Càng ngày càng chuyên nghiệp
Esport đang tiệm cận dần đến với những chuẩn mực của thể thao hiện đại. Rất nhiều đội E-sport mạnh được lập ra để theo đuổi những mục tiêu tối cao ở các giải đấu lớn nhỏ. Các gaming lớn sở hữu hàng loạt đội tuyển và người chơi ở các môn e-sport khác nhau. Trong mỗi đội tuyển, các thành viên phải dành ra tối thiểu 6 tiếng mỗi ngày để luyện tập cùng nhau. Thậm chí rất nhiều team đến từ Trung Quốc còn sống cùng nhau duới 1 mái nhà để tối đa khoảng thời gian họ chơi chung (Mô hình Gaming House). Thậm chí đã bắt đầu xuất hiện những bản hợp đồng chuyển nhượng hàng trăm ngàn USD giữa các team E-sport. Cũng đã có những scandal, những câu chuyện, những nhân vật nổi tiếng, những trận đấu kinh điển và tất nhiên cả những mảng tối như bán độ, gian lận. . . trong Esport.
Các team E-sport chuyên nghiệp tham gia vào hàng chục giải đấu mỗi năm, từ lớn đến bé với mục tiêu "cọ sát" và chuẩn bị cho giải đấu lớn nhất trong năm. Cũng giống như bóng đá và các môn thể thao truyền thống, các trận đấu thể thao điện tử chuyên nghiệp được quan sát bởi các trọng tài, người chơi thậm chí phải thử doping trước khi thi đấu.
Giải đấu ESL dành cho game CS:GO đã chính thức thử nghiệm doping trên mỗi người chơi từ năm 2015. Không khác nhiều những môn thể thao truyền thống, E-sport đòi hỏi rất lớn sức khỏe của người chơi. Họ cần phải tỉnh táo, nhanh nhẹn và một sức bền bỉ rất lớn khi thi đấu 4-5 tiếng liên tục. Nhiều loại nước tăng lực đã ra đời dành riêng cho những game thủ chuyên nghiệp, tuy nhiên trước đây chưa hề có bất cứ sự kiểm tra nào với các loại nước tăng lực này, về việc chúng có chưa các chất cấm hay không, và các loại nước này ảnh hưởng tới người uống như thế nào.
Sức hút khổng lồ không thể phủ nhận
Để làm nên giải đấu triệu đô The International 5, công lớn nhất chắc chắn tới từ những người chơi Dota 2. Từ TI3, Valve đã có sáng kiến kêu gọi sự đóng góp từ chính những khách hàng của mình, những người chơi Dota 2. Theo đó, người chơi sẽ bỏ tiền ra mua sách Compendium và các vật phẩm liên quan tới giải đấu này. Valve sẽ trích ra 1/4 số tiền thu được làm giải thưởng cho The International. Có thể thấy con số 18 triệu USD giải thưởng chỉ là 1/4 số tiền mà Valve thu được, vậy sức hút của giải đấu e-sport này lớn tới đâu mà người chơi sẵn sàng chi ra hơn 70 triệu USD?
Hơn 11.000 fan hâm mộ đã tới Seattle và theo dõi giải đấu, hơn 2 triệu người xem trực tiếp qua Internet. Giải đấu được tổ chức chuyên nghiệp với quy mô hoành tráng, khiến không chỉ người hâm mộ mà cả giới truyền thông cũng phải tò mò về "giải E-sport 18 triệu USD" này. Nhiều tờ báo lớn tại Mỹ như CNN, New York Times liên tục đưa tin bài về giải đấu và các game thủ nổi tiếng. Họ thậm chí đăng tin lên cả mục Công Nghệ lẫn chuyên mục Thể Thao, đặt E-sport lên một vị thế mới, một môn thể thao được cả thể giới đón nhận.
Chưa hết, giống như các giải đấu thể thao lớn khác, The International cũng là một ngày hội quảng cáo của các nhãn hàng. Những thương hiệu nổi tiếng thừa hiểu về sức hút mà The International mang lại. Một cơ hội đem thương hiệu của mình tới hàng triệu người xem.
Tiềm năng phát triển không tưởng
Cách đây 5 năm, nhiều người đã không tin rằng một giải đấu E-sport có số tiền thưởng lên tới 1,5 triệu USD. Tuy vậy, chỉ 5 năm sau khi Valve đưa ra mức tiền thưởng dự kiến lên tới 15 triệu USD của TI5, các fan hâm mộ Dota 2 tự tin rằng họ có thể vượt qua nó.
Tiềm năng phát triển của nền thể thao điện tử không hề dừng lại ở một con số. Rất nhiều người đã nhìn thấy một tương lai dành cho nền công nghiệp này, họ cho rằng sức lan tỏa của nó không hề thua kém bóng đá. Những giải thi đấu phong trào được tổ chức với số lượng cực lớn các đội tham gia. Những giải đấu này được tổ chức hàng tuần, ngay tại Việt Nam, và luôn nhận được sự hưởng ứng của người chơi. Khi người ta nhìn ra được tiềm năng của E-sport, họ sẵn sàng đầu tư vào nó, bằng cách này hay cách khác. Sự phát triển của thể thao điện từ, rất nhiều cơ hội khác đã mở ra, tại các thành phố lớn, như Hà Nội hay Hồ Chí Minh, có hàng loạt các Cybergame lớn nhỏ dành riêng cho những người yêu E-sport.
Trên thế giới cũng vậy, nhiều quốc gia công nhận E-sport trở thành bộ môn thể thao chính thức trong các giải đấu quốc nội. Nhiều trường trung học tại Thụy Điển mới đây đã đưa các môn thể thao điện tử trở thành môn học ngoại khóa chính thức. Sức hút khổng lồ, tính chuyên nghiệp ngày một tăng, các giải đấu ngày một nhiều, con số giải thưởng cũng chưa có dấu hiệu dừng lại, chính những yếu tố này đang giúp cho E-sport phát triển không ngừng.
Nếu một ai đó nói rằng "E-sport mới chính là môn thể thao vua", có thể điều này chưa đúng. Nhưng với tốc độ phát triển và chuyên nghiệp hóa như bây hiện tại, không lâu nữa, những trò chơi điện tử sẽ được cả thế giới đón nhận, với tư cách một môn thể thao chính thức. Và cái ngày E-sport đứng ngang hàng với bóng đá hay điền kinh sớm muộn cũng sẽ tới.
Theo game8