. Ông chỉ ra ba dự án nền tảng quan trọng, đó là: (1) số hóa thủ tục đăng ký của các cơ quan nhà nước nhằm cung cấp thông tin cần thiết, hỗ trợ dịch vụ điện tử; (2) xây dựng nền tảng kết nối các hệ sinh thái khác nhau của cả khu vực công và khu vực tư, cho phép chia sẻ thông tin lẫn nhau; (3) cung cấp phương tiện cho công dân để truy cập an toàn dịch vụ trên mạng bằng ID và đảm bảo chữ ký số tương đương chữ ký tay.

Thành công ban đầu của thương mại điện tử và ngân hàng điện tử tại đây cũng giúp phổ biến và củng cố ý tưởng sử dụng dịch vụ trực tuyến trong dân chúng. Ngoài ra, còn phải kể đến quy mô đất nước và niềm tin vào chính phủ. Các nước nhỏ hơn thường tiên phong trong một số loại dự án, trong trường hợp của Estonia là đại sự quán điện tử (digital embassy), E-residency, blockchain.

Trong vài năm trở lại đây, Estonia bị các nước khác qua mặt trong vài lĩnh vực và đến năm 2018, họ bị rơi xuống hạng 16 trong bảng EDGI của Liên Hợp Quốc. Tại đây, họ chưa có thanh toán di động, không trả tiền bằng ứng dụng mà bằng thẻ.

Dù vậy, xét một cách toàn diện, theo ông Wolfgang Drechsler, Giáo sư Đại học công nghệ Estonia, chính phủ điện tử của Estonia vẫn “rất tốt”. Không thể xem nhẹ vai trò của chương trình chính phủ điện tử Estonia trong tăng cường uy tín đất nước trên trường quốc tế. Từ góc độ truyền thông, một số sáng kiến như E-residency còn quan trọng hơn nữa khi tái khẳng định Estonia là cường quốc kỹ thuật số.

Các nước khác có thể học được gì từ Estonia?

Ông Drechsler cho rằng các nước không nên bắt chước Estonia hoàn toàn do tính chất đặc thù của đất nước là quy mô nhỏ, mối quan hệ tin tưởng giữa người dân và chính phủ. Chỉ nên học hỏi về khía cạnh kỹ thuật, phương pháp thực hiện một số dự án thay vì “bê nguyên” cách tiếp cận của Estonia về nước mình.

Theo chuyên gia Mickoleit, các nước có thể lấy cảm hứng từ Estonia, Đan Mạch hay Anh để theo đuổi “thay đổi kỹ thuật số thực sự ấn tượng” cho khu vực công. Họ có thể mời người dân đưa ra quan điểm riêng về chức năng của một dịch vụ, kết hợp với thử nghiệm và làm đi làm lại trên các nguyên mẫu để cải thiện dịch vụ đó.

Estonia còn mang đến bài học về cách xử lý các nhược điểm trong chính phủ điện tử. Dự án công nghệ thông tin của khu vực công thường không hoạt động mượt mà, bản thân Estonia cũng có khó khăn riêng. Gần đây nhất, năm 2017, họ phát hiện phần cứng trong thẻ ID của người dân rất dễ bị tấn công. Chính phủ nhanh chóng tổ chức họp báo thông báo về rủi ro và người dân cần nhanh chóng làm mới chứng nhận thẻ ID để loại bỏ nguy cơ bị đánh cắp danh tính. Chuyên gia được mời tới thủ đô Tallinn để bàn bạc công khai về sự cố, đánh giá xem có thể làm được gì và giảm bớt lo lắng cả trong và ngoài nước.

Cuối cùng, cú chuyển mình thành một trong các nước đi đầu về chính phủ điện tử của Estonia cho thế giới thấy tầm quan trọng của xác định lối đi mới, hiệu quả hơn trong việc cung cấp dịch vụ công và lợi ích mà nó mang lại cao hơn rủi ro. Ông Mickoleit chia sẻ: “Một trong các bài học lớn là luôn có một vài sai lầm và thất bại nhưng còn mạo hiểm hơn nếu không theo đuổi thay đổi kỹ thuật số vì bạn sẽ bị những tiến bộ đang xảy ra bên ngoài bỏ xa”.