Đây là kết quả sau hai ngày họp bàn (21-22/7) tại Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) lần thứ nhất năm 2020.
Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ Nhất năm 2020 - Ảnh: tdtt.gov.vn
36 môn thi trong đề án tại SEA Games 31 gồm: điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao.
Tuy vậy, cơ hội để esports xuất hiện tại SEA Games 31 - sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm sau - là vẫn còn bởi SEAGF đã đi đến thống nhất tăng số môn thi đấu từ 36 lên 40.
Tại cuộc họp của Ban Thể thao và Luật, đại diện các quốc gia đưa ra những ý kiến đề xuất đưa hơn 20 môn thể thao vào chương trình thi đấu của SEA Games 31. Nước chủ nhà ghi nhận ý kiến đề xuất nêu trên để đệ trình lên Hội đồng điều hành SEAGF.
Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình sẽ là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của SEA Games 31 gồm lễ khai mạc (21/11), lễ bế mạc (02/12) và các môn thể thao Olympic
“Hiện có 21 môn được đề xuất và sẽ lấy tối đa thêm 4 môn vào SEA Games 31. Kỳ đại hội tới ước tính có 450 nội dung thi đấu của 36 môn. 4 môn đề xuất sẽ xem xét và phụ thuộc vào việc lựa chọn các môn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tổ chức không quá 500 nội dung của 40 môn thể thao”, Phó tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn phát biểu tại buổi họp trực tuyến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử SEA Games do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
"Theo quy định, nước chủ nhà phải công số môn thi trước một năm. Kỳ họp lần thứ hai vào tháng 11, ban tổ chức sẽ công bố 40 môn thi đấu và số lượng nội dung tại đại hội", ông Phấn nói thêm.
Theo Hiến chương và Quy tắc của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), nước chủ nhà phải tổ chức tối thiểu 22 môn thể thao. Trong đó, 2 môn bắt buộc là điền kinh và thể thao dưới nước được xếp vào nhóm một, 14 môn tối thiểu trong chương trình thi đấu của Olympic và Asian Games nằm ở nhóm 2. Nhóm 3 có tối đa 8 môn thể thao đặc thù. Các môn ở nhóm 2 phải được ưu tiên.
Kỳ SEA Games năm tới, chủ nhà Việt Nam hướng tới trọng tâm là các môn thể thao cơ bản của Olympic. Sau 19 năm, Việt Nam đang hướng tới SEA Games 31 với vị thế chủ nhà mới, khi luôn nằm trong top 3 toàn đoàn.
9 quốc gia trong khu vực quyết đưa esports vào chương trình thi đấu SEA Games 31
Đoàn esports Việt Nam trước khi lên máy bay sang Philippines dự SEA Games 30
Ít ngày sau khi biết tin Việt Nam liệt kê esports vào danh sách các bộ môn bị cắt giảm tại SEA Games 31, Liên đoàn Thể thao điện tử châu Á (AESF) kêu gọi các đội tuyển thành viên lên tiếng để nước chủ nhà thay đổi quyết định.
"Tôi biết được thông tin esports không được coi là một môn thi đấu tại SEA Games 31 và viết thư này để kêu gọi sự hỗ trợ của các Liên đoàn thành viên trong việc vận động nhằm đưa thể thao điện tử vào nội dung thi đấu tại kỳ vận hội này", ông Sebastian Lau, Tổng Thư ký AESF, viết trong thông cáo báo chí.
Chủ tịch Liên đoàn Thể thao điện tử Philippines (NESFP), ông Ramon Suzara, xác nhận với Manila Times rằng AESF đã gửi thư cho NESFP thông báo việc này.
"Vì thành công chung của SEA Games, chính chúng tôi đã đưa esports vào nội dung tranh huy chương. Vì vậy, bộ môn này cần có mặt tại kỳ vận hội ở Việt Nam. Chắc chắn sẽ có cuộc đàm phán về việc này. Khoảng 9 nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tham gia vào cuộc vận động này", ông Suzara nói.
Ông Suzara cho biết, esports đã có chỗ đứng trên trường quốc tế khi được Ủy ban Olympic quốc tế thông qua như sự kiện trình diễn tại Paris vào năm 2024.
Esports đã bị gạch tên dù đã được Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) đưa vào danh sách sau cuộc họp bàn về số lượng các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 hồi cuối tháng 02 năm ngoái.
Trước đó tại 2018 Asian Games, esports đã lần đầu tiên góp mặt tại một sự kiện thể thao chính thống tầm cỡ - nhưng với tư cách bộ môn biểu diễn.
Thể thao điện tử cũng đã có tên trong danh sách các bộ môn tranh chấp huy chương tại SEA Games 30 được tổ chức tại Philippines cuối năm ngoái.
Tất cả các bộ môn thi đấu esports tại SEA Games 30 đều được lựa chọn dựa trên tiêu chí "không quảng bá văn hóa bạo lực và cờ bạc" theo yêu cầu của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Chủ nhà SEA Games 30, Philippines, "thắng đậm" nhờ đưa esports vào nhóm bộ môn tranh chấp huy chương
Chủ nhà Philippines giành 3/6 Huy chương Vàng esports với Dota 2, Starcraft II và Mobile Legends: Bang Bang để củng cố ngôi nhất toàn đoàn. Trong khi đó, các VĐV esports Việt Nam cũng bổ sung cho đoàn ba tấm Huy chương Đồng ở các bộ môn Dota 2, Starcraft II và Liên Quân Mobile.
Ở Đại hội thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á 2021 (AIMAG) được Thái Lan đăng cai vào tháng 5 năm sau, nước chủ nhà cũng công bố 6 bộ môn thi đấu esports gồm Liên Quân Mobile, Dota 2, Assetto Corza, One Lap E-Cycling, Legend of Runetera và Tekken 7. 45 Ủy ban Olympic quốc gia thành viên sẽ tham dự Đại hội này, trong đó có Việt Nam.
SEA Games 31 sẽ diễn ra từ 21/11-02/12/2021 tại 10 tỉnh thành miền Bắc.
Gamer